Những người bán trầu cau qua nửa thế kỷ

Chủ Nhật, 10/05/2015 08:37  | 

|

(CATP) Nằm sát bên hông Bến xe Chợ Lớn, con đường Lê Quang Sung (đoạn giao giữa Chu Văn An và Nguyễn Hữu Thận, quận 6) từ lâu nổi tiếng với tên gọi "chợ bán trầu cau đặc biệt nhất ở Sài Gòn".

Làng lư đồng cuối cùng ở Sài Gòn

Những đôi guốc mộc mang hai chữ "Saigon" đi khắp thế giới

Những người bán hàng ở đây đều luống tuổi. Họ gắn bó cả cuộc đời với nghề bán trầu cau. Không ít người còn không nhớ tên thật của mình. Họ quen với cái tên mà khách mua hàng thường hay gọi như dì Hai, bà Năm trầu, bà Sáu Lễ...

Vừa thoăn thoắt giã trầu, bà Dương Thị Hai (79 tuổi, ngụ Q11) kể, bà bắt đầu bán trầu cau từ sau ngày giải phóng, đến nay vừa tròn 40 năm. Khi còn trẻ, bà là công nhân vệ sinh, sau đó vì nhiều lý do, bà chuyển hẳn sang nghề này. Mỗi ngày của bà bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc trời vừa nhá nhem tối.

"Ngồi bán hàng ở đây vui lắm vì được gặp gỡ nhiều người, nhất là những ông bà già. Lúc rảnh rang, mọi người xúm lại kể việc gia đình, con cái", bà Hai cười hiền.

Bà Hai, người 40 năm bán trầu cau ở chợ

Nếu bán đắt hàng, mỗi ngày các bà, các mẹ ở đây cũng thu được 100 - 120 ngàn đồng tiền lãi. Còn những ngày thường, có khi không có đồng lãi nào.

"Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thu nhập ổn định như thế. Chỉ đến dịp cuối năm, lúc có nhiều hoạt động như lễ hội, giỗ chạp, cúng ông bà tổ tiên, đám cưới, đám hỏi...thì mới bán được hàng", bà Huê (ngụ Q8) chia sẻ.

Cũng theo lời bà Huê, chợ họp vào các ngày trong tuần và đông đúc nhất dịp cuối tuần. Từ 4 giờ sáng, trầu cau được các lái buôn chở bằng xe máy, xe thồ đổ về đây giao hàng. Nguồn hàng được lấy từ các tỉnh miền Tây và miền Trung, nhất là cau Quảng Ngãi vì độ thơm ngon đặc biệt.

Bà Anh được coi là người bán trầu cau lâu nhất ở chợ Lê Quang Sung. Đến nay bà đã theo nghề được 60 năm. Theo bà, nghề bán trầu cau là nghề truyền từ đời cụ kị, đến đời mẹ và giờ đến bà tiếp tục. Thời còn nhỏ, bà đã lẽo đẽo theo chân ngoại đi bán hàng. 14 tuổi, bà bắt đầu tự mình đi bán.

Những ngày đầu vất vả, khổ cực vì bị người này đuổi, người khác mắng nhưng sau đó thì mọi việc ổn định. Hiện tại, mỗi ngày bà đều phải dậy sớm, bắt xe bus từ Bà Điểm (Hóc Môn) lên chợ bán hàng. Buổi chiều, khi trời vừa tắt nắng, bà lại lục đục thu dọn đồ nghề, hàng hóa rồi tất tả về nhà.

Bà Anh, người bán hàng "thâm niên" nhất chợ trầu cau Lê Quang Sung

Khi nghe chúng tôi nhắc đến sự mai một của nghề bán trầu cau, bà bùi ngùi cho biết: "Trước đây người dân Sài Gòn thích ăn trầu cau và nghề bán trầu cau ăn nên làm ra.

Chợ trầu cau Lê Quang Sung luôn đông đúc, nhộn nhịp với hơn 40 người bán. Nhưng hiện chỉ có tầm 10 người gắn bó với nghề. Họ gắn bó với nghề vì những niềm vui đặc biệt và giản dị của tuổi già: được nhai trầu, được ngửi mùi lá trầu, mùi cau quyện lẫn với vôi.

Giữa cảnh xô bồ, náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, khi ghé qua hàng trầu cau ở đường Lê Quang Sung, ta thấy lòng mình như lắng lại vì những cảnh tượng gần gũi. Những người bán hàng đặc biệt ấy đang âm thầm gìn giữ nét đẹp văn hóa dần bị mai một qua dòng chảy thời gian khắc nghiệt.

Hoàng Yến

Bình luận (0)

Lên đầu trang