Thời gian qua, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ mang lại những giá trị tích cực cho đời sống xã hội của người dân TP, vẫn còn tồn tại những thách thức trong công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đặc biệt là tệ nạn xã hội mại dâm và tội phạm lợi dụng không gian văn hóa, môi trường thể thao và nền tảng thông tin số để thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật về mại dâm, kích dục, khiêu dâm trên địa bàn TP.
Vì vậy, Sở VHTT tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa và thể thao, báo chí, xuất bản, truyền thông xã hội và nội dung số, đẩy mạnh xây dựng các điểm sáng văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, hoàn thiện các thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng và thường xuyên thực hiện các công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phối hợp kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội, kịp thời phát hiện xứ lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm, ngăn ngừa tội phạm.

Sở VHTT TPHCM kiến nghị sớm có sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội số góp phần phòng chống mại dâm trong tình hình mới ( ảnh minh họa)
Trong đó, Sở VHTT TP đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm với tổng cộng 2.350 tin bài phóng sự, chuyên trang,... về phòng, chống tệ nạn mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thu hút sự quan tâm dư luận xã hội; góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với tội phạm của người dân; đồng thời, phát hiện, cổ vũ, động viên, tôn vinh các mô hình, điển hình, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống mại dâm.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng luôn được quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa và thông tin nhằm thông tin tuyên truyền cho người dân, cơ sở kinh doanh lĩnh vực văn hóa biết và chấp hành các quy định của pháp luật để tăng cường công tác quản lý ngành, hạn chế các tiêu cực phát sinh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp…
Sở VHTT TP cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; tạo mọi điều kiện để người dân TP có thể tiếp cận thông tin một cách hiệu quả, chính xác, nhất là ở những địa bàn xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, địa bàn có nhiều hoạt động kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, địa bàn đang được chuyển hóa.
Đáng chú ý, Sở VHTT TP cũng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến tháng 5/2025, Đoàn Kiểm tra Chuyên ngành Văn hóa và Đoàn Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội thành phố (Đoàn 1) đã kiểm tra 1.251 các cơ sở kinh doanh ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm, như cơ sở kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar, vũ trường, khách sạn, massage, phòng chiếu phim, trò chơi điện từ, câu lạc bộ Poker, sản xuất đĩa CD,... qua đó phát hiện, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 49 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về kích dục, khiêu dâm với tổng số tiền gần 20,8 tỷ đồng với một số lỗi vi phạm pháp luật thường gặp như: thiếu tinh thần trách nhiệm để mại dâm xảy ra tại cơ sở do mình quản lý; sử dụng các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh...

Các đối tượng bị tạm giữ vì hành vi môi giới mại dâm tại một nhà hàng ở TPHCM do 1 người Hàn Quốc cầm đầu
Theo ông Trần Thế Thuận, GĐ Sở VH-TT TPHCM, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn thời gian qua, cũng phải thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Điển hình là hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống mại dâm chưa đầy đủ, chậm sửa đổi bổ sung (chẳng hạn như: Pháp lệnh phòng, chống mại dâm); sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp bị các chủ cơ sở kinh doanh lợi dụng xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác, tiếp tục kinh doanh vi phạm pháp luật để trốn tránh chấp hành quyết định xử phạt.
Song song đó, sự phát triển của công nghệ số dẫn đến khó kiểm soát tình hình vi phạm pháp luật về mại dâm, kích dục, khiêu dâm trên các nền tảng xã hội. Đáng nói, các nguồn lực cho công tác phòng ngừa tội phạm; phòng, chống mại dâm; phòng, chống vi phạm pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật tại các địa phương còn hạn chế.
Hơn nữa, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa và thể thao vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động với hình thức biến tướng, trá hình như: hoạt động quán bar, beer club biến tướng vũ trường; nhà hàng kinh doanh karaoke không phép sử dụng tiếp viên nữ mặc trang phục khiêu dâm; cơ sở chăm sóc sức khỏe spa, gội đầu, hớt tóc thanh nữ để nữ nhân viên xoa bóp kích dục khách nam ... là một trong những nguyên nhân phát sinh tệ nạn mại dâm, kích dục, khiêu dâm.
Thêm vào đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên còn hạn chế nên tiềm ẩn phát sinh hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm, kích dục, khiêu dâm và tội phạm.
Do đó, để công tác phòng, chống mại dâm đạt được những kết quả khả quan, Giám đốc Sở VHTT TP cho biết, hiện Sở đã kiến nghị Bộ Y tế (cơ quan thường trực phòng, chống mại dâm) sớm thực hiện tham mưu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội số góp phần phòng chống mại dâm trong tình hình mới.