Lấy ý kiến Nhân dân về dự Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1 đến 15/3/2023

Thứ Ba, 13/12/2022 16:39

|

(CAO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quá trình lấy ý kiến nhân dân phải có sự giám sát, vì có khi ý kiến rất sát lại không được tổng hợp hoặc tổng hợp khác đi.

Tiếp tục phiên họp thứ 18, chiều 13/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, mục đích của việc lấy ý kiến là phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Minh Ngân trình bày tờ trình

Việc lấy ý kiến, theo ông Ngân, cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật. Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Chính phủ cũng đề xuất lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3-1 đến ngày hết ngày 28-2-2023.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).

Bên cạnh đề nghị việc lấy ý kiến Nhân dân phải tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức, Thường trực Uỷ ban Kinh tế yêu cầu kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 15-3-2023.

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải cụ thể hoá đối tượng lấy ý kiến.

Ông Huệ cho rằng, nếu chỉ đăng tải nội dung lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử thì có thể “đọc qua thấy êm không vấn đề gì cả, nhưng khi luật ban hành rồi mới thấy hoá ra là thế này, thế kia”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến thảo luận

"Có những vấn đề các chuyên gia còn chả hiểu thì làm sao mà dân hiểu được, nên chăng 63 tỉnh, thành có hình thức như báo cáo viên nêu vấn đề là hiện đang có vướng mắc thế này, đã bàn sửa thế nào, sửa như thế thì tác động ra sao" - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Huệ lưu ý, cần xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm gắn với nội dung trọng tâm của dự thảo để từ đó xác định đối tượng, cách thức thực hiện lấy ý kiến hiệu quả. Ngoài vai trò của cơ quan soạn thảo cũng phải xác định rõ vai trò các cơ quan của Quốc hội chứ không phải ban hành nghị quyết rồi ngồi thụ động chờ báo cáo.

“Quá trình lấy ý kiến nhân dân phải có sự giám sát, vì có khi ý kiến rất sát lại không được tổng hợp hoặc tổng hợp khác đi, làm thế nào để không xảy ra chuyện đó, nếu xảy ra thì xử lý thế nào" – ông Huệ đặt vấn đề.

Chia sẻ quan ngại này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý, để tránh câu chuyện có thể có những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước nên không được tổng hợp, thì đề nghị gửi kết quả lấy ý về cả Quốc hội và Chính phủ.

Chung quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu, sau khi xin ý kiến thì việc tổng hợp cần phải có rất nhiều kênh, để bảo đảm việc lấy ý kiến trung thực, khách quan. Việc này, theo ông Huy, để tránh việc cơ quan xin ý kiến chỉ tổng hợp những gì thuận lợi cho mình.

Cũng theo ông Huy, cần có cơ chế phản hồi. "Trong quá trình chúng tôi xin ý kiến, các chuyên gia rất không bằng lòng vì không có cơ chế phản hồi, không minh bạch. Tôi góp ý cho anh bao nhiêu nhưng sau đó anh không có phản hồi gì, cái này tiếp thu hay không tiếp thu, không tiếp thu thì lý do vì sao” – ông Huy phản ánh.

Thừa nhận rằng không thể trả lời tất cả, nhưng ông Huy nhấn mạnh, phải có cơ chế nào đó để yêu cầu phản hồi. Theo ông, đây là việc tôn trọng, khuyến khích và không phải riêng luật này mà các luật khác về sau.

“Luật sau lấy ý kiến, cử tri, nhân dân bảo lần trước góp ý chả có phản hồi gì nên lần này không góp ý nữa" - ông Huy nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN - MT Lê Quang Huy thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị “nhóm vấn đề trọng tâm phải gắn với nhóm đối tượng trọng tâm” khi lấy ý kiến vì nếu tách ra sẽ dàn trải, khó tổng hợp, không sâu.

Ông đề xuất cụ thể thành các nhóm đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, tổ chức; các cơ quan nhà nước; chuyên gia, nhà khoa học và xác định nhóm vấn đề trọng tâm cho mỗi nhóm. Cùng với đó, cần có các kênh để tổng hợp như Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, mặt trận và các tổ chức thành viên, hiệp hội; báo chí truyền thông... để có bức tranh toàn diện.

Các nhóm vấn đề lấy ý kiến cần kèm theo tài liệu thuyết minh đầy đủ nội dung chính sách, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nội dung nào còn ý kiến khác nhau và hướng xử lý...

“Có như vậy người tham gia ý kiến mới có cơ sở cho ý kiến rằng hợp lý hay không. Nếu chỉ nêu tên vấn đề và nội dung xin ý kiến thì không đầy đủ, khó cả với chuyên gia chứ không chỉ với người dân” – ông Tùng nói.

Nhận xét kế hoạch lấy ý kiến khá sơ sài, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhìn nhận, nếu vẫn triển khai theo cách cũ thì hiệu quả sẽ không cao. Do đó, theo ông Phương, nghị quyết của UBTVQH phải thể hiện rõ yêu cầu, nhất là vai trò cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu; xác định rõ nhóm đối tượng đi kèm với đó là hình thức, nội dung, trách nhiệm hướng dẫn, tổng hợp báo cáo và phản hồi ý kiến.

“Với chuyên gia, nhà khoa học thì không thể lấy ý kiến như với hộ gia đình, cá nhân được” – ông Trần Quang Phương lưu ý.

Đề cập đến thời gian lấy ý kiến, đa số các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành kéo dài từ 3-1-2023 đến 15-3-2023. Điều này sau đó được thống nhất điều chỉnh vào dự thảo Nghị quyết và biểu quyết thông qua với 100% uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang