Từ "chốn lưu đày" nở hoa, nhìn lại cương lĩnh của Đảng về ruộng đất:

Kỳ cuối: Giá trị từ những bằng chứng thuyết phục!

Thứ Ba, 18/04/2023 12:19

|

(CATP) Phải chờ đến trên dưới 40 năm sau, khi các vùng KTM "nở hoa" với các tỉnh lộ, quốc lộ mới mở hay mới nâng cấp xe cộ rầm rập suốt ngày đêm; với quá trình đô thị hóa nhộn nhịp; với cuộc sống của người dân được cải thiện gấp hàng chục lần thời bao cấp và các "chốn lưu đày" trở thành nơi đáng sống, nơi thu hút du khách, thu hút các nhà đầu tư... thì ý nghĩa từ việc chia ruộng đất cho dân nghèo và cho các hộ gia đình có người thân đứng "bên kia chiến tuyến" với cách mạng từ gần nửa thế kỷ trước, mới thành vấn đề đáng nói; thậm chí là thành "cổ tích" giữa đời thường.

Khi những gia đình "vô sản" trước 1975 ở miền Nam có tài sản hàng tỷ, hàng chục tỷ từ những mảnh đất được chính quyền cách mạng chia cho ở vùng KTM "rừng thiêng nước độc" trong quá khứ, giờ đã thành những đô thị sầm uất, hay những thôn làng trù phú, "phận nghèo" đã thay đổi mà nhìn lại ai cũng bồi hồi xúc động. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên quê hương đất nước thanh bình; được làm những điều mình thích trong khuôn khổ pháp luật; được thụ hưởng mọi thành quả lao động chân chính; được ước mơ, được phấn đấu để toại nguyện... đó là thành quả lớn lao mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang đến cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên thời kỳ đổi mới, hội nhập. Đó cũng chính là trả lời cho câu hỏi: tại sao ngày càng nhiều bà con Việt kiều, có cả các ca sĩ, nghệ sĩ và những người chống cộng cực đoan ở hải ngoại quay lại cội nguồn, tìm về Tổ quốc.

Họ rưng rưng xúc động khi nhìn thấy quê hương đổi thay, thịnh vượng, văn minh và nghĩa tình. Họ nhận ra lỗi lầm trước đây đã theo các thế lực phản động để gây tổn hại cho đất nước và đồng bào mình. Họ ăn năn hối cãi và muốn đóng góp cho đất nước để xóa đi mặc cảm quá khứ của mình. Họ lên báo, đài, YouTube, các trang mạng xã hội... vạch trần thủ đoạn lừa bịp, xuyên tạc, vu cáo của các tổ chức phản động mà họ và người thân, bạn bè từng mù quáng tham gia, kể cả các tổ chức khủng bố, lừa đảo. Họ ca ngợi những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là quyết tâm chiến đấu, hy sinh xương máu bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời và sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ của dân tộc, đất nước.

Ông Đức "đầu bạc" (ảnh: sưu tầm)

Trong xu hướng giác ngộ và tiến bộ này phải kể đến ông Nguyễn Trọng Đức, tức "Đức đầu bạc", từng "nổi tiếng" trong cộng đồng người Việt ở Mỹ với quan điểm chống cộng cực đoan và tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống phá đất nước. Đầu năm 2015, ông Đức được tham gia trong đoàn Việt kiều tham quan quần đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến quân dân trên các đảo phải sống trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn nêu cao tinh thần, ý chí, kiên quyết bảo vệ biển đảo; ông đã xúc động tận đáy lòng khi phát biểu với báo chí: "Trước chuyến đi này, tôi bị tuyên truyền rằng quần đảo Trường Sa đã bị bán và ban tổ chức sẽ đưa chúng tôi đến một nơi nào đó giả mạo địa danh này... Không ngờ hôm nay tôi đã được đặt chân lên chính quần đảo thiêng liêng này chứ không phải đâu khác.

Quan trọng hơn cả, tôi đã biết rằng, những gì tôi được truyền đạt trước đây về Trường Sa đều là thông tin bịa đặt của những người muốn bóp méo sự thật về Việt Nam..." (trích từ bài "Ngày trở về" - tác giả Quỳnh Chi, đăng trên báo điện tử Hà Nội Mới).

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) vào tháng 8-2022, luật sư (LS) Hoàng Duy Hùng - người từng chống cộng "cực đoan, bền bĩ” và là thành viên lãnh đạo của nhiều tổ chức phản động suốt mấy mươi năm ở Mỹ, đã kể lại quá trình giác ngộ của mình: "Sau những chuyến đi về Việt Nam, được tận mắt chứng kiến sự thay đổi lớn lao, phồn thịnh của đất nước và cuộc sống yên vui, hạnh phúc của nhân dân, tôi đã thay đổi nhận thức và mạnh dạn vạch trần những trò ma giáo, bịp bợm của "Việt Tân", những trò đấu đá tranh giành danh lợi của các đàn anh trong tổ chức "Đại Việt cách mạng Đảng" mà tôi là "ủy viên trung ương"; vạch mặt lừa đảo của Nguyễn Hữu Chánh, Đào Minh Quân...".

Ông Hoàng Duy Hùng treo cờ đỏ sao vàng trong văn phòng luật sư của mình tại Mỹ (ảnh: sưu tầm)

Ngày 25-01-2022, LS Hoàng Duy Hùng ra biên giới phía Bắc và tuyên bố trên kênh "góc nhìn Hoàng Duy Hùng" của mình: "Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu, hy sinh, bảo vệ đất nước như thế nào... Đến nghĩa trang Vị Xuyên của những người nằm xuống cho đất nước, không có ai "quốc gia" mà toàn là Cộng sản ở đây. Nếu không có những người Cộng sản thì đất nước ta thế nào?".

Còn có rất nhiều người nổi tiếng "chống cộng" một thời, sau khi về Việt Nam, chứng kiến sự thay đổi của đất nước, đã mạnh mẽ phản bác các quan điểm sai trái do các thế lực cực đoan nhồi nhét vào đầu óc bà con Việt kiều suốt mấy thập niên qua, như: nhà báo gốc sĩ quan biệt động quân Nguyễn Phương Hùng; cựu thiếu úy thủy quân lục chiến Nguyễn Ngọc Lập; cựu biệt kích Hà Văn Sơn, nữ LS Phùng Tuệ Châu... Tiếng nói thẳng thắn, đúng lương tâm của họ đã góp phần củng cố hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc và làm cho các cá nhân, tổ chức cực đoan ở hải ngoại ngày càng bị bà con Việt kiều xa lánh, ghê sợ.

Đoàn kiều bào ra thăm huyện đảo Trường Sa (ảnh: sưu tầm)

Cương lĩnh về vấn đề ruộng đất gọi tắt là "cương lĩnh 1953" là tiền đề để những năm sau đó Đảng chủ trương "cải cách ruộng đất". Trong quá trình đó do chủ quan, nóng vội nên một số địa phương đã có những sai sót, gây oan ức cho rất nhiều gia đình, kể cả các gia đình cán bộ, đảng viên, sĩ quan lực lượng vũ trang. Từ hơn 60 năm qua, những người không quên được mất mát đau thương này đã lên tiếng trên các diễn đàn và lập tức được các thế lực cực đoan khoét sâu để gây chia rẽ, hận thù dân tộc và xuyên tạc các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nhưng nếu chúng ta bình tâm, khách quan thì sẽ thấy "những con số biết nói" vẽ nên toàn diện bức tranh lịch sử về vấn đề này: "Tính chung, từ sau Cách mạng Tháng 8-1945 đến cuối năm 1956, ở miền Bắc đã chia 810 ngàn héc-ta ruộng đất, 74 ngàn con trâu, bò cho 2,1 triệu hộ nông dân (với hơn 10 triệu dân). Tính đến năm 1953, ở Nam Bộ, chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân 410 ngàn héc-ta đất của thực dân Pháp và địa chủ phản động...

Trong quá trình cải cách ruộng đất, Đảng ta đã phát hiện có những sai lầm và từ tháng 4-1956, đã có chỉ thị sửa chữa những sai lầm ấy... Đến cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đem lại kết quả tốt. Nông thôn miền Bắc dần ổn định, nội bộ Đảng đoàn kết nhất trí. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Chính phủ được khôi phục, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh nên năm 1957 được mùa lớn..." (trích từ bài "Hoàn thành cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế quốc dân 1955 - 1957", đăng trên trang Chinhphu.vn bản tiếng Việt ngày 26-3-2011). Đó cũng chính là tiền đề để miền Bắc phát triển, trở thành hậu phương lớn chi việc sức người, sức của cho cuộc kháng chiếng chống Mỹ ở miền Nam cho đến thắng lợi hoàn toàn, đất nước được thống nhất trong ngày 30-4-1975 lịch sử.

Đó cũng chính là cơ sở lý luận và thực tiễn sinh động với đủ cả thành công rực rỡ và những sai sót, đau thương đã được sửa sai, khắc phục, rút kinh nghiệm để Đảng tiếp tục có những chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho hàng chục triệu nông dân, để họ có thể nuôi dạy các thế hệ con, cháu học hành tốt hơn, đóng góp cho quê hương đất nước bằng chính khát vọng của cha, ông ngày còn bị nô lệ, bóc lột và chịu đủ mọi đắng cay của kiếp "bần cố nông"!

Kỳ 1:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang