TP.Hồ Chí Minh: Cần đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy

Thứ Ba, 25/10/2022 11:05

|

(CATP) Theo đánh giá mới nhất, giao thông đường bộ tại TPHCM đã rơi vào tình trạng quá tải. Chính vì thế, cần đẩy mạnh giao thông đường thủy với kỳ vọng giúp giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc trong nội thành. Trong đó, tuyến buýt sông, phà biển được khai thác thời gian qua giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại, từ đó góp phần phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân.

Lại "nóng" về… ùn tắc

Hiện nay, lưu lượng giao thương giữa TPHCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ rất lớn. Thế nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn trên QL1A, QL13, đường Mai Chí Thọ, QL50, Xa lộ Hà Nội... Trên những tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn ứ, khi có tai nạn xảy ra thì giao thông lập tức rối loạn.

Tại khu vực đầu đường Mai Chí Thọ giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng như suốt tuyến đường đến hầm Thủ Thiêm, xe cộ luôn đông nghẹt. Mặc dù Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã cho mở rộng đường nhánh rộng 3,5m nối từ đường Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc, đồng thời mở 2 làn đường cho phép xe lưu thông 2 chiều từ đường Nguyễn Thị Định bọc theo công viên ngã ba An Phú rẽ vào đường Mai Chí Thọ nhưng tình hình không được cải thiện. Cách đó không xa, đoạn Xa lộ Hà Nội (khu tưởng niệm Vua Hùng, TP.Thủ Đức giáp ranh với Bình Dương) cũng thường xuyên ùn tắc do tuyến đường ở đây bị thu hẹp.

Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) tại TPHCM

Một điểm "nóng" cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc khác là QL13, kéo dài từ tỉnh Bình Dương đến cầu vượt Bình Triệu, thường xảy ra vào các giờ cao điểm sáng và chiều. QL13 có 2 làn ô tô, 1 làn xe máy nhưng do xe quá đông, nhiều tài xế ô tô thiếu ý thức thường xuyên cho xe đi vào làn xe 2 bánh. Còn xe máy không có đường đi nên chạy lên vỉa hè. Giao thông vì thế luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ và tai nạn. Tương tự, nhiều tuyến đường gần sân bay Tân Sơn Nhất như Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Nguyễn Thái Sơn, Lăng Cha Cả... vào giờ cao điểm luôn đông nghẹt người, xe cộ phải nhích từng chút một.

Ở cửa ngõ phía Tây, tuyến đường đến cao tốc TPHCM - Trung Lương có 2 đường dẫn nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Đoạn từ nút giao QL1A - Võ Văn Kiệt kéo dài đến nút giao Nguyễn Văn Linh - tuyến đường huyết mạch để các phương tiện lưu thông từ Long An vào trung tâm TPHCM, cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ do chiều rộng đường quá hẹp. Hay như QL50 nối từ TPHCM đi Long An cũng thường xuyên quá tải ở làn ô tô, xe máy phải đi lên vỉa hè. Những ngày cuối tuần, lễ tết càng xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.

Trong nội thành, khu vực trung tâm TPHCM với quy hoạch đô thị theo dạng "bàn cờ" cũng đã trở nên lạc hậu với số lượng ô tô quá nhiều, kéo dài qua nhiều giao lộ làm cho hướng đi ngang không còn đường để qua. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở các nút giao Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn, Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, cầu Kênh Tẻ (từ Q7 sang Q4) và giờ cao điểm cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Tuyến buýt đường sông ở TPHCM

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM) cho biết, thời gian qua, tình hình giao thông trên nhiều tuyến đường tại TPHCM trở nên quá tải ở mức 5 hoặc 6, tức mức cảnh báo cao (thang đánh giá có 6 mức). Với mức độ này, chỉ cần xảy ra sự cố như xe chết máy hay trời mưa cũng khiến dòng xe trở nên rối loạn, di chuyển khó khăn.

Thống kê đến hết tháng 9-2022, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM chỉ hơn 13,3%, thiếu khoảng 10% so với quy chuẩn. Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.500km, mật độ 2,32km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Trong khi đó, đến thời điểm này, TPHCM đang quản lý hơn 8,7 triệu phương tiện trong đó có hơn 865.000 ôtô và hơn 7,8 triệu xe hai bánh (mỗi ngày có khoảng 221 ô tô và 804 xe máy đăng ký mới). So với cùng kỳ năm 2021, tổng số xe tăng 3,1% (ô tô tăng 7,2% và xe 2 bánh tăng 2,7%).

Cần đầu tư mạnh cho giao thông thủy

Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh rạch của TPHCM rất lớn. Nếu được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa. Theo tính toán, từ nay đến năm 2050, TPHCM cần hơn 21.000 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa.

Phát huy thế mạnh đặc thù sông nước

Hiện TPHCM có 110 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000km, cùng với hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa rải đều, được xem là lợi thế phát triển giao thông thủy để giảm tải cho đường bộ. Theo Sở GTVT TPHCM, 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa bằng đường thủy tại TP đạt hơn 52,2 triệu tấn, chiếm gần 40% so với vận tải đường bộ. Lượng khách qua các cảng, bến thủy nội địa 9 tháng đầu năm cũng đạt hơn 22,6 triệu lượt (tăng 51,63% so với năm 2021).

TPHCM đã đẩy mạnh phát triển giao thông thủy kết nối không chỉ trên địa bàn mà còn liên thông với các tỉnh, thành lân cận, nhất là với Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Cụ thể, từ năm 2017, TP đã khai thác tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) và sắp tới sẽ khai thác thêm 2 tuyến buýt sông từ Q1 đi Q7, gồm: số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng).

Tương tự, các tuyến tàu cao tốc TPHCM - Vũng Tàu, biển Cần Giờ - Vũng Tàu khai thác thời gian qua đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ. Trong năm 2023, TPHCM sẽ mở thêm 3 tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo, Tiền Giang, Bến Tre và một tuyến phà biển đi Tiền Giang. Lúc đó, giao thông thủy sẽ chia sẻ áp lực giao thông đường bộ, bao gồm vận tải hành khách, hàng hóa và du lịch.

Các tuyến sông có nhiều tàu thuyền đi qua

Theo một chuyên gia, thuận lợi của vận tải hành khách đường thủy ở TPHCM là thời gian đi lại, chuyển tiếp giữa các bến nhanh. Có thể đi tắt, rút ngắn khoảng cách và không bị kẹt như đường bộ. Để phát triển, điều đầu tiên cần phải làm là tạo được loại hình giao thông liên hoàn kết hợp, tức là chủ đầu tư phải xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ dưới nước mà trên bộ, phải có xe buýt trung chuyển khách hàng đến với địa điểm họ chọn hoặc phải có bãi xe để khách hàng có thể thuận tiện trong việc di chuyển đến các địa điểm khác.

Với đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM", Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để tạo tiền đề làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng hiện đại hóa TP và nằm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, nhưng đến nay giao thông đường thủy ở TP vẫn thiếu điều kiện để phát triển tương xứng. Hiện trên địa bàn TPHCM có 92 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, khách du lịch với 308 phương tiện chở khách. Trong đó, các loại hình phương tiện hoạt động chủ yếu như: tàu cao tốc chở khách tuyến cố định, ca nô cao tốc chở khách du lịch theo hợp đồng chuyến, tàu nhà hàng, phương tiện thủy nội địa, phà vận tải hành khách ngang sông. Số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới trong năm 2020 là 267 phương tiện, còn 2021 là 229 phương tiện.

Một trong những khó khăn về cơ sở hạ tầng đó là hiện nay quỹ đất dùng để đầu tư cho dịch vụ hậu cần kỹ thuật còn chưa nhiều, hành lang ven bờ sông tại nhiều nơi còn riêng lẻ, phân đoạn, chưa được kết nối thông suốt. "Biết rằng nhiều nước phát triển trên thế giới đã có phương tiện thủy cá nhân, nhưng cho phép phương tiện đường thủy cá nhân hoạt động tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vào thời điểm này là chưa phù hợp", một chuyên gia về giao thông thủy nhìn nhận.

Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường thủy. Điển hình là công bố triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho nhiều loại thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, trong đó có 15 loại thủ tục tại Sở GTVT và một số thủ tục tại Cảng vụ Đường thủy nội địa. Từ năm 2017, Cảng vụ Đường thủy nội địa đã thí điểm làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn SMS.

Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng đường thủy, công cụ thu thập, tích hợp, lưu trữ và cung cấp dữ liệu theo thời gian; xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành đường thủy và cung cấp thông tin cho người dân thông qua các ứng dụng di động; dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2022. Đồng thời, đầu tư hệ thống camera giám sát tại các vị trí xung yếu như các ngã ba sông, các luồng đường thủy có lưu lượng giao thông cao, các cảng, bến thủy nội địa... kết nối về trung tâm quản lý; kết nối camera tại các bến phà, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông có lưu lượng vận tải lớn, kết nối thông tin về cơ quan quản lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang