Metro Bến Thành - Suối Tiên: Nỗ lực hoàn thành vì thành phố thân yêu

Thứ Hai, 12/12/2022 17:30  | Nam Anh

|

(CATP) Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được khởi công từ tháng 8-2012 và đến đầu tháng 12-2022, tất cả các gói thầu xây dựng thi công đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Nhiều gói thầu đã hoàn thành 99,5% khối lượng công việc. Sau thời gian dài vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, đến nay tuyến metro số 1 đã được tháo gỡ và đang hối hả về đích!

Khó khăn được tháo gỡ

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến metro đầu tiên trong mạng lưới 8 tuyến metro của TPHCM đã được quy hoạch. Dự án có 4 gói thầu chính, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của thành phố, bao gồm 3 gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện.

Dự án được khởi công từ tháng 8-2012 đến nay đã đạt 93,8% tiến độ. Trong đó, gói thầu số 1a (Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 97%; Gói thầu 1b (Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99% và gói thầu số 2 (Xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương) đạt 97%; Gói thầu số 3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 82,26%.

Kỹ sư trưởng công trường Lê Thanh Lê cho biết, theo tiến độ chung thì toàn dự án đã chậm 4 năm so với kế hoạch ban đầu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ là dự án bị đội vốn từ 17.400 tỷ đồng tăng lên hơn 47.300 tỷ đồng, khiến cho quá trình điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Sau gần 4 năm bị chậm do phải chờ giải ngân nguồn vốn, dự án luôn trong tình trạng "giật gấu vá vai" nên UBND TPHCM phải nhiều lần đứng ra tạm ứng vốn ngân sách khoảng 3.500 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu. Tuy nhiên, chừng đó cũng không đủ để giải tỏa "cơn khát" vốn khiến dự án thường xuyên bị đặt trong nguy cơ phải dừng thi công, phải chịu lãi phạt đền bù hợp đồng thậm chí có thể bị kiện. Còn với các nhà thầu, việc phải thi công trong điều kiện chưa được thanh toán cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình.

Các đoàn tàu chuẩn bị lăn bánh

Mới đây Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đã tổ chức lễ chạy thử đoàn tàu metro đầu tiên tại depot Long Bình. Hiện dự án metro số 1 đã hoàn tất việc nhập khẩu 17 đoàn tàu về Việt Nam; đang hoàn thiện phần thi công lắp đặt thiết bị hệ thống cung cấp điện; thi công hệ thống đường ray; thi công hệ thống tiếp điện trên cao... Việc chạy thử đoàn tàu đầu tiên, đánh dấu thêm một cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án.

TPHCM được quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 220km, tổng mức đầu tư 25 tỷ USD. Trong đó, ngoài tuyến metro số 1 đang được đẩy nhanh để hoàn thành cuối năm 2023. Tiếp đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2025 và đưa vào khai thác sau 5 năm. Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hai công trình sớm đưa vào vận hành đúng kế hoạch, thậm chí là sớm hơn.

Có mặt tại công trình vào một ngày đầu tháng 12-2022, chúng tôi ghi nhận tuyến metro số 1 đang được các đơn vị gấp rút thi công, tăng tốc về đích. Đến nay tổng tiến độ dự án đạt 93% khối lượng công việc, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào vận hành. Tuyến metro đầu tiên của TPHCM có 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son cùng 11 ga trên cao, dài 19,7km, có lộ trình đi qua quận 1, quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức và Dĩ An (Bình Dương), điểm đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình.

Ga ngầm metro Bến Thành thuộc gói thầu CP1a (nhà ga trung tâm), có chiều dài 236m, rộng 60m, sâu 32m, quy mô 4 tầng. Trong đó, ga ngầm Bến Thành đã hoàn thiện 81% khối lượng, đang trong giai đoạn thi công kiến trúc, hệ thống cơ điện. Điểm nhấn của ga ngầm Bến Thành là có một giếng trời để lấy nguồn ánh sáng từ tự nhiên, được thiết kế dạng hình tròn chiều cao 6m, đường kính ngoài 21,6m. Hiện nay việc thi công giếng trời đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Cùng với việc thi công giếng trời, ga ngầm Bến Thành đang có khoảng 450 kỹ sư, công nhân đang gấp rút thi công hoàn thiện kiến trúc, hệ thống cơ điện. Ở phía trên nhà ga thuộc khu vực trước chợ Bến Thành cũng đang được tái lập mặt bằng.

Những nhà ga trên cao được trang trí đẹp và rất bắt mắt

Anh Lê Thành Lê cho biết, bất kể ngày cũng như đêm, các kỹ sư, công nhân đều được chia ra làm 3 ca để làm việc. Ở phía dưới các tầng hầm của gói thầu 1a, có hàng trăm kỹ sư, công nhân đang hối hả làm việc. Tại Gói thầu CP1b liên danh Nhà thầu Shimizu - Maeda đã cơ bản hoàn thành. Ga Ba Son được thiết kế ngầm dài 240m, rộng 34,5m, độ sâu khoảng 20m gồm 2 tầng. Tầng 1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (gồm sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động...), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.

Phấn đấu vì thành phố thân yêu

Theo quan sát của chúng tôi, các nhà thầu đang gấp rút thi công để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng như: cơ điện và kiến trúc. Hiện nay tổng thể các nhà ga đã cơ bản hoàn thành, hiện đang hoàn thiện các lối ra - vào. Tại hai gói thầu 1a và 1b tuyến metro số 1, đoạn từ ga trung tâm Bến Thành kéo dài đến ga Ba Son nằm sát bờ sông Sài Gòn (dài 2,6km), được kết nối ngầm đi trong lòng đất đã hoàn thiện các thanh ray, đèn chiếu sáng cũng được hoàn chỉnh chỉ chờ ngày tàu hoạt động. Theo thiết kế, tàu đi trong hầm sẽ đạt vận tốc là 80 - 120km/giờ. Kết cấu vỏ hầm ngầm đoạn đường Lê Lợi rộng 12,3m, gồm 2 làn tàu chạy, chiều cao khoảng 6m mỗi làn, ở giữa là vách ngăn được đổ bê-tông dày 1m.

Toàn bộ ga ngầm gồm 4 tầng ngầm. Tầng B1 là nơi lắp đặt các trang thiết bị phục vụ hành khách gồm sảnh đợi, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh. Từ tầng B1 hành khách di chuyển thông tới tầng B2 và B4, cả 2 tầng này là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Tầng B3 được thiết kế là tầng kỹ thuật. Với việc thiết kế hoàn chỉnh, thuận lợi cho hành khách, đặc biệt có vạch kẻ nổi dành cho người khiếm thị. Ngoài ra, tại các ga ngầm còn được thiết kế, lắp đặt thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng.

Các hạng mục đang được gấp rút thi công

Đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương, đã hoàn thành phần kết cấu các nhà ga trên cao và cầu cạn. Ghi nhận tại các nhà ga đã hoàn thành lợp mái, đơn vị thi công đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống máy móc. Việc thi công kéo cáp điện và lắp đặt đường ray trên toàn tuyến metro số 1 đã gần như hoàn thành. Trong khi đó, MAUR đã nhập đủ 17 đoàn tàu và được đưa về depot Long Bình, TP.Thủ Đức để chuẩn bị cho công tác vận hành thử nghiệm, trước khi đưa vào khai thác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBNDTP cho biết, tuyến metro số 1 mang tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây sẽ là công trình đầu tiên của thế kỷ 21 đánh dấu sự chuyển mình của thành phố hiện tại và tương lai. Theo đó, công trình nhận được sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Tuyến metro số 1 đã trải qua thời gian dài và mãi đến cuối năm 2019 mới được Chính phủ và Quốc hội thông qua để tháo gỡ những nút thắt, tạo bước ngoặt giúp công trình sớm đi vào hoạt động.

Trong những năm qua dự án gặp nhiều khó khăn và tiếp tục phải lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2023 do những vướng mắc trong thủ tục pháp lý. Trong thời gian qua dự án gặp nhiều vướng mắc, nhiều hạng mục thi công bị chậm so với kế hoạch đề ra. Do đó để đạt mục tiêu hoàn thành dự án metro số 1 vào cuối năm 2023, MAUR đang cùng các nhà thầu tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hợp đồng, giải ngân, phối hợp giữa các nhà thầu, cải tiến quy trình và thực sự khẩn trương hơn trong năm 2022. Hiện các rào cản đã được tháo gỡ, dự án này được kỳ vọng sẽ có sự bứt tốc và hoàn thành mục tiêu "về đích" trong năm 2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang