(CATP) Cáo trạng của VKSND tối cao vừa truy tố 67 bị can (Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin) với các hành vi phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, nhận hối lộ, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, sản xuất, buôn bán hàng giả, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án liên quan đến nhiều doanh nghiệp, công ty, tổ chức… như Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế, Hải quan.
Thủ đoạn xuất khẩu hàng dỏm
Theo cáo trạng truy tố, Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm sử dụng Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh mua linh kiện điện tử dỏm để xuất khẩu, sau đó đề nghị và được hoàn thuế hơn 538 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) để chiếm đoạt. Đây là hành vi phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Không những vậy, "ông trùm" này còn sử dụng pháp nhân Công ty Vina, Công ty Hà Giang dùng thủ đoạn khai báo gian dối nhập khẩu trái phép 39 lô hàng trị giá hơn 72,5 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,2 tỉ đồng, phạm vào tội "buôn lậu".
"Ông trùm" Trịnh Tiến Dũng (hiện bỏ trốn, sau này bắt được sẽ xử lý sau), giữ vai trò chính, chủ mưu chỉ đạo các đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối thông qua việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng; đồng thời mua bán lòng vòng, nâng giá nhiều lần, làm, sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ không hợp pháp của cơ quan Nhà nước vào việc thành lập, sử dụng các công ty "ma" thực hiện các thủ tục mua bán, xuất khẩu hàng hóa, lập hồ sơ để nhiều công ty mua linh kiện điện tử xuất khẩu.
Chưa hết, Trịnh Tiến Dũng còn sử dụng hàng loạt công ty do mình thành lập, chỉ đạo ở Việt Nam và nước ngoài làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là hàng giả, hàng nhái, tạo dòng tiền, vận chuyển hơn 1.760 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, thu lợi bất hợp pháp hơn 5,3 tỉ đồng phí dịch vụ, phạm vào tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Ngoài ra, Dũng còn chỉ đạo Trần Nhất Thanh, Nguyễn Hoàng Lâm, Nguyễn Thiên Phú, Đinh Công Thành là giả 6 CMND, sử dụng 5 CMND thành lập 5 công ty "ma" để phục vụ việc vận chuyển trái phép tiền qua biên giới, mua và xuất hóa đơn GTGT "khống", phục vụ việc lừa đảo, hoàn thuế GTGT, phạm vào tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Việc Trịnh Tiến Dũng bỏ trốn đã gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã và Thông báo truy nã quốc tế của Interpol. Hiện Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tách vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, buôn lậu, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và một số sai phạm khác liên quan đến Dũng, ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được đối tượng sẽ phục hồi điều tra và xử lý.
Một số bị can trong vụ án
Gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
Với bản cáo trạng dài hơn 160 trang, truy tố 67 bị can trong vụ án đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, trong đó dư luận quan tâm đến hàng loạt cựu cán bộ, công chức Cục thuế và Hải quan "nhúng chàm". Cụ thể, 42 bị cáo bị truy tố là đồng phạm, tay chân của "ông trùm" Trịnh Tiến Dũng, còn lại 25 cựu cán bộ, công chức Thuế và Hải quan bị truy tố trong vụ án rất lớn này; như hành vi phạm tội "nhận hối lộ" của công chức thuộc các Chi cục Thuế Q1, Q3, Q5, thuộc Cục Thuế TPHCM.
Theo cáo trạng, để duy trì hoạt động của các công ty "ma" phục vụ việc xuất hóa đơn GTGT khống cho các công ty trung gian, làm cơ sở để các công ty này xuất hóa đơn GTGT đầu vào cho Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh thực hiện việc kê khai và hoàn thuế GTGT, Lưu Thị Ngát (bị can giúp sức cho Trịnh Tiến Dũng) trực tiếp hoặc nhờ trung gian là Đ.N.P (xuất cảnh ra nước ngoài) trao đổi, thống nhất với các cán bộ thuế phụ trách địa bàn là Đào Thị Nga (Chi cục Thuế Q1), Nguyễn Phương Nam (Chi cục Thuế Q3) và Ngô Huỳnh Lũy (Chi cục Thuế Q5, thuộc Cục Thuế TPHCM).
Việc Ngát chi tiền cho các cán bộ này với số tiền tương đương tỉ lệ 0,2% đến 0,3% trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty để thực hiện yêu cầu của Ngát: "Không đề xuất cấp trên kiểm tra hoạt động kinh doanh, báo trước việc kiểm tra, thanh tra thế để Ngát làm thủ tục chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh đi nơi khác, báo trước cho Ngát những công ty có thể bị cưỡng chế thu thuế để Ngát nộp thuế ngay, tránh bị cưỡng chế".
Trong thời gian được giao quản lý địa bàn có các công ty do Ngát thành lập, sử dụng, Đào Thị Nga, Nguyễn Phương Nam và Ngô Huỳnh Lũy nhiều lần trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận tiền để thực hiện các yêu cầu của Lưu Thị Ngát. Nguyễn Phương Nam là công chức Chi cục Thuế Q3, quá trình quản lý 6 công ty của Ngát, mặc dù biết cả 6 công ty này không hoạt động kinh doanh gì, trong khi doanh số xuất hóa đơn GTGT cao bất thường, có dấu hiệu rủ ro, có thể sắp bị kiểm tra nhưng do có thỏa thuận về việc Ngát sẽ chi tiền cho Nam tương ứng 0,3% trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty "ma", nên Nam thông báo cho Ngát để Ngát làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của 6 công ty sang địa bàn khác. Qua đó, Nam đã nhận của Ngát hơn 6,1 tỉ đồng.
Đối với cáo trạng truy tố Đào Thị Nga, là công chức quản lý thế thuộc Đội Kiểm tra thuế số 6, Chi cục Thuế Q1, từ tháng 01-2016 đến tháng 3-2021, mặc dù biết doanh số 2 công ty "ma" của Ngát cao bất thường, có dấu hiệu gian lận thuế và có nguy cơ bị đưa vào diện thanh tra, kiểm tra khi các số liệu quyết toán thuế được cập nhật vào hệ thống cảnh báo rủi ro tự động (TMS), nhưng do thỏa thuận về việc Ngát sẽ chi tiền cho Nga tương ứng 0,1% trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty, Nga đã thông báo để Ngát làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh để tránh việc kiểm tra; đồng thời cũng tránh phiền phức khi các công ty do Nga quản lý bị kiểm tra. Nga đã nhận từ Ngát tổng số tiền là 776 triệu đồng.
Cũng về hành vi "nhận hối lộ", công chức Ngô Huỳnh Lũy thuộc Chi cục Thuế Q5 mặc dù biết các công ty "ma" của Ngát không hoạt động kinh doanh nhưng Ngát sẽ chi tiền cho Lũy tương ứng 0,2% trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT... nên Lũy đã nhận của Ngát 497 triệu đồng.
(Còn tiếp...)
Về các cá nhân liên quan, Lưu Thị Ngát đã chủ động khai báo hành vi đưa tiền trước khi bị phát giác, giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ của Đào Thị Nga, Nguyễn Phương Nam và Ngô Huỳnh Lũy. Đối với V.T.T.T và N.T.N.H đều là nhân viên làm thuê cho Lưu Thị Ngát, theo chỉ đạo của Ngát, cả hai thực hiện việc đưa tiền cho Ngô Huỳnh Lũy, Nguyễn Phương Nam nhưng không biết mục đích của việc đưa tiền nên không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Còn một số cá nhân sử dụng tài khoản cá nhân nhận tiền giúp các bị can, đều không biết nguồn gốc, mục đích của việc nhận tiền nên không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Đới với cán bộ lãnh đạo, cán bộ được giao quản lý địa bàn thay Nguyễn Phương Nam, Đào Thị Nga, Ngô Huỳnh Lũy không biết việc trao đổi, thỏa thuận về việc nhận tiền của các bị can nên không đề cập xử lý là phù hợp.