Đề xuất người dân có đất bị thu hồi được tham gia hội đồng thẩm định giá

Thứ Bảy, 10/12/2022 09:52

|

(CAO) Đây là một trong những đề nghị của đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về dự Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung này, Chính phủ cho biết, đã được tiếp thu vào dự thảo mới.

Đánh thuế cao hơn với người sử dụng nhiều đất, nhà ở

Chính phủ vừa báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vừa qua và sẽ được đưa ra xin ý kiến Nhân dân trong thời gian sắp tới.

Quá trình thảo luận cho thấy, một trong những nội dung ghi nhận sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội là vấn đề tài chính đất đai và giá đất.

Sở hữu nhiều nhà đất hơn hạn mức có thể bị đánh thuế. Ảnh minh hoạ

Qua tổng hợp ý kiến, Chính phủ phản ánh, về các khoản thu tài chính từ đất đai (Điều 147) và điều tiết nguồn thu từ đất (Điều 148), một số ý kiến đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội; đề nghị quy định việc điều tiết hài hòa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về điều tiết nguồn thu từ đất, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc; việc điều tiết cụ thể thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

Trước ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, đối với trường hợp để hoang hoá đất đai không sử dụng, Chính phủ cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”. Vì thế, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế.

Về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 150) và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 152), qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị không quy định thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm có kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tiếp thu ý kiến này, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất thì thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất.

Đề cập đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất (Điều 153), nhiều ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc, cơ sở để định giá đất phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; bổ sung nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, giá đất gắn với không gian sử dụng đất; xây dựng tiêu chí, cách thức xác định giá đất cho từng trường hợp.

Hồi âm, Chính phủ khẳng định, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng làm rõ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu quy định các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Ban hành bảng giá đất hàng năm

Giải trình về một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể các phương pháp định giá đất, điều kiện áp dụng; xây dựng quy trình xác định giá đất thống nhất, Chính phủ thông tin, kế thừa các quy định của các Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc định giá đất, việc xây dựng, áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể. Các phương pháp định giá đất mang tính chuyên môn, kỹ thuật, chi tiết sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành.

Người có đất bị thu hồi có thể sẽ được tham gia hội đồng thẩm định giá 

Với ý kiến đề nghị xem xét phải có Hội đồng thẩm định của Trung ương để thẩm định trong một số trường hợp; đề nghị thành lập một cơ quan Trung ương để tính giá thửa đất chuẩn theo vùng giá trị, Chính phủ cho rằng, nếu cơ quan Trung ương tổ chức thẩm định, tính giá thửa đất chuẩn theo vùng giá trị thì không thống nhất về thẩm quyền trong quản lý đất đai, phát sinh thủ tục hành chính, làm chậm quá trình giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển. Vì lẽ này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Về bảng giá đất và giá đất cụ thể, một số ý kiến đề nghị quy định ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm, 3 năm hoặc 2 năm một lần; quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên. Tuy nhiên, theo Chính phủ, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Do vậy, dự thảo Luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường.

Trước yêu cầu quy định nguyên tắc áp dụng bảng giá đất; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí, vùng giá trị, thửa đất chuẩn; quy định rõ các tiêu chí về quy trình kiểm tra, giám sát trong việc xây dựng bảng giá đất, Chính phủ giải thích, về nguyên tắc áp dụng bảng giá đất đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 154 dự thảo Luật. Về việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí, vùng giá trị, thửa đất chuẩn mang tính chuyên môn, kỹ thuật, chi tiết sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về việc xây dựng tiêu chí về quy trình kiểm tra, giám sát trong việc xây dựng bảng giá đất, cơ quan soạn thảo xin tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện trong dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ghi nhận các ý kiến đề nghị thành phần Hội đồng thẩm định giá đất đề nghị phải có người dân vùng có đất bị thu hồi; trách nhiệm, thành phần, tiêu chí của chuyên gia và các thành viên khác tham gia Hội đồng…, Chính phủ khẳng định, những nội dung này đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu vào dự thảo Luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang