Hàng loạt cựu cán bộ Thuế, Hải quan bị truy tố trong vụ án Thuduc House:

Kỳ 2: Phó cục trưởng biết rủi ro nhưng... vẫn ký

Thứ Ba, 04/04/2023 15:06

|

(CATP) Trong số 67 bị can bị truy tố trong vụ án, Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) có trách nhiệm giải quyết hoàn thuế đối với Công ty nhà Thủ Đức (Thuduc House). Mặc dù được báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế, nhưng bị can Hạnh không chỉ đạo các bộ phận tiến hành xác minh, trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi có ý kiến chưa thống nhất, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro… gây thất thoát hơn 331 tỉ đồng.

Dấu hiệu bất thường

Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn, thời điểm giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của Thuduc House, phân công các Phó Cục trưởng giải quyết hoàn thuế đối với người nộp thuế thuộc các đơn vị được giao phụ trách, Nguyễn Thị Bích Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM được giao phụ trách Phòng Kiểm tra thuế số 4 từ ngày 26-4-2018 và có nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của Thuduc House là doanh nghiệp nộp thuế do Phòng Kiểm tra thuế số 4 phụ trách.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, Văn bản hợp nhất Luật Quản lý thuế, Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)…, Cục Thuế quản lý, sử dụng kinh phí hoàn thuế GTGT để chi hoàn cho người nộp thuế theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Theo các quyết định, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Phòng thuộc Cục Thuế, các Phòng nghiệp vụ liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House, gồm Phòng Kê khai - Kế toán thuế có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, phân loại và xử lý hồ sơ hoàn thuế, chuyển hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau cho Phòng Kiểm tra thuế. Phòng Kiểm tra thuế số 4 có nhiệm vụ phát hiện nghi vấn bất thường trong kê khai thuế, tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, kiểm tra hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước của người nộp thuế.

Phòng Pháp chế (sau đổi tên là Phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế) có nhiệm vụ thẩm định dự thảo văn bản xử lý về thuế trình cấp có thẩm quyền ban hành, nội dung thẩm định bao gồm: thủ tục, hồ sơ đề nghị hoàn thuế, căn cứ pháp lý xác định đối tượng và trường hợp hoàn thuế, thẩm quyền và trình tự ban hành quyết định hoàn thuế. Chưa hết, Phòng Thanh tra thuế số 3 có nhiệm vụ tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thanh tra hoạt động, phát hành và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Nguyễn Thị Bích Hạnh - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM

Từ tháng 02-2018 đến tháng 8-2019, Thuduc House nộp 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế với tổng số tiền hơn 430 tỉ đồng. Cục Thuế TPHCM đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế GTGT cho Thuduc House các kỳ hoàn từ tháng 02-2018 đến tháng 06-2019, tổng số tiền hoàn là hơn 365 tỉ đồng. Trong 17 kỳ hoàn thuế, có 2 kỳ hoàn thuế tháng 02-2018 và tháng 3-2018 được phân loại thuộc diện "kiểm tra trước, hoàn thuế sau". 15 kỳ hoàn thuế từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019 được phân loại thuộc diện "hoàn thuế trước, kiểm tra sau". Tuy nhiên, các bị can là cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House đã vi phạm các quy định về quản lý thuế, quy trình, quy định trong việc xét duyệt, thẩm định và quyết định việc hoàn thuế, dẫn đến thất thoát số tiền hơn 331 tỉ đồng của Nhà nước.

Thuduc House là cơ sở kinh doanh thương mại có hoạt động xuất khẩu và có sự thay đổi bất thường về doanh thu tính thuế, có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước); doanh nghiệp có cùng mức thuế suất thuế GTGT đầu vào và đầu ra đề nghị hoàn; doanh nghiệp bên mua và doanh nghiệp bên bán có cùng chủ sở hữu, quan hệ liên kết. Đây là các dấu hiệu rủ ro cao phải thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế theo quy định.

Các dấu hiệu rủi ro cao về thuế đều được cán bộ, lãnh đạo Phòng Kê khai - Kế toán thuế và Phòng Pháp chế phân công giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House đã phát hiện, nhận định, kiến nghị thực hiện xác minh hóa đơn, có kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế nhưng Nguyễn Thị Bích Hạnh đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật... nhằm kịp thời phát hiện sai phạm, mà vẫn tiếp tục ký đề xuất, ký duyệt, ký trình và ký quyết định hoàn thuế cho Thuduc House tổng số tiền hơn 331 tỉ đồng.

Thừa nhận thiếu sót

Cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM - Nguyễn Thị Bích Hạnh bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự (có khung hình phạt tù từ 10 đến 20 năm). Quá trình điều tra, bà Hạnh khai đã ký duyệt các phiếu đề xuất, phiếu thẩm định và ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House, thừa nhận đã thiếu sót không thực hiện đúng các quy định, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Bà Hạnh cũng đã thành khẩn khai báo, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Nguyễn Vũ Bảo Hoàng - cựu TGĐ Thuduc House

Cùng bị truy tố là bị can Nguyễn Hòa Bình, cựu công chức Phòng Kê khai - Kế toán thuế. Bình được phân công trực tiếp nghiên cứu, đề xuất giải quyết 15 kỳ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau của Thuduc House. Mặc dù Bình có lập tờ trình lãnh đạo Cục Thuế TPHCM về dấu hiệu rủ ro trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House, nhưng sau đó vẫn tiếp tục đề xuất cho Thuduc House được hoàn thuế. Hành vi của Bình đã bỏ qua các dấu hiệu rủi ro, không áp dụng các quy định pháp luật trong việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết hồ sơ hoàn thuế, gây thất thoát hơn 331 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT.

Quá trình điều tra, Nguyễn Hòa Bình thừa nhận trách nhiệm trong việc vi phạm các quy định của pháp luật để giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House. Lê Hữu Thanh, cựu Phó Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế cũng đã duyệt, ký 8 phiếu đề xuất hoàn thuế; duyệt, ký 1 phiếu đề xuất bổ sung, lập và ký 7 lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách Nhà nước trình lãnh đạo Cục là Nguyễn Thị Bích Hạnh duyệt và ra quyết định hoàn thuế cho Thuduc House, tổng số tiền hơn 118,8 tỉ đồng. Tại cơ quan điều tra, Lê Hữu Thanh thừa nhận đã ký duyệt các văn bản, có nhận định rủi ro về hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House.

Theo cáo trạng, đối với các cá nhân thuộc Cục Thuế các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai trong việc quyết định hoàn hơn 153,2 tỉ đồng tiền thuế GTGT cho Công ty Sài Gòn Tây Nam; hơn 19,3 tỉ đồng cho Công ty Hoàng Nam Anh, do không đủ thời gian để điều tra nên việc tách hồ sơ vụ việc liên quan đến các sai phạm sẽ chuyển đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai.

Phạm Minh Tuấn, cựu Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế ký duyệt 14 phiếu đề xuất hoàn thuế và ký lệnh hoàn trả ngân sách Nhà nước trình lãnh đạo Cục là Nguyễn Thị Bích Hạnh ký duyệt và ra quyết định hoàn thuế cho Thuduc House tổng số tiền gần 322 tỉ đồng. Quá trình duyệt đề xuất hoàn thuế cho Thuduc House, Tuấn đều nắm được các dấu hiệu rủi ro, số tiền hoàn thuế rất lớn và ngày càng tăng, nhưng đã bỏ qua các dấu hiệu rủ ro, không có ý kiến, không áp dụng các quy định trong quá trình giải quyết.

Bị can Trần Thị Túy Nga là cán bộ Phòng Pháp chế, được phân công trực tiếp thẩm định 12 phiếu đề xuất hoàn thuế cho Thuduc House, ký 12 phiếu thẩm định hồ sơ hoàn thuế GTGT đồng ý đề xuất hoàn thuế cho Thuduc House tổng số tiền hơn 169 tỉ đồng. Liên quan đến vụ án, bị truy tố có bị can Lê Thúy Hằng (nguyên công chức Phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế) lập và ký 3 phiếu thẩm định hồ sơ hoàn thuế GTGT đồng ý đề xuất hoàn thuế cho Thuduc House tổng số tiền hơn 162 tỉ đồng.

Nguyễn Hữu Thành (cựu Phó trưởng Phòng Pháp chế) ký duyệt, thống nhất với đề xuất hoàn thuế, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 238 tỉ đồng. Nguyễn Hữu Đức (cựu Phó trưởng Phòng Pháp chế) cũng bỏ qua các dấu hiệu rủi ro, gây thất thoát hơn 22 tỉ đồng. Quá trình điều tra, Đức nhận thức được trách nhiệm, sai phạm trong việc giải quyết hoàn thuế cho Thuduc House, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cũng nhận thức được trách nhiệm, sai phạm và mong hưởng khoan hồng, Hứa Quang Sơn (nguyên Phó trưởng Phòng Pháp chế) gây thất thoát hơn 16 tỉ đồng.

Đối với Cao Văn Tỵ (cựu Trưởng phòng Pháp chế) duyệt, ký trình thống nhất với đề xuất 11 kỳ hoàn thuế, gây thất thoát hơn 159,5 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bị can Tỵ thừa nhận với vai trò là Trưởng phòng đã có thiếu sót trong quá trình thẩm định hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House, dẫn đến việc công ty này chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Hay cựu Trưởng phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế - Nguyễn Xuân Thắng cũng đã vi phạm các quy định về quản lý thuế, gây thất thoát của Nhà nước hơn 142 tỉ đồng.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang