Quy hoạch đô thị TPHCM phải hướng đến sự liên kết đồng bộ

Thứ Tư, 06/01/2021 16:59

|

(CAO) Định hướng phát triển các mô hình đô thị không chỉ bao gồm quy mô đầu tư các đô thị mà còn là chiến lược trong quy hoạch phát triển để tạo được sự liên kết đồng bộ nhằm thu hút được dân về ở.

Để làm được việc đó, hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối nhằm giảm áp lực hạ tầng, nâng cao môi trường sống và hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị.

Đây là nội dung được các chuyên gia nêu lên tại hội thảo “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở” do Trung tâm sản xuất nội dung số (VTV Digital) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào sáng 6-1.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo

Theo TS. Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), TP.HCM là đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia, phát triển theo mô hình “Tập trung, đa cực, thích ứng”. Do đó, việc xây dựng quy hoạch đô thị TP.HCM không thể tách rời định hướng phát triển vùng.

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị vùng TP.HCM thời gian qua vẫn chưa hình thành được các trung tâm cấp thành phố ở các hướng phát triển theo quy hoạch. Các tuyến chính kết nối với TP.HCM thường xuyên quá tải, ùn tắc kéo dài; các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.

Ngoài ra, các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện khép kín, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 3, 4 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa vùng trung tâm và các tiểu vùng, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.

Để phát huy hết lợi thế của vùng TP.HCM, TS. Phạm Hoài Chung cho rằng hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối, giảm áp lực hạ tầng nhằm nâng cao môi trường sống, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị.

Chia sẻ thêm về quy hoạch phát triển của TP, ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Phòng quy hoạch chung (Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM) cho biết vào tháng 7-2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua định hướng điều chỉnh “Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”.

Quy hoạch định hướng phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai

Trong đó, các định hướng, chủ trương quan trọng của TP gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP với trọng tâm phát triển ngành dịch vụ; Phát triển TP thành đô thị thông minh; Phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông là nền tảng hình thành TP Thủ Đức; Phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ và xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.

Với TP. Thủ Đức, ông Tuấn cho biết nơi đây được quy hoạch thành khu vực đô thị sáng tạo với 10 điểm nhấn gồm trung tâm công nghệ tài chính Thủ Thiêm; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TP.HCM; trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; khu đô thị tương lai Trường Thọ...

Với tư cách một nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long cho rằng để hiện thực hóa quy hoạch các mô hình đô thị thì quan trọng nhất vẫn là Nhà nước phải có chính sách tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư tham gia. “Chính phủ phải xem phát triển đô thị là vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng để từ đó có chính sách và cơ chế phù hợp trong việc tạo quỹ đất sạch”, ông Quang kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho rằng cần thực hiện “dồn điền, đổi thửa” đất đô thị, sắp xếp lại dân cư đô thị để có thêm quỹ đất cho phát triển. “Tại TP.HCM, nếu không thực hiện việc dồn điền đổi thửa thì sẽ rất khó đáp ứng các tiêu chí quy hoạch về hạ tầng, khoảng xanh… Tuy nhiên, muốn làm được việc đó phải tạo được sự đồng thuận của người dân trên thực hiện cơ sở tái định cư tại chỗ”, ông Nguyễn Đình Thọ khuyến nghị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang