Những án oan được giải:

Kỳ 3: Quyết sống để kể về "cõi chết" trong phòng biệt giam

Thứ Tư, 12/04/2023 13:36

|

(CATP) "Chờ đợi cái chết đôi khi còn tồi tệ hơn cả khi không được sống", Sakae Menda - tù nhân đầu tiên của Nhật Bản bị kết án tử và được minh oan sau 34 năm đã ngậm ngùi thốt lên như vậy. Với ông, những ký ức kinh hoàng từng phải chịu đựng vẫn ám ảnh mỗi ngày đang sống để thấy rằng mình quá may mắn khi vẫn còn tồn tại trên đời.

Ký ức kinh hoàng

Vụ án mạng kinh hoàng đã gây rúng động dư luận TP. Hitoyoshi, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản vốn đang đánh vật với khó khăn suốt 3 năm khi nước Nhật bại trận sau Thế chiến thứ II. Vào buổi sáng cuối cùng của năm 1948, kẻ trộm đã đột nhập vào nhà của linh mục Kakuzo Shirafuku cai quản 1 địa hạt ở TP.Hitoyoshi; khi bị phát hiện, hắn đã sát hại vợ chồng linh mục bằng dao và rìu đồng thời làm bị thương 2 con gái họ.

Thời điểm ấy, cả nước Nhật đang nỗ lực vượt qua khó khăn, vì thế với cơ quan điều tra, vụ án mạng này cũng cần nhanh chóng kết thúc để vừa trấn an dư luận vừa có thể dốc toàn lực vực dậy nền kinh tế vốn đã kiệt quệ trong chiến tranh, và trớ trêu thay, một thanh niên nghèo ít học như Sakae Menda sống ở 1 thị trấn nhỏ cách hiện trường vụ án chưa đầy 20km, chỉ vì bị bắt quả tang trộm 1 bao gạo tại cửa hàng tạp hóa địa phương mà sau 3 ngày bị tạm giữ đã bị quy kết là hung thủ gây nên tội ác kinh hoàng trên.

Giữa không khí ngột ngạt của phòng thẩm vấn, suốt 3 ngày liền không một ngụm nước nói chi đến thức ăn, thậm chí chợp mắt cũng chẳng xong, khi bị treo ngược lên trần nhà và bị tra tấn để ép cung, dù Sakae Menda một mực kêu oan nhưng chẳng ai thèm để ý đến lời lẽ không đầu cũng chẳng cuối của chàng thanh niên 23 tuổi đang trong cơn hoảng loạn. Cuối cùng năm 1949 Sakae Menda bị kết án tử về tội giết người, đơn thân độc mã giữa tòa, không người thân, chẳng luật sư biện hộ. Cảnh sát Kumamoto nhờ đó đã tạo được "thành tích vang dội", góp phần xoa dịu dư luận.

Ông Sakae Menda, tử tù đầu tiên được trả tự do trong lịch sử nước Nhật

Những tháng ngày chờ thi hành án trong phòng biệt giam chỉ vài mét vuông dành cho tử tội, với Menda chính là chuỗi ngày kinh hoàng nhất, khi đèn luôn sáng bất kể ngày đêm, trong khi người thân chẳng đoái hoài vì không hề tin rằng con trai mình vô tội. Do quá tủi nhục vì sự khinh miệt, rẻ rúng của cộng đồng, cha mẹ Menda quyết định từ bỏ núm ruột của mình.

Nỗi ám ảnh thường trực cứ ngày đêm giày vò khiến phạm nhân trẻ Menda gần như phát điên, nhất là mỗi khi nghe tiếng bạn tù vọng lại: "Tôi đi trước nhé! Hẹn gặp lại mọi người ở chốn xa xôi ấy" lúc đội thi hành án đến gọi tên bất kỳ người nào đến lượt phải ra đi mà chỉ được thông báo trước vài phút. "Chỉ đến lúc bóng dáng họ khuất dần, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng mình còn được sống thêm ngày nữa. Cứ thế, cảm giác ấy cứ mãi ám ảnh khiến tôi la hét thường xuyên như bị tâm thần, đến mức giám thị phải còng tay lại trong phòng biệt giam suốt 2 tháng trời, ăn uống như súc vật", Menda nhớ lại.

Hơn nửa đời người sống trong địa ngục

Khi đã bình tĩnh trở lại, phạm nhân Sakae Menda tìm sự an ủi qua việc nghiên cứu Kinh Thánh và tồn tại dựa vào đức tin, trong khi kiên trì làm đơn kháng cáo.

Năm lá đơn đầu tiên lần lượt được gửi từ năm 1952 đã bị bác bỏ và chỉ đến khi lá đơn thứ 6 tiếp tục trong vô vọng thì 1 luật sư cấp quận mới được cử đến trao đổi và may mắn thay, ông có ấn tượng tốt với phạm nhân này.

Bắt tay vào điều tra, vị luật sư tìm ra chứng cứ ngoại phạm đắt giá mà Sakae Menda đưa ra đã không hề được nhắc đến trong hồ sơ, đó là vào đêm xảy ra án mạng, Sakae Menda cùng bạn bè tổ chức sinh nhật cho 1 người bạn và họ đã uống suốt đêm. Tất cả những người tham gia bữa tiệc đều còn đủ và cho biết họ sẵn sàng làm chứng trước tòa.

Cuối cùng, trước sức ép của các công tố viên và nỗ lực của Ủy ban Bảo vệ nhân quyền, ngày 27-9-1979 Tòa án cấp cao Fukuoka quyết định mở lại phiên xử đối với bị cáo Sakae Menda. Ngoài việc lực lượng tham gia điều tra năm đó thừa nhận đã che giấu bằng chứng cho thấy Menda không có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án mạng và đã ép cung bị cáo, tường trình của các nhân chứng cũng cho thấy Menda có chứng cứ ngoại phạm.

Ngày 15-7-1983, phiên tòa với sự tham dự của hàng chục thẩm phán đã tuyên bố trắng án đối với bị cáo Sakae Menda, từ một thanh niên 23 tuổi lúc bị tống giam khi ấy đã trở thành người đàn ông trung niên 54 tuổi tóc lốm đốm sợi bạc và được trả tự do ngày 29-7-1983, gần 34 năm sau khi bị bắt và kết án tử hình, chính thức trở thành tử tù đầu tiên ở Nhật Bản chịu án oan sai hơn 30 năm để rồi cuối cùng cũng đã được minh oan.

"Tôi đến gặp những cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn mình năm xưa, hỏi họ cảm thấy thế nào về những gì đã gây ra cho tôi gần 34 năm trước và nhận được câu trả lời vô cảm rằng, họ chỉ thực thi công vụ theo chức trách của mình, mà chẳng màng hậu quả suýt cướp đi mạng sống 1 người vô tội".

Với gần 100 triệu yên được Chính phủ Nhật đền bù cho những năm tháng bị giam cầm sau song sắt, ông Sakae Menda đã dành phần lớn khoản này để mở chiến dịch kêu gọi chính phủ xóa bỏ án tử hình và vận động các tổ chức quốc tế ủng hộ mình.

Kỳ 2: Được minh oan sau gần 20 năm bị... xử tử!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang