Thúc đẩy doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam

Thứ Hai, 12/12/2022 08:02

|

(CAO) Thủ tướng đề nghị VNO-NCW tiếp tục đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng xanh, sạch, nông nghiệp bền vững, cơ sở hạ tầng, logistics...

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 11/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan; thăm Tập đoàn Heineken Global ở thành phố Amsterdam và tọa đàm với một số doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan.

Tiếp Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan (VNO-NCW) Ingrid Thijssen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng bà được bầu vào vị trí người đứng đầu VNO-NCW.

VNO-NCW là hiệp hội các lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất Hà Lan, đại diện cho khoảng 160 hiệp hội và 115.000 doanh nghiệp thành viên, gồm hơn 80% doanh nghiệp quy mô vừa của Hà Lan và đa số các tập đoàn lớn.

Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan đánh giá các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam; đề nghị thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Hà Lan và Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như logistics, nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm, cảng biển...

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan Ingri Thijssen. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của VNO-NCW trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn Hà Lan đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam thời gian qua.

Đến nay, Hà Lan là nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) lớn nhất tại Việt Nam và đứng thứ 8/141 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 409 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13,7 tỷ USD.

Theo Thủ tướng, là quốc gia có hệ thống logistics phát triển hàng đầu thế giới, Hà Lan có vai trò quan trọng, vừa là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, vừa là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác kinh tế.

Thủ tướng đề nghị VNO-NCW tiếp tục đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng xanh, sạch, nông nghiệp bền vững, cơ sở hạ tầng, logistics... có giá trị gia tăng cao, độ lan tỏa lớn và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Đây cũng là những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư.

Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ để các doanh nghiệp Hà Lan tin tưởng, đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Thăm Tập đoàn Heineken Global ở thành phố Amsterdam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken Toàn cầu.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo Heineken Global đã báo cáo tình hình đầu tư kinh doanh và kế hoạch phát triển của tập đoàn tại Việt Nam. Đến nay, đầu tư của Heineken vào Việt Nam đạt 1 tỷ USD và trong vòng 10 năm tới, dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu USD.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động hợp tác, kinh doanh hiệu quả của liên doanh Heineken-SATRA tại Việt Nam trong hơn 30 năm qua; hoan nghênh chiến lược phát triển bền vững, áp dụng kinh tế tuần hoàn vào mô hình kinh doanh của Heineken tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp phát triển xanh, giảm tối đa tiêu hao nước, năng lượng, đẩy mạnh tái chế rác thải; đề nghị Heineken tiếp tục sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, bền vững, trong quá trình đầu tư, kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với một số doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tọa đàm, giải đáp các băn khoăn của một số doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan.

Tại cuộc tọa đàm, hai bên đã trao đổi những suy nghĩ, ý kiến thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay, ý tưởng, sáng kiến đột phá, những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-đầu tư giữa hai nước.

Ông Dolf van den Brink - Tổng Giám đốc Heineken Toàn cầu - nhận định Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, và là một quốc gia tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực này; gần đây, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông khẳng định mong muốn đóng góp tích cực trong lĩnh vực này, đồng thời đề nghị thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp, đề xuất một số nội dung liên quan điện mặt trời…

Lãnh đạo Tập đoàn hàng hải Boskalis cho rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hải hàng đầu thế giới, đề nghị nghiên cứu thiết lập khuôn khổ pháp lý về khai thác cát trên biển bền vững. Boskalis có thể hỗ trợ tư vấn chính sách trong lĩnh vực này.

Ông Arnout Damen, Giám đốc điều hành Damen Shipyards Gorinchem công bố dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam, đồng thời mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon. Ông cũng đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Maarten de Vries - Giám đốc tập đoàn sơn AkzoNobel - đề cập vấn đề sở hữu trí tuệ và việc đầu tư cho lĩnh vực logistics, đồng thời cho biết sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trả lời ý kiến của các doanh nghiệp Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phải thực hiện đồng thời các biện pháp như giảm phát thải khí nhà kính, khí metal trong nông nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch như Mặt Trời, gió… Trong quá trình này, phải có hợp tác toàn cầu, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đồng thời lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.

Về chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Là một nước đang phát triển, kinh tế đang chuyển đổi, nhưng phải làm những công việc như các nước phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nên Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận công bằng, công lý, với sự hỗ trợ của các nước phát triển. Trong phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Mặt khác, việc phát triển điện phải tính toán tổng thể cả 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phải phù hợp. Muốn giá điện giảm, thì một yếu tố rất quan trọng là chi phí vốn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế cho Việt Nam vay vốn phát triển năng lượng tái tạo với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền công nghiệp năng lượng sạch.

Thủ tướng cũng nêu định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó có công tác quản lý nguồn nước bền vững.

Theo ông, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam bảo đảm được cân đối lớn về lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát được lạm phát, đồng thời xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo và khoảng 50 tỷ USD nông sản trong năm nay.

Thủ tướng cho biết với bờ biển dài 3.260km, Việt Nam mong muốn hợp tác với Hà Lan xây dựng các cảng biển, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Đồng thời, với lưu lượng hàng hóa lớn qua đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông, Việt Nam nhất quán quan điểm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặt khác, hoạt động khai thác cát và các tài nguyên biển phải bảo đảm phát triển bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ Việt Nam hoan nghênh cơ chế mua bán điện trực tiếp theo tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy cơ chế này, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái…

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài với các chính sách cụ thể; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam có thể “đặt hàng” với các trường đại học của Việt Nam về đào tạo nhân lực.

Thủ tướng cũng thông tin tới các nhà đầu tư về chính sách chống chuyển giá, tránh đánh thuế hai lần, bảo hộ sở hữu trí tuệ… và đề nghị các nhà đầu tư đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực này.

Nhân dịp này, Thủ tướng thông báo cho các doanh nghiệp Hà Lan về định hướng đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan chủ yếu từ quan hệ đối tác phát triển thời gian qua sang hợp tác cùng có lợi trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Tòa Trọng tài thường trực

Nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 11/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Trụ sở chính của Toà Trọng tài thường trực (PCA) tại Cung điện Hòa bình, thủ đô La Hay (Hà Lan) và gặp tiến sỹ Marcin Czepelak - Tổng Thư ký PCA.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Tòa Trọng tài và gặp lại tiến sỹ Czepelak sau chuyến thăm của Tổng Thư ký đến Hà Nội cách đây không lâu.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài, hòa giải quốc tế; nhấn mạnh sự hiện diện của PCA tại Hà Nội thông qua Văn phòng đại diện là bước đi có ý nghĩa, thể hiện thông điệp của Việt Nam về ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực Marcin Czepelak. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tổng Thư ký Czepelak cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian đến thăm và làm việc với PCA tại Cung điện Hòa bình, cũng như cảm ơn sự đón tiếp thân tình của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Tổng Thư ký Czepelak bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, khẳng định tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”; đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế, với tinh thần tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh chấp quốc tế với các đối tác nước ngoài tại các cơ quan trung gian, hòa giải và trọng tài quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Thủ tướng đề nghị PCA thông qua Văn phòng đại diện tại Hà Nội tích cực hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam về kinh nghiệm ứng xử với các vấn đề về lãnh thổ, kinh tế, thương mại…; đồng thời đề nghị PCA tạo điều kiện tiếp nhận người Việt Nam vào làm việc tại PCA.

Tổng Thư ký Czepelak cảm ơn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ PCA mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội, thể hiện sự tin tưởng của Việt Nam đối với PCA.

Ông khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực; thông báo PCA đang tuyển dụng chuyên gia Việt Nam cho hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế-đầu tư.

PCA đã hỗ trợ giải quyết hơn 200 tranh chấp quốc tế trên những lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, phân định biển, kinh tế-đầu tư; trong đó, hơn 40% số vụ việc do PCA thụ lý hiện nay liên quan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

PCA hiện đặt trụ sở chính tại Cung điện Hòa bình, thủ đô La Hay của Hà Lan, và 5 văn phòng đại diện tại Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, Vienna (Áo) và Hà Nội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang