TPHCM: Đánh thức tiềm năng giao thông đường thủy

Chủ Nhật, 26/03/2023 17:42

|

(CATP) Sở hữu gần 1.000km đường sông, hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng nhiều hoạt động kinh tế địa phương, thế nhưng TPHCM vẫn chưa thể phát triển được hệ thống giao thông, du lịch đường thủy hấp dẫn. Theo nhiều chuyên gia, nếu tiềm năng giao thông thủy nội địa được phát huy và khai thác tốt, không chỉ có cơ hội gia tăng nguồn lực kinh tế, mà còn giảm áp lực vận tải cho giao thông đường bộ.

Kỳ vọng phát triển

Sau khi khai trương tuyến xe buýt đường sông đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh (ngày 25-11-2017), hàng loạt tuyến giao thông đường thủy khác đã được lên kế hoạch, chuẩn bị, nhưng tới nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Theo đó, TPHCM dự kiến triển khai gần 10 dự án giao thông đường thủy với mục tiêu kết nối hạ tầng, thay thế một phần giao thông đường bộ quá tải và kích thích du lịch. Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào những dự án này và người dân vẫn mòn mỏi ngóng chờ. Trong khi hiện tại, chỉ có tuyến phà biển Cần Giờ đi TP.Vũng Tàu và tàu cao tốc đi huyện Củ Chi là hoạt động được, còn lại hầu hết gặp khó vì nguồn vốn và thủ tục.

Cụ thể, ngoài tuyến buýt số 1, TPHCM dự kiến mở tuyến buýt số 2 từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm (quận 8), buýt số 3 từ bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ (quận 7) và buýt số 4 từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng (quận 7). Ngoài ra, ngành giao thông thành phố cũng có kế hoạch mở 3 tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đi Bến Tre và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hay phà biển từ trung tâm TPHCM đi Vũng Tàu, Cần Giờ...

Tour ngắm cảnh trên sông

Điểm chung của các dự án giao thông này là đều quan trọng, có nhiều tiềm năng để phát triển do không tốn chi phí xây dựng đường sá như đường bộ. Trong khi đó, chi phí xây dựng cầu cảng ít hơn rất nhiều, thậm chí nhiều tuyến đã có sẵn cầu cảng có thể khai thác ngay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dù nhận được nhiều ưu đãi từ các chính sách, nhưng những doanh nghiệp nhận triển khai các dự án này vẫn chưa thể thực hiện.

Có thể dễ dàng nhận ra hầu hết các tuyến vận tải đường thủy ở TPHCM, dù tàu cao tốc, phà hay buýt đường sông đều tập trung vào khai thác nhóm đối tượng là khách du lịch. Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của các dự án này nếu có thể đi vào hoạt động. Trong đó, ưu điểm là địa bàn TPHCM có số lượng dân đông, khách du lịch qua địa bàn, chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất. Đưa những hành khách này đi tới các địa điểm du lịch lân cận bằng đường thủy là mục tiêu khả dĩ, có thể dễ dàng khai thác bởi lợi thế cảnh quan sông nước trên lộ trình khai thác. Tuy nhiên, nhược điểm của các tuyến giao thông này là đều tập trung vào khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) với áp lực giao thông đường bộ thường xuyên ùn tắc, kẹt xe. Để đón một lượng lớn hành khách sử dụng đường thủy, khu vực bến Bạch Đằng sẽ cần thêm nhiều bến bãi đậu xe, phương tiện giao thông kết nối. Hiện nay, những điều kiện phụ trợ này vẫn chưa đáp ứng đủ.

Trên thực tế, giao thông đường thủy ở TPHCM vẫn khá đơn điệu, dù có phà, buýt và cả tàu cao tốc. Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM nhận định, vận tải đường thủy ở TPHCM có nhiều ưu thế, nhưng chưa được khai thác xứng tầm, nhất là mảng vận tải hành khách. TPHCM hiện có gần 90 tuyến đường thủy nội địa và liên vùng, có tổng chiều dài 500km nhưng chưa khai thác được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó chủ yếu là thói quen của người dân, kết nối đường bộ - đường thủy chưa nhiều, hệ thống cầu cảng, bến bãi chưa đủ.

Hành khách hào hứng khi đi buýt đường sông tại TPHCM. Ảnh: Q.ĐỊNH
Hệ thống đường thủy nội địa có vai trò quan trọng trong việc giao thương vận tải và kinh tế quốc tế

Cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn

Theo Sở GTVT TPHCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn thành phố có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân. Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với ĐBSCL. Toàn thành phố hiện có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 100km. Tuy nhiên, chỉ có 8 tuyến đạt cấp quy hoạch như tuyến kênh Thanh Đa, Rạch Tôm, Rạch Giồng...

Ngoài ra, các tuyến đường thủy còn lại không đạt cấp quy hoạch vì luồng tuyến bị bồi lắng chưa được nạo vét, độ tĩnh không, khẩu độ thông thuyền của một số cầu chưa đạt cấp kỹ thuật do chưa được cải tạo, xây mới. Thực trạng này khiến cho việc kết nối các tuyến giao thông thủy liên tỉnh của TPHCM gặp khó, cản trở sự phát triển và hiệu quả khai thác. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để sạch hóa và nạo vét kênh mương, kè bờ kênh, thông luồng tuyến trên sông Sài Gòn. Dù chi ngàn tỷ, nhưng việc "tắc" luồng vận chuyển hàng hóa thông tuyến liên tỉnh giữa TPHCM với các tỉnh lân cận vẫn chưa được xử lý hiệu quả.

Hiện nay, điểm "tắc" đầu tiên tuyến giao thông thủy liên tỉnh của TPHCM có thể kể đến là cầu Bình Phước 1 bắc qua sông Sài Gòn, nối TP.Thủ Đức với quận 12. Đây là tuyến đường thủy huyết mạch để tàu hàng từ Bình Dương, Tây Ninh di chuyển đến các cảng ở TPHCM. Độ tĩnh không của cầu hiện nay khi thủy triều lớn chỉ khoảng 5 - 6m khiến việc di chuyển tàu hàng khó khăn. Điểm "tắc" thứ hai là cầu Bình Triệu 1, nối Thủ Đức với quận Bình Thạnh. Điểm "tắc" này gây khó khăn lớn với tàu thuyền trên sông Sài Gòn khi mực nước lên cao, nguyên nhân do độ tĩnh không cũng chỉ tương đương cầu Bình Phước.

TPHCM có rất nhiều tuyến sông rạch

Cầu Kinh nối Bình Thạnh qua bán đảo Thanh Đa, thuộc nhánh của sông Sài Gòn, dù xây mới nhưng độ tĩnh không khi có thủy triều lên cũng chỉ đạt 4 - 5m, khiến việc lưu thông tàu hàng gần như không thể. Ngoài sông Sài Gòn, hàng loạt cầu bắc qua các kênh rạch trong lõi nội đô như các cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm qua địa phận 7 quận cũng đang có độ tĩnh không rất thấp (khoảng 2 - 3m), khiến cho hoạt động khai thác du lịch gặp khó.

Dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để nạo vét kênh mương, thông tuyến nhưng rõ ràng tầm nhìn phát triển giao thông thủy nội địa tại TPHCM vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của kênh rạch mà thành phố đang sở hữu. Một trong những khó khăn tiêu biểu là tình trạng vướng các công trình vượt sông, mà hầu hết các công trình này đều được xây dựng từ lâu. Cầu thấp và không đảm bảo độ tĩnh không để các tàu thuyền lớn lưu thông do phần lớn các cây cầu bắc qua sông Sài Gòn hay nhánh của sông này vào các tuyến kênh rạch được xây từ hàng chục năm trước.

Cần tư để phát triển xứng tầm

Chi phí đầu tư cho giao thông thủy nội địa của TPHCM vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của loại hình vận tải này. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiềm năng của sông Sài Gòn chưa được đánh thức. Thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy, trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ lớn hơn nhiều, là 27.272 tỷ đồng.

Theo báo cáo về quy hoạch mạng lưới đường thủy TPHCM đến năm 2030, với 92 tuyến đường thủy nội địa ở thành phố có tổng chiều dài 574km nhưng chỉ có 8 tuyến đạt cấp quy hoạch như tuyến kênh Thanh Đa, Rạch Tôm, Rạch Giồng... Các tuyến đường thủy còn lại không đạt cấp quy hoạch vì luồng tuyến bị bồi lắng chưa được nạo vét, độ tĩnh không, khẩu độ thông thuyền của một số cầu chưa đạt cấp kỹ thuật.

Theo tính toán của Sở này, từ nay đến năm 2050, TPHCM cần hơn 21.000 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý đường thủy, Sở GTVT TPHCM cho biết: Toàn thành phố hiện nay có 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó có 151 cảng, bến vận tải hàng hóa, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 27 bến khách ngang sông.

Giai đoạn 2022 - 2023, UBND TPHCM tập trung kêu gọi đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ TPHCM đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, đưa vào khai thác tuyến khi cầu bến phía huyện Côn Đảo hoàn thành việc đầu tư xây dựng; phát triển tuyến phà biển Cần Giờ, TPHCM - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Giai đoạn 2022 - 2025 và 2022 - 2030, thành phố tiếp tục tập trung phát triển các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy gồm 4 nhóm chính: Tuyến đường thủy tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và phát triển các tuyến vận tải hành khách và du lịch đường biển. Trong đó có các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch từ Sài Gòn đi quận 7 - Nhà Bè, Bình Lợi - quận Bình Thạnh, Chợ Đệm - Bến Lức, Hiệp Phước - Nhà Bè, Vàm Thuật - rạch Bến Cát...

Để tháo gỡ các điểm "nghẽn" trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở GTVT và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu nghiên cứu nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (xây dựng năm 1975) theo đề nghị của Bộ GTVT để sớm có kế hoạch nâng độ tĩnh không cầu lên 7 - 9,5m theo quy định. Mới đây, UBND TPHCM cùng Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cũng đã khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên qua địa bàn 7 quận với mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Tóm lại, để vận tải hành khách đường thủy ở TPHCM phát triển xứng tầm là bài toán nan giải, cần nhiều thời gian và sự đồng thuận, chung tay của các cơ quan, ban, ngành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang