TPHCM: Quản lý thị trường tổng kiểm tra hàng giả trước thềm Tết Quý Mão

Thứ Sáu, 23/12/2022 17:02

|

(CATP) Liên tiếp những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT TPHCM phối hợp kiểm tra những điểm sản xuất hàng giả, kinh doanh hàng giả quy mô lớn tại địa bàn TPHCM. Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều địa phương và cả địa bàn hẻo lánh...

Ngày 21-12, Cục Nghiệp vụ QLTT - Tổng Cục QLTT phối hợp với Cục QLTT TPHCM kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Tân Thành (quận 5). Qua kiểm tra 3 địa điểm cửa hàng chuyên phân phối các loại phụ kiện trang trí xe Vũ Trụ (phường 12, quận 5), lực lượng chức năng ghi nhận hàng nghìn phụ kiện, đồ trang trí xe máy đựng trong thùng giấy, giỏ nhựa và treo trên giá. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ của tất cả phụ kiện, đồ trang trí xe máy được bày bán, cất giữ tại đây.

Tại các cửa hàng trên đường Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Tạ Uyên, Hà Tôn Quyền, Lương Nhữ Học..., lực lượng QLTT tiếp tục kiểm tra để xác định dấu hiệu vi phạm. Theo nhận định ban đầu, phần lớn hàng hóa kinh doanh đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki. Ước tính số lượng vi phạm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.

Để kịp thời xử lý triệt để các hành vi vi phạm nổi cộm, tinh vi và công khai tại đây, Tổng cục QLTT trực tiếp chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT và các đội Quản lý thị trường thuộc Cục QLTT TPHCM tiếp tục kiểm tra mở rộng các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại các tuyến đường như Dương Tử Giang, Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Tạ Uyên, Hà Tôn Quyền, Lương Nhữ Học...

Ngày 09-12, Cục QLTT TPHCM kiểm tra đột xuất cửa hàng Trang Nemo (đường Nguyễn Trãi, quận 1), phát hiện 246 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần áo, giày dép, túi xách... có dấu hiệu giả mạo một số nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam như Louis Vuitton, Gucci, Chanel, Burberry, Nike và một số hàng hóa không rõ nguồn gốc. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là 104,37 triệu đồng.

Phụ tùng xe máy khu vực chợ Tân Thành

Trước đó, ngày 30-11, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp Cục QLTT TPHCM bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu tại huyện Bình Chánh. Tại 4 kho nằm rải rác quanh khu vực xã Vĩnh Lộc, hàng hóa đã được đóng gói bao bì, đựng trong các thùng carton. Phần lớn đều là các loại dầu gội mang các nhãn hiệu như: X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder...

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn các loại thuốc làm đẹp, giảm cân, kem dưỡng da các nhãn hiệu khác nhau. Đáng chú ý, tại xưởng sản xuất kế bên, lực lượng QLTT cũng ghi nhận hàng chục tấn các loại hóa chất đựng trong các thùng phuy màu xanh, có chất lỏng màu trắng, dạng sệt cùng một lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ chai nhựa các loại và các chồng thùng carton vẫn nguyên đai, nguyên kiện.

Tổng cục QLTT nhận định, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp vào thời điểm cuối năm. Để chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, đơn vị triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022 cũng như dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, toàn lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.

Kiểm đếm tang vật

Ban chỉ đạo 389 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế, hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cần tập trung xây dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng với đó, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới...

Bình luận (0)

Lên đầu trang