Vụ án ở Thuduc House: Còn những ai liên quan?

Thứ Hai, 18/04/2022 14:11

|

(CATP) Thông tin mới nhất vào ngày 17-4, về mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và liên quan đến đường dây buôn lậu, chuyển ngoại tệ trái phép qua biên giới, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... "dính" đến nhiều người; cũng như số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Thuduc House trước đây).

Từ giả tạo hợp đồng...

Quá trình diễn biến vụ án cho thấy, suốt thời gian khá dài và nỗ lực vào cuộc trước những "phi vụ” làm ăn bất minh xảy ra tại Thuduc House, Cơ quan Thuế TPHCM đã đưa vào tầm ngắm cũng như quyết định thanh tra toàn diện công ty này.

Đến ngày 1-3-2021, Cục Thuế TPHCM đã quyết định ban hành đến 22 Quyết định cưỡng chế thuế đối với Thuduc House, nhằm cưỡng chế các tài khoản mà Thuduc House mở tại nhiều ngân hàng. Điều này sẽ mở ra một "đại án" xuất phát từ số tiền mà theo các quyết định cưỡng chế thuế đối với Thuduc House lên đến 440 tỷ đồng (trong đó 365 tỷ đồng là tiền thuế và 75 tỷ đồng là tiền chậm nộp).

Tại Kết luận Thanh tra thuế của Cục Thuế TPHCM, Đoàn Thanh tra thuế tiến hành thanh tra Thuduc House tại số 3-5 đường Pasteur (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) từ ngày 15-9 đến ngày 27-11-2020. Cũng như trước đó, từ tháng 1 đến tháng 6-2019, Thuduc House cũng đã bị thanh tra thuế phát hiện hàng loạt vấn đề như kinh doanh với ngành nghề chính là bất động sản, linh kiện điện tử... và mở tài khoản tại 17 chi nhánh ngân hàng: Ngân hàng HDBank chi nhánh Gia Định, Ngân hàng OCB chi nhánh Thủ Đức, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TPHCM, Ngân hàng HDBank chi nhánh Sài Gòn, Ngân hàng Sacombank chi nhánh Thủ Đức, Ngân hàng VietBank chi nhánh TPHCM, Ngân hàng Agribank chi nhánh An Phú, Ngân hàng ACB phòng giao dịch Nguyễn Công Trứ, Ngân hàng Eximbank chi nhánh Chợ Lớn, Ngân hàng TPBank chi nhánh Hùng Vương...

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, nguyên Tổng giám đốc Thuduc House

Qua thanh tra và xác minh các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng liên quan đến các hồ sơ xuất khẩu, hoàn thuế tại Thuduc House, cơ quan Thuế phát hiện Thuduc House ký kết với phía nước ngoài về bản chất là xác lập giao dịch xuất khẩu giữa Thuduc House và phía nước ngoài đều giả tạo (hợp đồng ma).

Hành vi này nhằm che giấu giao dịch xuất khẩu giữa Công ty TNHH thương mại - xây dựng ALP (An Lành Phát) với phía nước ngoài và che giấu hành vi đứng tên tờ khai hải quan cũng như các hồ sơ có liên quan đến hoạt động xuất khẩu của Công ty TNHH thương mại - xây dựng ALP với hóa đơn Công ty Thuduc House Wood Trading (chính là công ty con của Thuduc House thành lập từ tháng 11-2012) xuất cho Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, tức là Thuduc House.

Theo đó, cơ quan Thuế TPHCM chỉ rõ là các hóa đơn được lập trên cơ sở giá bán chưa có thuế GTGT bằng giá hợp đồng xuất khẩu trừ, tức là số tiền được hưởng 0,6% tỷ giá mua vào của ngân hàng tại thời điểm Thuduc House bán USD nhằm hợp thức hóa cho số tiền được hưởng theo thỏa thuận với tỷ lệ chính là 0,6% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu và đối với Công ty Thuduc House Wood Trading là 0,1% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu.

Điều đáng nói, các hóa đơn đầu vào của Công ty TNHH thương mại - xây dựng ALP liên quan đến hóa đơn đầu ra xuất cho Công ty Thuduc House Wood Trading lại đều được nhận từ các công ty mà qua kiểm tra cho thấy, các công ty này đã không còn hoạt động tại các địa chỉ đã đăng ký theo thông báo của cơ quan thuế và có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn theo quy định tại Điều 203 Bộ Luật hình sự. Chưa hết, Cục Thuế TPHCM còn phát hiện Thuduc House có dấu hiệu phạm tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật hình sự.

Các vấn đề xảy ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn với số tiền hàng trăm tỷ đồng, cơ quan thuế đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan chức năng và Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố hàng loạt các bị can vào cuối năm 2021 và hiện tiếp tục mở rộng điều tra truy xét vì còn liên quan đến nhiều người khác.

Vụ án tại Thuduc House liên quan đến nhiều người

Đến mua bán kiểu... "ma"

Theo Kết luận số 253/KL-CT của Cục Thuế TPHCM, cũng như 22 Quyết định cưỡng chế thuế đối với Thuduc House có mở tài khoản tại 17 chi nhánh các ngân hàng, lúc này ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng với chức danh Tổng giám đốc Thuduc House phải thực hiện khắc phục hậu quả do có dấu hiệu phạm tội trốn thuế theo điều 200 Bộ Luật hình sự năm 2015, còn những vụ việc cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, phản ứng sau khi nhận kết luận và các quyết định cưỡng chế thuế thì Thuduc House - do ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng làm Tổng giám đốc - lại "không đồng ý” mà cụ thể là ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh (Thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Thuduc House) cho rằng Thuduc House khởi kiện Cục Thuế TPHCM. Càng khó hiểu là ngay sau khi nhận đơn khởi kiện của Thuduc House, TAND TPHCM đã ra quyết định "áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời", với nội dung "đình chỉ” các quyết định của Cục Thuế TPHCM (!?).

Theo điều tra ban đầu về các hợp đồng "ma" cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2019, Thuduc House đã mở tờ khai xuất khẩu lên đến hơn 500 bản với giá trị tính thuế là hơn 5.280 tỷ đồng, các mặt hàng theo các tờ khai của Thuduc House xuất khẩu linh kiện điện tử. Hết sức mờ ám, đó là các loại linh kiện điện tử này, Thuduc House lại mua hàng từ công ty con của chính mình, đó là Công ty Thuduc House Wood Trading rồi mang đi... xuất khẩu.

Qua điều tra cho thấy sự lòng vòng kiểu ma mị, bởi công ty con của Thuduc House bán hàng cho "mẹ”, mà Công ty Thuduc House Wood Trading lại mua hàng linh kiện điện tử của Công ty TNHH thương mai - xây dựng ALP (tức là Công ty TNHH An Lành Phát). Song tiếp tục truy xét nguồn gốc hàng là linh kiện điện tử, thì Công ty TNHH thương mại - xây dựng ALP đi mua lại của ít nhất 4 công ty trong nước khác? Đi tìm 4 công ty mà theo Công ty thương mại - xây dựng ALP đã mua linh kiện điện tử trong nước, thì tất cả đều là công ty... "ma".

Biểu đồ về "hành trình" kiểu tạo dựng các hợp đồng "ma" giữa các công ty (tiêu biểu như Thuduc House) nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của Nhà nước

Càng kinh khủng hơn, đó là tờ khai hải quan của Thuduc House mở tờ khai hơn 500 tờ xuất khẩu hàng linh kiện điện tử qua nhiều quốc gia, mà các linh kiện này chẳng qua một công đoạn hay dây chuyền sản xuất nào. Thuduc House sau khi "hoàn tất" các thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử, thì chính Thuduc House đi làm động tác "rút ruột" tiền của Nhà nước. Đó là làm thủ tục hoàn thuế GTGT, tính từ tháng 2-2018 đến tháng 8-2019, tổng cộng 17 lần Thuduc House đã chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng...

Thêm những ai liên quan?

Với các quyết định cưỡng chế thuế hồi tháng 3-2021, Thuduc House lại phát đi thông tin "làm đúng các quy định pháp luật, mua bán linh kiện điện tử đều có hóa đơn chứng từ, hàng thật việc thật... rồi đâm đơn kiện các quyết định của Cục Thuế TPHCM ra TAND TPHCM. Vào thời điểm đó (sau các quyết định cưỡng chế thuế), ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Thuduc House cho rằng công ty khởi kiện ra tòa án vì "làm ăn đàng hoàng". Ngay sau đó, theo đề nghị của Thuduc House, TAND TPHCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ việc cưỡng chế thuế của Cục Thuế TPHCM đối với Thuduc House.

Trước sự việc này mà theo Cục Thuế TPHCM là nguy cơ không có tài sản để thu hồi thuế, nên khiếu nại đến TAND TPHCM về quyết định của tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp đây là nguy cơ một vụ án liên quan đến chiếm đoạt thuế, nguy cơ Thuduc House "bùng" mất tài sản thì việc thu hồi tiền thuế đã bị Thuduc House chiếm đoạt có dấu hiệu "mất trắng", cùng với việc Cục thuế TPHCM chứng minh những hành vi gian lận, xuất khẩu "ma" các linh kiện ra nước ngoài của Thuduc House... Bởi vậy, sau đó TAND TPHCM mới ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về quyết định cưỡng chế thu hồi hàng trăm tỷ đồng thuế từ Thuduc House.

Cho đến khi vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đã được Cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT và cuối năm 2021, Bộ Công an khởi tố, lệnh bắt tạm giam bị can để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Thuduc House), ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh (thành viên HĐQT và kiêm Phó tổng giám đốc Thuduc House) cùng nhiều đồng phạm khác như: Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng phòng XNK Thuduc House, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thuduc House Wood Rading), Quang Minh Tuấn (Kế toán trưởng Thuduc House), Nguyễn Văn Lành (Giám đốc Công ty thương mại - xây dựng ALP - An Lành Phát và kiêm Giám đốc Công ty TNHH Bình Thạnh) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 147 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vụ án này có liên quan đến rất nhiều người, gộp chung là vụ án "Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm doạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản..." xảy ra tại TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam và đã khởi tố hơn 20 đối tượng. Đã xác định đối tượng cầm đầu, không những buôn lậu, mà đường dây này vận chuyển trái phép hơn 53 triệu USD ra nước ngoài, móc nối với các đối tượng công ty trong nước. Trong đó, Thuduc House và Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam lập hồ sơ hoàn thuế GTGT (trong đó Thuduc House chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng, Sài Gòn Tây Nam chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng của Nhà nước).

Cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa của Thuduc House
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang