(CATP) Hè sắp đến, đây là dịp trẻ em nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học tập. TP.HCM hiện có hơn 10 triệu dân, trong đó có tới gần 2 triệu trẻ em dưới 16 tuổi.
Đi làm thẻ sinh viên... giả
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay tình trạng thiếu sân chơi bổ ích, an toàn cho trẻ em dịp hè đã làm đau đầu các bậc phụ huynh cũng như cơ quan chức năng.
Phụ huynh lo lắng việc quản lý con cái những ngày hè
Buổi chiều tháng 5 nóng nực, chị Hoàng Thị Lan (ngụ quận Bình Thạnh) chở con đi bơi, tâm sự với chúng tôi, chị cho rằng, mỗi dịp hè nhu cầu được vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống của các em thiếu nhi rất cao. Đây cũng là dịp để các em được “xả hơi” sau những tháng ngày vùi đầu vào sách vở. Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM đang thiếu rất nhiều sân chơi khiến các bậc phụ huynh lo lắng trong việc quản lý con cái những ngày hè.
TP.HCM đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, không gian công cộng ở các quận, huyện bị thu hẹp, do vậy chỗ vui chơi, giải trí của trẻ em cũng bị ảnh hưởng theo. Thực tế, ở các quận, huyện có nhiều khu đất được quy hoạch để xây dựng công viên, các khu vui chơi cho trẻ nhưng phần lớn sử dụng không đúng mục đích. Ngoài ra, tình trạng đất ở các chung cư dành cho việc xây dựng sân chơi mini cũng bị biến thành bãi giữ xe, nơi kinh doanh ồn ào, phức tạp.
Do không có điểm sinh hoạt tập trung nên các phụ huynh khó khăn trong việc quản lý con em. Mỗi dịp hè, ta thường thấy ở các văn phòng, công sở có những ông bố, bà mẹ phải dắt con theo khi đi làm. Nhu cầu của các em được tiếp cận với các sân chơi an toàn, bổ ích cũng như tham gia những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí trong dịp hè là rất chính đáng. Tuy nhiên do thiếu những sân chơi lành mạnh đã làm hạn chế đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Không có nơi vui chơi, nhiều em đang vùi đầu vào internet với nhiều trò chơi đầy bạo lực
Đứng đón con ở cổng trường THCS Lê Quý Đôn, chị Nguyễn Thị Thu Cúc (ngụ quận 3) chia sẻ: “Hiện nay các điểm vui chơi thường cách nhau khá xa, rất bất tiện cho phụ huynh đưa đón con em đến sinh hoạt. Một số khu vui chơi khác còn nặng tính kinh doanh, thu phí khá cao khiến trẻ em nghèo khó tiếp cận được”.
Thiếu sân chơi, trẻ em bị "đẩy" đến quán internet
Trong khi đó, quỹ đất của thành phố dành cho việc xây dựng các trung tâm vui chơi thiếu nhi lại rất thiếu, phải tận dụng những khu đất trống để cải tạo thành nơi vui chơi cho trẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các địa điểm này trò chơi cũng được trang bị rất đơn giản như: đu quay, thú nhún, cầu trượt, phao trượt... đa số cũ kỹ, bị hư hỏng, xuống cấp. Chưa kể, ở một số nơi vui chơi hàng quán, người bán rong vây quanh, thậm chí nhiều chỗ còn có tệ nạn xã hội.
Hình ảnh từng nhóm trẻ vui chơi ngay trên đường phố, vỉa hè ngày càng nhiều. Nhà văn hóa ở các quận, huyện cũng luôn rơi vào tình trạng quá tải. Những ngày hè cũng có những điểm vui chơi giải trí do nhà nước đầu tư nhưng các trò chơi còn nghèo nàn. Trong khi đó, tại các siêu thị, trung tâm thương mại có khu vui chơi dành cho thiếu nhi thì giá tiền các trò chơi lại quá cao, không phù hợp đối với trẻ em là con của những người công nhân, lao động.
Do thiếu sân chơi an toàn, lành mạnh, nhiều trẻ em đã lao vào các trò chơi điện tử trực tuyến, có yếu tố bạo lực, nhiều trẻ em còn rủ nhau ra sông, hồ tắm và xảy ra tai nạn thương tâm.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, thời gian qua UBND thành phố đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng và hoạt động các cơ sở vui chơi giải trí phục vụ trẻ em, đồng thời cho triển khai xây dựng nhiều khu vui chơi, giải trí mới. Từ năm 2010 - 2015, thành phố đã xây dựng mới thêm 10 trung tâm, cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Thiết nghĩ, thời gian nghỉ hè dài, các trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cần tăng cường mở các lớp năng khiếu kỹ năng sống hấp dẫn, thiết thực nhằm thu hút trẻ em. Về lâu dài, thành phố cần dành quỹ đất để xây dựng thêm nhiều sân chơi cho thiếu nhi. Việc quy hoạch sân chơi cho trẻ em cần được chú trọng đầu tư cả về số lượng và chất lượng mới mong trẻ em có được những ngày hè vui tươi, an toàn và bổ ích.
Nam Anh