Quản lý thị trường TPHCM: Phát hiện và xử phạt hàng ngàn vụ vi phạm

Chủ Nhật, 02/04/2023 17:42

|

(CATP) Theo kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong quý I/2023 (từ ngày 15-12-2022 đến 14-3-2023), số vụ kiểm tra trên địa bàn là 714 (tăng 436 vụ, tăng 156,83% so với cùng kỳ năm trước). Trên cơ sở đó, số vụ xử lý vi phạm hành chính là 684 với số tiền khoảng 12,7 tỷ đồng.

Cũng trong quý I/2023, đơn vị đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 11 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 94,5 tỷ đồng. Qua xác minh, Cục QLTT thành phố chuyển 3 vụ sang cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự. Những tháng đầu năm 2023, Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các mặt hàng trọng tâm nên đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, các Đội QLTT tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuốc lá thế hệ mới trên thị trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử, xử lý 18 vụ vi phạm, tạm giữ 1.298 bao thuốc lá điếu và 2.011 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hơn 437 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách cũng đã ra quân kiểm tra 201 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 254.335 đơn vị sản phẩm dụng cụ y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ôtô, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, linh phụ kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, điện gia dụng, hàng gia dụng... với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 7,5 tỷ đồng.

Gas có dấu hiệu giả nhãn hiệu tại một công ty ở quận 12

Điển hình, ngày 20-12-2022, Đội QLTT số 3 kiểm tra hộ kinh doanh Kim Long (phường 14, quận 5), phát hiện 3.103 hộp thuốc tân dược không có hóa đơn, chứng từ. Cơ sở này bị phạt 90 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm nói trên. Đối với hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 262 vụ vi phạm, tạm giữ 322.616 đơn vị sản phẩm trị gá hơn 7,4 tỷ đồng. Đơn cử, ngày 21-12-2022, Đội QLTT số 2 phát hiện Công ty TNHH SX TM phụ tùng xe máy Minh Vũ (phường 12, quận 5) đang kinh doanh 22.670 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy các loại không nguồn gốc, xuất xứ.

Song song đó, công tác đấu tranh với hàng giả cũng được chú trọng. Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố, phát hiện 167 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; tạm giữ 35.538 đơn vị sản phẩm các loại với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngày 23-3-2023, Đội QLTT số 2 phối hợp với lực lượng chức năng quận 12 khám xét 4 xe tải và 1 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa tại Chi nhánh Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Vận Tải Hoàng Nam (khu phố 3, phường Thới An), phát hiện nhiều vi phạm. Lực lượng đã niêm phong 1.186 chai LPG và LPG không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, tại điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 9, quận Gò Vấp), Đội QLTT số 2 phát hiện 35.400 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu MAycreate, Vichy, Victorias Fleur, Bath & body works.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh nhập lậu đường với số lượng lớn

Cục QLTT TPHCM cho biết thêm, trong số 94 vụ vi phạm hàng hóa là thực phẩm, tạm giữ khoảng 79 ngàn đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại (bánh kẹo, rượu, bia, sữa, thực phẩm bao gói sẵn...), trong đó vi phạm thực phẩm về mặt hàng đường cát chiếm 12 vụ vi phạm với hàng hóa tạm giữ là 61.142kg.

Gần đây nhất, ngày 25-3, Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội 7 Phòng CSKT Công an TPHCM và Công an phường 2, quận 6 kiểm tra tại điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa thuộc hộ kinh doanh Diệu Thy (phường 2, quận 6), phát hiện 530 bao tương đương 26,5 tấn đường tinh luyện các loại, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu chất lượng kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết khoảng 450 triệu đồng. Trước đó, Công ty TNHH TM DV Trang Dương (ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) cũng bị xử phạt 180 triệu đồng vì kinh doanh gần 10.000kg đường cát không hóa đơn chứng từ.

Thời gian qua, Cục QLTT cũng làm tốt công tác phối hợp liên ngành với các Đoàn kiểm tra của thành phố, quận, huyện và TP.Thủ Đức với 7.586 vụ liên quan đến phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; văn hóa - xã hội; an toàn thực phẩm..., trong đó có 34 vụ vi phạm.

Theo đại diện Cục QLTT TPHCM, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát địa bàn, nắm tình hình thị trường và hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang