Từ "chốn lưu đày" nở hoa, nhìn lại cương lĩnh của Đảng về ruộng đất:

Kỳ 1: "Người cày có ruộng" là chính sách nhân văn, xuyên suốt của Đảng

Thứ Hai, 17/04/2023 12:20

|

(CATP) Trên 3 số báo của Báo Công an TPHCM phát hành cuối tháng 4-2022 có đăng loạt bài 3 kỳ "Chốn lưu đày" nở hoa, phản ánh về những thay đổi sâu sắc, toàn diện để các vùng đất kinh tế mới (KTM) "rừng thiêng nước độc" một thời, trở thành những đô thị sầm uất, những xã nông thôn mới trù phú.

Sau một năm được đăng trên báo in và báo điện tử Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM), loạt bài trên đã nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp của độc giả, cho rằng: "Việc di dân thành lập các vùng KTM, ngoài các mục tiêu như: dãn dân ở đô thị chật chội; phân bố lại lực lượng lao động; khai hoang các vùng đất mới có giá trị về an ninh, chính trị, kinh tế, quốc phòng... còn mang một ý nghĩa rất lớn, rất nhân văn theo cương lĩnh của Đảng Lao Động Việt Nam (tháng 11-1953) về ruộng đất (gọi tắt là cương lĩnh 1953)". Xin được làm rõ thêm vấn đề này...

Tháng 11-1953, Đảng ta (lúc đó mang tên là Đảng Lao Động Việt Nam đang lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược) ban hành cương lĩnh về vấn đề ruộng đất, được thực hiện trên toàn quốc. Những vùng tự do có đủ điều kiện thì thi hành trước, các vùng khác chưa đủ điều kiện thì thi hành sau...

Cương lĩnh ghi rõ: "Cần xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, thực hiện khẩu hiệu Người cày có ruộng...". Điều 14 cương lĩnh ghi rõ: "Ruộng đất, trâu bò, nông cụ... tịch thu, trưng thu và trưng mua đều chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ được chia và không phải trả tiền".

Điều 17, 18 của cương lĩnh còn quy định: địa chủ bị tịch thu, trưng mua, trưng thu ruộng đất và gia đình ngụy binh thuộc thành phần nông dân không có ruộng đất thì vẫn được chia một phần ruộng đất tương đương như nông dân. Ngụy binh cũng được chia một phần ruộng đất, nhưng khi họ chưa bỏ hàng ngũ ngụy quân trở về với Tổ quốc thì ruộng đất ấy do Ủy ban Kháng chiến hành chính hay Nông hội xã quản lý... (trích từ báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bài "Cương lĩnh của Đảng Lao Động Việt Nam về vấn đề ruộng đất", đăng ngày 04-5-2020).

Một ngôi chùa được xây dựng ở Lâm Hà, Lâm Đồng

Khi đọc những quy định này, chúng tôi thật sự xúc động bởi tính nhân văn cao cả, bởi tinh thần hòa hợp, hòa giải đại đoàn kết dân tộc; bởi tấm lòng yêu nước, thương dân của Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thời đó. Đây cũng chính là câu trả lời tại sao chính quyền non trẻ thiếu thốn mọi bề do Việt Minh lãnh đạo, có thể đánh bại lực lượng quân sự hùng mạnh top đầu thế giới của thực dân Pháp dù đã được Mỹ chi viện những vũ khí tối tân nhất. Cương lĩnh đó cũng là chính sách cốt lõi để Đảng ngày càng được toàn dân tộc ủng hộ, lực lượng tiến bộ ở hàng chục quốc gia ủng hộ, để hoàn thành những sứ mệnh lớn lao, cao cả hơn là chiến thắng tất cả các đội quân xâm lược, thống nhất đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương.

Trở lại với vấn đề di dân xây dựng các vùng KTM sau ngày 30-4-1975 ở miền Nam. Có thể nói tinh thần từ các quy định ở cương lĩnh 1953 đều được áp dụng. Đó là tịch thu, trưng thu các vùng đất rộng lớn ở cả miền núi và đồng bằng bị hoang hóa do chiến tranh hoặc bị chiếm hữu bởi những gia tộc uy quyền, những chính khách, tướng lĩnh tham lam của chế độ đã sụp đổ; những công ty tư bản nước ngoài...

