(CAO) Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy hiện TP đang có 227 nhà chung cư chưa bàn giao kinh phí bảo trì, trong đó có 43 chung cư đang xảy ra tranh chấp kinh phí bảo trì giữa chủ đầu tư và cư dân.
Ngày 23-3, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP. Theo đó, toàn TP có 1.635 nhà chung cư. Trong đó số nhà chung cư đã xây dựng từ trước năm 1994 là 744 nhà chung cư.
Số nhà chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1994 đến nay: 891 nhà chung cư. Trong đó số nhà chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn từ ngày 1-7-2015 đến 30-11-2022 là 337 nhà chung cư.
Ảnh minh hoạ
Về tình hình quản lý vận hành nhà chung cư, có 862/1059 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị. Có 41 nhà chung cư đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư nhưng chưa thành lập được Ban quản trị.
Sở Xây dựng cho biết lý do một số chung cư chưa thành lập được Ban Quản trị là do chung cư cũ thấp tầng, số lượng căn hộ ít và không có thang máy. Vì vậy hầu hết các chung cư này đều không thành lập Ban quản trị mà chỉ hoạt động theo mô hình tự quản.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công nhưng không có văn bản đề nghị UBND phường, xã tổ chức. Thậm chí có một số chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban quản trị.
Về kinh phí bảo trì nhà chung cư, hiện có 401 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì và 227 nhà chung cư chưa chịu bàn giao. Trong đó có 43 nhà chung cư đang xảy ra tranh chấp kinh phí bảo trì giữa cư dân với chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, việc chậm bàn giao kinh phí bảo trì chủ yếu xuất phát từ việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung, sử hữu riêng của nhà chung cư diễn biến phức tạp dẫn đến việc chủ đầu tư và ban quản trị chung cư không thống nhất, quyết toán số liệu kinh phí bảo trì.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đẩy đủ hoặc chủ đầu tư cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không tiến hành bàn giao cho ban quản trị theo quy định.
Trong khi đó, quy định pháp luật hiện chưa quy định việc phải xác định rõ phần diện tích sử dụng chung, sở hữu chung trong hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án nên trong thực tế áp dụng còn nhiều tranh chấp. Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe, một số hành vi vi phạm chưa được quy định như chủ sở hữu không đóng kinh phí bảo trì, không đóng phí quản lý vận hành...
Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo trì nhà chung cư để có đề xuất bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.