(CATP) Theo nguồn tin của Chuyên đề Công an TP.Hồ Chí Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố Phạm Cao Hồng Lễ (SN 1985) và Thái Thị Mỷ Phương (SN 1989) về tội "buôn lậu" quy định tại khoản 3, Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, vào 17 giờ ngày 20-4-2019, qua giám sát hành khách nhập cảnh, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan phát hiện Phạm Cao Hồng Lễ (hộ chiếu số C34689973) và Thái Thị Mỷ Phương (hộ chiếu số C3463217) nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN630 từ Jakata - Indonesia về TP. Hồ Chí Minh qua sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, mang theo 7 kiện hành lý đi qua cửa xanh, không khai báo hải quan.
Ngay sau đó, tại khu vực hành lang đi ra ngoài (khu vực đã hoàn thành thủ tục hải quan), Cục điều tra chống buôn lậu đã kiểm tra 7 kiện hành lý của 2 hành khách này, phát hiện Lễ có 1 kiện hành lý xách tay cùng 2 kiện hành lý ký gửi, số Tag VN359018 và VN 359037, xác định là yến vụn, trọng lượng 75,32kg; còn Phương có 3 kiện hành lý xách tay và 1 kiện hành lý gửi, số Tag VN359019, xác định là yến vụn, trọng lượng 44,46kg.
Ngày 17-5-2019, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật có văn bản số 425 kết luận 4 mẫu hàng hóa được lấy từ các kiện hành lý nêu trên của Phạm Cao Hồng Lễ và Thái Thị Mỷ Phương được giám định đều là "các miếng và mảnh vụn có nguồn gốc từ chất liệu tổ của một phần loài yến, được gọi là yến nhà (nuôi trong nhà). Các mẫu yến trên không có dấu hiệu hư hỏng, nhưng chỉ là các miếng và mảnh vụn của chất liệu tổ chim yến".
Yến là mặt hàng giá trị cao nên các đối tượng buôn lậu nhắm vào để thu lợi bất chính
Căn cứ Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 21-01-2015 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người nhập cảnh có hàng hóa trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên phải khai báo hải quan và chịu tiền thuế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25-7-2005 quy định mặt hàng Yến nhập khẩu phải có kiểm dịch, ngày 23-02-2023, Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố có Kết luận số 867/KL-HĐĐGTS: 57kg yến vụn có Tag hành lý số VN359018, số VN 359037 và yến vụn trong các kiện hành lý xách tay của Lễ trị giá 729.357.750 đồng; 30kg yến vụn có Tag hành lý số VN359019 và yến vụn trong các kiện hành lý xách tay của Phương trị giá 383.872.500 đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, cơ quan điều tra nhận định, Thái Thị Mỷ Phương và Phạm Cao Hồng Lễ đã tìm hiểu về việc mua, vận chuyển yến từ nước ngoài về Việt Nam, có ý thức chuẩn bị tiền (VNĐ), sau đó đổi sang ngoại tệ (USD) mang sang Indonesia trực tiếp đi mua yến vụn, phân chia các kiện hành lý cho mỗi người để bảo đảm tiêu chuẩn về hành lý xách tay, hành lý ký gửi, giảm một phần cước phí vận chuyển hàng hóa từ Indonesia về Việt Nam. Việc vợ chồng Lễ - Phương mua yến vụn từ Indonesia đưa về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, không khai báo Hải quan là vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi của cả hai phạm vào tội "buôn lậu" quy định tại khoản 3, Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.