Cả triệu héc-ta đất có tiềm năng nông nghiệp như thế đã được quy hoạch thành hàng ngàn vùng KTM, đón nhận gần 1 triệu hộ gia đình với hơn 4 triệu nhân khẩu đến khai hoang, lập thôn, xã, huyện mới. Trong số đó có hàng ngàn gia đình của sĩ quan, công chức chế độ cũ hoặc thân nhân của những đối tượng cầm đầu hoặc tham gia các tổ chức phản động chống phá chính quyền cách mạng. Những gia đình này cũng được hưởng hỗ trợ đi KTM như tất cả các gia đình khác, như: được cấp mỗi đầu người 2 tấm tole; 16 - 18kg mỗi tháng trong 6 tháng, dao, rựa, cuốc, xẻng... Đặc biệt mỗi gia đình đều được chia 2.000m2 đất thổ cư và được tự do khai phá thêm ruộng đất nếu có sức khỏe và điều kiện về kinh tế.

Nhà thờ Lán Tranh ở Lâm Hà, Lâm Đồng

Đối với các gia đình có cha, anh... liên quan đến chế độ cũ hoặc các tổ chức phản động đang bị tập trung cải tạo thì vẫn được hưởng các suất hỗ trợ, suất thổ cư y như những hộ nghèo không có nhà, đất ở các đô thị được đưa đi KTM. Đặc biệt nữa là các gia đình diện này đi KTM thì thân nhân của họ trong các trại cải tạo sẽ được "điểm cộng", nếu họ cải tạo tốt sẽ được giảm thời gian ở trại để sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cùng gia đình xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Nhiều cựu sĩ quan, công chức có học vấn và chuyên môn, sau khi cải tạo về còn được bố trí làm cán bộ ở các thôn, xã, hợp tác xã hoặc các đoàn thể ở địa phương. Sau này, họ được xuất cảnh định cư ở nước ngoài theo các diện H.O (Humanitarian - Operation - cựu sĩ quan học tập từ 3 năm trở lên); AC (Amerasisan immigeration Act - diện con lai) và các diện xuất cảnh định cư khác...

Nhưng cũng có nhiều người từ chối xuất cảnh và gắn bó với các vùng KTM cho đến ngày nay. Những gia đình này khi con cái học hành xong, trưởng thành vẫn đi bộ đội, trở thành đảng viên, cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước và có cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Tác giả của loạt bài này có rất nhiều bạn bè, bà con họ hàng như vậy. Đồng thời chúng tôi cũng chứng kiến nhiều cựu sĩ quan, công chức chế độ cũ xuất cảnh định cư nước ngoài, sau mấy chục năm lại quay về các vùng KTM "rừng thiêng nước độc" năm xưa, nay là những đô thị sầm uất, những xã nông thôn mới trù phú để an hưởng tuổi già.

Trường học đạt chuẩn quốc gia ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Trên mạng internet hiện có vô số các hồi ký "cải tạo", "vượt biên"... đều nhắc đến các vùng KTM ở những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) như "chốn lưu đày". Nhưng các tác giả, dù còn ấm ức với quá khứ, nhưng đều công nhận một sự thật không thể phủ nhận là lúc họ đang còn trong trại cải tạo thì gia đình họ vẫn được "chính quyền Cộng sản" chia đất, hỗ trợ dựng nhà và "bao" lương thực trong 6 tháng và sau này được cấp tem, phiếu gạo, vải, nhu yếu phẩm... bao cấp như tất cả các gia đình KTM khác, kể cả những gia đình có công cách mạng. Con cháu của họ vẫn được đi học, sinh hoạt thanh thiếu niên như con em bộ đội, công an Cộng sản. Nhưng lúc đó, đất nước bị lâm vào hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, bị bao vây, cấm vận trong giao thương quốc tế; rồi phải chịu hậu quả nặng nề, tàn khốc từ cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc 1945 - 1975 trước các lực lượng thực dân, đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới...

Lúc đó đói nghèo bủa vây từ thành thị đến nông thôn và các lực lượng chống đối hoành hành khắp nơi. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn làm rất nhiều người cảm thấy hụt hẫng, bất mãn giữa những vùng KTM chưa được đầu tư đường, điện, trường, trạm... nên gọi đó là "chốn lưu đày". Họ so sánh với cuộc sống lãnh lương cao trước 1975 do Mỹ trả rồi bức xúc mà không cảm thông với hiện tình đất nước, không nhìn thấy những chính sách nhân văn, những cố gắng lớn lao nhằm mang đến cho dân những điều tốt đẹp nhất trong vô vàn áp lực đối nội, đối ngoại của chính quyền cách mạng.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang