Mua đất rồi "thổi" giá
Nhiều khu vực ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (Đồng Nai), TT.Lai Uyên (H.Bàu Bàng), các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương), Chơn Thành, Đồng Phú, TP.Đồng Xoài (Bình Phước)... vốn là miền quê bạt ngàn vườn cao su thanh bình trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giới "cò đất" lũ lượt kéo tới đây mua đất vườn cao su rồi tự ý phân lô, bán nền trái pháp luật, đẩy giá đất lên cao. Nếu trước đây người dân bán đất theo sào, mẫu hoặc mét ngang kéo dài hết khu đất thì nay "cò đất" chia nhỏ thành từng lô, bán theo mét vuông. Mỗi lô đất nhà vườn diện tích từ 150 - 350m2 có giá từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hằng (57 tuổi, ngụ H.Chơn Thành, Bình Phước) cho biết: Đợt "sốt" đất ở đây xảy ra từ năm 2020, kéo dài tới nay. Những năm gần đây, giới "cò đất" đi từng đoàn tới các thửa đất vườn cao su của người dân và mua đi, bán lại, phân lô để tạo "sốt" đất, nhằm trục lợi. Nhiều thửa đất vùng quê bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Những làng quê yên ả bỗng nhiên bị xáo trộn lớn. Hàng đoàn người từ nơi khác gồm cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, đi ôtô con, xe du lịch hoặc xe máy, kéo đến những khu đất, ngó nghiêng xem xét. Có những người ăn mặc sang trọng, cầm ĐTDĐ chụp hình khu đất. Được biết, đây là nhóm "cò đất" tới mua đất, làm đường bê-tông chạy ngang qua rồi phân lô, rao bán cho nhiều người khác.
Sau thời gian "sốt" ảo, nhiều dự án trở nên im lìm, không người ở
Những ngày trung tuần tháng 12-2022, trong vai nhà đầu tư, chúng tôi tìm về các khu vực ven tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước được xem là "điểm nóng" săn đất của giới đầu tư. "Cò đất" tên Hùng đưa chúng tôi đi nhiều nơi thăm quan. Hùng giới thiệu đây là khu vực đang được khách quan tâm nhất vì vị trí gần khu công nghiệp. Một khu đất rộng 1.500m2 gần vườn cao su, không có người dân ở. Giới "cò đất" đã chia khu đất này thành 9 lô, mỗi lô diện tích khoảng 120 - 150m2, nằm dọc đường bê-tông mới mở. Trên đường chỉ có vài cột đèn, còn lại trống trơn.
Trong khi đó, dọc hai bên đường gần các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, có nhiều biển hiệu rao bán đất kèm số điện thoại. Chọn một số điện thoại ngẫu nhiên để liên lạc, đặt vấn đề đang tìm lô đất giá khoảng 800 triệu đồng để dựng nhà kèm khu vườn nhỏ, phóng viên được người môi giới trả lời rằng mức giá đó chỉ ở vùng ngoại ô thành phố mới có, bởi giá đất hiện giờ rất cao. Liên lạc một số điện thoại khác, phóng viên được người môi giới tận tình tư vấn, song giá đất cũng rất cao. Một lô đất thổ cư diện tích khoảng 100 - 150m2 trong các hẻm sâu vùng ngoại ô đều có giá từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng, còn đất nông nghiệp giá cũng không rẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đất dự án và đất đô thị rất khó tăng giá theo ngày hoặc tuần. Do đó, "cò đất" và giới đầu cơ luôn chọn những khu vực giáp ranh, càng rẻ càng tốt để dễ tạo "sốt" đất. Theo bà Hằng, dù chưa nghe có dự án, khu đô thị, khu dân cư nào dự kiến sẽ xây dựng ở vùng quê của bà, thế nhưng giới "cò đất" lại rao bán giá rất cao, từ 700 - 900 triệu đồng/lô 120m2. Giá này thực tế gấp 3, thậm chí 5 lần so với nhiều thửa đất khác gần đó. "Tôi cũng không hiểu vì sao khu đất này lại có nhiều người đến xem như vậy" - bà Hằng nói.
"Cò” gắn biển rao bán đất
Nông dân giàu lên bất thình lình
Theo nhiều người dân địa phương, đây là đợt "sốt" đất khác thường. Giá đất tại nhiều khu vực ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với đầu năm 2022. Ông Nguyễn Văn Thông (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, ông có một héc-ta đất trồng cao su. Cuối năm 2020, có người đến đặt vấn đề mua đất với giá 2,5 tỷ đồng, nhưng ông Thông không bán. Mới đây, khi nghe tin ông định bán đất, nhiều người đến hỏi mua. Cuối cùng, ông Thông chốt giá, bán cho một "cò đất" ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) là 10,5 tỷ đồng.
Anh Trần Công Tính (ngụ xã Thạnh Phú) với giọng tiếc nuối, kể gia đình anh có 1,2 héc-ta đất trồng cao su, do kẹt tiền nên năm 2020 đã bán 4 sào, giá 600 triệu đồng/sào. Sau đó, gia đình anh Tính đến TPHCM mua căn nhà nhỏ, cho con ở để đi học. Nhiều người dân khác ở xã này cũng bán đất. Có gia đình bán sạch mấy sào đất để lấy tiền tiêu xài. Nhiều người khác ở H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) lâu nay làm rẫy, làm vườn, bỗng chốc trở thành tỷ phú nhờ... bán đất. Trong đó, có những người biết tính toán, sử dụng tiền bán đất để kinh doanh, trở thành thị dân ổn định; nhưng có không ít người xài hết tiền, trở thành nông dân không còn đất.
Đề phòng hình thành khu đô thị "ma"
Lý giải nguyên nhân giá đất nông thôn tăng lên chóng mặt, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng có cả yếu tố thật lẫn ảo. Đầu tiên, phải kể đến thời gian qua tốc độ đô thị hóa ở nhiều khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, cùng với hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng mở ra, tác động mạnh đến sự phát triển thị trường BĐS vùng ven. Mặt khác, nhiều người Việt quan niệm "mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời" nên đổ xô đi mua đất đầu tư. Thời gian qua, có nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch, từ sân bay, hạ tầng, khu công nghiệp đến việc hình thành các đô thị đặc biệt, trở thành động lực lẫn động cơ của giới đầu tư địa ốc.
Mới đây, tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ giao địa phương quản lý mở rộng sân bay quân sự tại H.Hớn Quản thành sân bay kết hợp dân sự. "Ăn theo" sự kiện này, giới "cò đất" đổ xô tới khu vực này để xem đất. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, "cò đất" lại lẳng lặng rời đi, các sàn giao dịch BĐS trở nên đìu hiu, giới đầu tư săn đất cũng mất tăm. Theo đó, những khu đô thị "ma" lộ diện.
Trước các đợt "sốt" đất bất thường, chính quyền địa phương tại các vùng nông thôn liên quan đã khuyến cáo người dân cần thận trọng, tránh rơi vào những chiêu trò của giới đầu cơ BĐS. Điều đặc biệt lo ngại là khi "sốt" đất tràn về vùng nông thôn, nhiều nông dân bán đất rồi đứng trước nguy cơ nhãn tiền trong thời gian tới là không còn đất để canh tác. Còn nhà đầu tư "ôm" đất mà không có nhu cầu sử dụng thì sẽ biến đất đai nhanh chóng thành hoang hóa. Khi đó, không chỉ nảy sinh tình trạng lãng phí đất nông nghiệp mà còn gây bất ổn xã hội, các tệ nạn vì "nhàn cư vi bất thiện" phát sinh.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý đất đai. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với tổ chức môi giới, mua bán BĐS tung tin đồn thổi nhằm đầu cơ, đẩy giá đất lên cao, tạo "bong bóng" BĐS để trục lợi, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.
Dịp này, UBND H.Đồng Phú (Bình Phước) ra công văn gửi Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn trong huyện, yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản và hoạt động xây dựng trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh và TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cũng ra văn bản yêu cầu địa phương không để xảy ra tình trạng người dân tự ý mở đường, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước. Các địa phương phải thông tin công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm hạn chế tác động của việc môi giới, quảng cáo sai sự thật về các dự án "ma".