Tạo động lực để tư nhân tham gia
Nhận ra những hạn chế để tháo gỡ, từ đó định hình mục tiêu trong tương lai là những vấn đề đã được TP đặt ra. Tại Hội nghị đô thị toàn quốc mới đây, đại diện lãnh đạo TPHCM cho biết, với mục tiêu định hướng TPHCM trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, TP xác định phải khắc phục cơ bản các tồn tại về thể chế trong giai đoạn trước. Đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển gắn với huy động nguồn lực, các thể chế chính sách có tính liên ngành, liên cấp, liên vùng chống đầu cơ đất đai, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị.
TP cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung của đô thị theo quy hoạch. Tập trung vào củng cố và nâng cao chất lượng phát triển đô thị tại các khu vực có vai trò động lực lan tỏa tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu tại các đô thị lớn với hạ tầng đồng bộ và dẫn dắt chuyển đổi nền kinh tế số và các dịch vụ có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Điểm đáng chú ý, TP quan tâm đến giải phóng nguồn lực, tạo động lực mới để khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia sâu rộng vào đầu tư nâng cao chất lượng phát triển đô thị...
Có 9 giải pháp, nhiệm vụ được nêu ra để thực hiện mục tiêu TP hướng đến, trong đó có việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị.
Theo đó, TP muốn thực hiện đề án xây dựng chính quyền đô thị, chủ động nghiên cứu, đề xuất phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực và có cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư. Chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung cập nhật những nội dung đặc thù của TPHCM về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chỉ tiêu xây dựng với những khả năng vận dụng gắn với yêu cầu thực tế và đặc thù của TP.
TPHCM hướng tới xây dựng đô thị đạt đẳng cấp quốc tế
Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng đô thị với quan điểm học hỏi, nhận chuyển giao tích cực và từng bước làm chủ năng lực, công nghệ quản lý đô thị hiện đại.
TP cũng hướng tới đổi mới cách tiếp cận quy hoạch đô thị, đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực và các thể chế chính sách có tính liên ngành, liên cấp, liên vùng, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị. Lấy nguyên tắc phát triển bền vững làm cơ sở cho quá trình lập và thực thi quy hoạch.
Ưu tiên chương trình phát triển nhà ở
Bên cạnh việc đẩy nhanh tham mưu, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP cũng tính toán quy hoạch, xây dựng quỹ nhà ở gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu ở đô thị theo mô hình trung chuyển giao thông công cộng (TOD).
Xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển các khu ở đô thị hiện đại, khuyến khích và thiết lập sự tham gia của cộng đồng vào trong các công cụ quản lý về quy hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện chương trình phát triển nhà ở theo kế hoạch đã đề ra đối với nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch...
Cùng với đó, TP khẳng định sẽ làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành. Nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TPHCM, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Nha Trang - TPHCM và đoạn TPHCM - Cần Thơ.
Hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. TPHCM tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu nối Quận 7, TP. Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía Đông.
Hiện, TP đang chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án "Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ" nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ, bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải...
Vẫn trong các giải pháp, nhiệm vụ đặt ra, TPHCM xác định phát triển mạng lưới đô thị của TP và vùng TP với cấu trúc và quy mô phù hợp với nguồn lực thực tế, áp dụng kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng và tự hồi phục. Đổi mới quản lý phát triển TP gắn với ứng dụng các mô hình quản lý với công nghệ hiện đại, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.
Trong đổi mới mô hình quản lý phát triển vùng ven, TP sẽ xác định dựa trên ranh giới phát triển thực tế thay vì ranh giới hành chính. Theo đó, vùng ven đã có kế hoạch phát triển đô thị cần áp dụng cơ chế kiểm soát phát triển đồng bộ để huy động nguồn lực đóng góp từ người dân để chuyển đổi đất ở quy mô nhỏ thích ứng với các dự án phát triển đô thị liền kề, tránh tình trạng da beo và bảo đảm không gian chức năng phục vụ cho đô thị lõi.
Các vùng đô thị hóa, theo quan điểm của TPHCM, cần ràng buộc trách nhiệm để chính quyền các địa phương hợp tác xử lý các vấn đề liên ngành liên cấp như bảo vệ nguồn nước, kết nối hạ tầng xã hội phục vụ khu công nghiệp, quản lý chất thải vùng, sử dụng tài nguyên (vật liệu xây dựng, tài nguyên khác) và đặc biệt là phát triển đồng bộ đất đai, vận tải công cộng, và logistics.
TP cũng mở rộng hành lang pháp lý và mô hình quản trị để khai thác cơ chế thu lại giá trị gia tăng từ đất (như quyền phát triển có thể chuyển nhượng, đóng góp điều chỉnh đất đai, thuế tài sản) khi đầu tư và cải thiện hạ tầng cơ sở (đường sắt đô thị, chống ngập, chỉnh trang đô thị).