Hàng loạt cựu cán bộ Thuế, Hải quan bị truy tố liên quan vụ án Thuduc House:

Kỳ cuối: Chậm chạp và hoạ lớn

Thứ Năm, 06/04/2023 17:48

|

(CATP) Có thể thấy trong vụ án này, Trịnh Tiến Dũng (SN 1974, đang bỏ trốn) đã thành lập nhiều công ty ở nước ngoài và trong nước nhằm mua bán hàng hóa là linh kiện điện tử dỏm, hàng nhái, kém chất lượng, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới… Giúp sức cho "ông trùm" buôn lậu có vai trò không nhỏ của 25 cựu cán bộ Thuế, Hải quan.

"Căn bệnh" trầm kha

Vì nghiên cứu hồ sơ chậm chạp nên gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại vụ án lớn này. Theo đó, các hồ sơ hoàn thuế GTGT của Thuduc House đến 3 tháng sau kể từ khi có "bút phê”, văn bản mới tới nơi nhận, trong khi các phòng ban ở cùng tòa nhà, rồi "ngâm cứu" tiếp, cũng phải tốn đến 3 tháng sau sự việc mới được "phân công". Chưa hết, cán bộ thuế "nại rằng" nghiên cứu, phân tích... cho đến lý do "gần Tết". Vậy mà mãi 6 tháng trời sau vẫn chưa xong (!?).

Quá trình điều tra, hầu hết các bị can trong vụ án đều khai báo thành khẩn, thừa nhận thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và một số gia đình bị can có khắc phục hậu quả... Đặc biệt, các bị can nguyên là cán bộ Thuế, Hải quan mong được hưởng khoan hồng của luật pháp, như gia đình của Trần Văn Thành nộp 50 triệu đồng, gia đình Hoàng Trung Kiên tự nguyện nộp 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Riêng Kiên có 1 con nhỏ bị rối loạn phát triển chậm; Thành, Linh trước khi bị khởi tố có thành tích trong công tác nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Cụ thể, cáo trạng truy tố về "hành vi thiếu trách nhiệm tại Cục Thuế TPHCM", Đặng Thị Huỳnh Yến - Phó Trưởng phòng phụ trách, Võ Quang Lâm - công chức Phòng Thanh tra thuế số 3 (đều thuộc Cục Thuế TPHCM). Như phân công, Phòng Thanh tra thuế số 3 có nhiệm vụ tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thanh tra hoạt động tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Tại Tờ trình ngày 14-8-2018 của Phòng Kê khai - Kế toán thuế lập, đã đề xuất việc kiểm tra ngay sau khi hoàn thuế ký từ tháng 4 đến tháng 7-2018 do phát hiện có các dấu hiệu rủi ro bất thường. Nguyễn Thị Bích Hạnh (Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) đã có bút phê chuyển Phòng Thanh tra số 3 nghiên cứu, phân tích hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House. Ngày 23-10-2018, Đặng Thị Huỳnh Yến nhận được Tờ trình nêu trên, nhưng đến tháng 01-2019, Yến mới có văn bản phân công cho Võ Quang Lâm nghiên cứu, phân tích và đề xuất thanh tra đối với Thuduc House trong quý I/2019.

Tòa nhà Cục Thuế TPHCM

Điều đáng nói, "văn bản phân công" này khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an thu giữ đã được sửa thành tháng 12-2018. Võ Quang Lâm không triển khai thực hiện ngay mà lấy lý do gần Tết, đồng thời kết hợp với thanh tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của Thuduc House nên báo cáo với Đặng Thị Huỳnh Yến dời ngày thanh tra sang quý II/2019. Đến ngày 17-6-2019, Cục Thuế TPHCM ban hành quyết định thanh tra thuế tại Thuduc House đã phát hiện toàn bộ sai phạm về việc hoàn thuế của Thuduc House.

Hành vi của Đặng Thị Huỳnh Yến dẫn đến việc không kịp thời phát hiện sai phạm để ngăn chặn và Thuduc House tiếp tục được hoàn thuế..., gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 285 tỷ đồng. Hành vi của Võ Quang Lâm chậm triển khai kế hoạch thanh tra sau hoàn thuế, dẫn đến việc không kịp thời phát hiện sai phạm để ngăn chặn kịp thời, do đó Thuduc House tiếp tục được hoàn thuế..., gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 221,6 tỷ đồng.

Do phát hiện có dấu hiệu rủi ro bất thường tại các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Công ty nhà Thủ Đức (Thuduc House), Nguyễn Thị Bích Hạnh (Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) bút phê chuyển Phòng Thanh tra số 3 nghiên cứu, phân tích hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House. Thế nhưng sau thời gian dài các cán bộ Thuế vẫn không triển khai thực hiện, thậm chí còn sửa "lùi" thời gian văn bản.

Công chức Hải quan "thông quan" hàng lậu

Cáo trạng truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các công chức Hải quan, thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, đó là Công ty Hà Giang và Công ty Indo Vina (đều là tay chân của "ông trùm" buôn lậu Trịnh Tiến Dũng) mở hàng chục tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, khai báo các lô hàng nhập khẩu là hàng điện tử.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan phân công công chức Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu... Quá trình điều tra, Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Bùi Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng đều khai sau khi kiểm hóa, ghi nhận kết quả kiểm tra lên hệ thống để thông quan cho lô hàng, không báo cáo lại nội dung kết quả kiểm tra cho lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I và lãnh đạo Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Các bị can: Mặc Văn Nguyện, Mạc Thành Nam và Lương Văn Đức khai quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, đều chứng kiến các công chức hải quan kiểm hóa quan sát bằng mắt thường những thùng hàng ở đầu container, không bốc dỡ hàng hóa ra khỏi container và không mở thùng hàng để kiểm đếm số lượng, kiểm tra chi tiết hàng hóa thực tế bên trong. Lời khai này phù hợp với kết quả điều tra xác định toàn bộ hàng hóa thực tế khác với tên hàng khai báo và giá trị hàng hóa lớn hơn nhiều lần so với khai báo. Do đó, có đủ căn cứ xác định các công chức Hải quan là Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Bùi Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng đã không thực hiện đúng việc kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu theo quy định.

Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I

Hành vi của công chức hải quan nêu trên trực tiếp gây ra hậu quả khi toàn bộ hàng hóa nhập khẩu trái phép trị giá hơn 8,2 tỷ đồng không được phát hiện, tịch thu phát mại sung ngân sách Nhà nước. Căn cứ nhiệm vụ được phân công kiểm tra, các bị can đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước như Phạm Duy Bình gây thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng, Hoàng Trung Kiên gây thiệt hại hơn 2,4 tỷ đồng, Trần Văn Thành và Nguyễn Duy Linh gây thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng, Nguyễn Lê Hùng và Hồ Hoàng Hải gây thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng, Bùi Hữu Trên gây thiệt hại hơn 917 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Mặc Văn Nguyện, Mạc Thành Nam còn khai nhận việc chi tiền cho công chức Hải quan để được tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, tài liệu điều tra chưa có đủ căn cứ kết luận việc nhận tiền của công chức hải quan trong quá trình thông quan 39 lô hàng nhập khẩu đứng tên Công ty Hà Giang, Công ty Indo Vina. Đối với 2 bà N.T.T.T, C.T.T.H và ông N.Đ.S (là những công chức Hải quan) được phân công kiểm tra hồ sơ nhập khẩu hàng chục lô hàng buôn lậu của Công ty Hà Giang và Indo Vina, nhưng tài liệu điều tra chưa có căn cứ xác định những người này có sai phạm nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cáo trạng truy tố vụ án này cũng nêu, đối với công chức là lãnh đạo Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I và lãnh đạo Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu (gồm: L.N.L, P.T.L - nguyên Phó Chi cục trưởng; V.T.H - nguyên Đội trưởng Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu) phụ trách việc thông quan 39 lô hàng, do chỉ phân công công chức kiểm tra hàng hóa và duyệt thông quan dựa trên ý kiến của công chức thực hiện trên hệ thống khai báo hải quan điện tử, nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Về vật chứng của vụ án và tài sản đã được tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tạm dừng giao dịch, gồm số tiền hơn 370 tỷ đồng, 66.278USD (khi cơ quan điều tra khám xét khẩn cấp và do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp để khắc phục hậu quả). Đồng thời, cơ quan điều tra kê biên, tạm dừng giao dịch tài sản đối với 33 bất động sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cùng 1 ôtô Mercedes. Bên cạnh đó cũng phong tỏa tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng trong 9 tài khoản ngân hàng; tạm giữ 42 đồ vật kim loại với thành phần kim loại chủ yếu là vàng, trong đó có 2 đồ vật có gắn đá quý và các đồ vật, tài liệu liên quan.

Kỳ 3: giả mạo, khai man
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang