Trong 2 năm cả nước có hơn 3.900 trẻ em bị xâm hại

Thứ Tư, 07/12/2022 19:45  | Mai Anh

|

(CAO) Chiều 7/­12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021­-2025.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Kế hoạch 506 (BCĐ KH506) chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong thời gian qua, về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên toàn quốc đã phát hiện 3.748 vụ, với 4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 trẻ em. So với cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2020 giảm 220 vụ = 5,5%, 218 trẻ em=5,3%.

Trong đó, hiếp dâm trẻ em: 1.193 vụ/1.260 đối tượng/xâm hại 1.218 em; cưỡng dâm trẻ em: 29 vụ/30 đối tượng/xâm hại 29 em; giao cấu với trẻ em: 1.362 vụ/1.369 đối tượng/xâm hại 1.364 em; cố ý gây thương tích với trẻ em: 232 vụ/566 đối tượng/xâm hại 247 em…

Còn về người chưa thành niên vi phạm pháp luật, toàn quốc phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng, trong đó 15.568 đối tượng nam, 1.081 đối tượng nữ. So với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 giảm 200 vụ = 2,4% (8.227/8.427 vụ). Trong đó, giết người: 173 vụ/358 đối tượng; các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục: 246 vụ/283 đối tượng; cướp tài sản: 242 vụ/560 đối tượng; cố ý gây thương tích: 1.511 vụ/4.014 đối tượng…

Trong giai đoạn 2021-2022, BCĐ KH506 liên ngành Trung ương và địa phương đã có hơn 400 báo cáo Quốc hội, Chính phủ về tình hình, công tác chấp hành pháp luật, kết quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; tham mưu, đề xuất ban hành hơn 500 kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ trong tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa với loại tội phạm này.

Ban Chỉ đạo KH506 các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, đã ban hành và triển khai trên 2.000 kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện gắn với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới công tác vận động phong trào đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.

Căn cứ tình hình thực tiễn, các giải pháp phối hợp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã được các đơn vị thành viên BCĐ khẩn trương triển khai, xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM

Năm 2021, trẻ em không đến trường để thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chương trình, tọa đàm trực tiếp, tọa đàm chuyên gia cảnh báo về các vụ việc liên quan đến bệnh lý trầm cảm ở trẻ em để có giải pháp can thiệp sớm, nhất là sự quan tâm của gia đình, người thân, xóa bỏ kỳ thị, so sánh với trẻ em có hạn chế về tâm lý, khả năng nhận thức, hoặc khác biệt trong hòa nhập môi trường xã hội xung quanh.

BCĐ KH506 chỉ đạo các đơn vị tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại và mua bán, năm 2022, Cục Cảnh sát hình sự, Thường trực BCĐ đã phối hợp với Báo Công an nhân dân, đơn vị ngân hàng và Ban Chỉ đạo KH506 các địa phương Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là trẻ em. Đã trao hơn 30 suất quà với tổng trị giá 300 triệu đồng cho các nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ bước đầu ổn định cuộc sống.

Công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình phòng ngừa, trong đó công tác tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng và truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng rất được chú trọng.

Xác định công tác phòng ngừa là giải pháp cơ bản trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, xuất phát từ lý luận quản lý nhà nước về ANTT, coi công tác vận động quần chúng là biện pháp căn cơ hàng đầu; từ thực tiễn công tác đấu tranh, trên 90% các vụ xâm hại, bạo lực, bạo hành trẻ em xuất phát từ các nguyên nhân xã hội, do những người có mối quan hệ quen biết, người thân gây ra, nên cần phải tập trung vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa cảnh tỉnh, mỗi địa phương, BCĐ giao cho 1 đơn vị làm thường trực, chủ công, phối hợp, huy động các ban, ngành, đoàn thể liên quan để thực hiện.

Các đơn vị thành viên BCĐ KH506 Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, hướng dẫn trẻ em nhận biết nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng bảo vệ bản thân, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và sử dụng Internet an toàn, lành mạnh.

Điển hình: Các đơn vị, cơ quan truyền thông thuộc Bộ Công an phát sóng, đăng tải trên 500 phim phóng sự, tin trên phương tiện truyền thông và xây dụng hơn 1.000 bài viết của các chuyên gia pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện trực tuyến Chung tay phòng, chống mua bán người nhằm hưởng ứng ngày Phòng chống mua bán người - 30/7 năm 2021, 2022 với chủ đề “Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động”…

Bình luận (0)

Lên đầu trang