Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên: Sắp chạy thử nghiệm đoạn trên cao

Thứ Tư, 23/03/2022 09:55  | Nam Anh

|

(CATP) Sau hơn 2 năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như vướng mắc về tài chính do giải ngân chậm, khiến nhà thầu gặp không ít khó khăn khi thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự kiến đến tháng 8-2022 đưa vào chạy thử tuyến đường sắt trên cao (đoạn từ ga Bình Thái đến Suối Tiên) và cuối năm 2022 chạy thử trên toàn tuyến; năm 2023 sẽ đưa vào khai thác thương mại với giá vé từ 9 - 30 ngàn đồng.

Đã hoàn thiện 95% khối lượng

Những ngày cuối tháng 3-2022, tất cả các gói thầu xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang đi vào công đoạn hoàn thiện. Trong đó có những gói thầu đã hoàn thành 99% khối lượng công việc. Trong những ngày này, trên công trường có hàng nghìn kỹ sư, công nhân cùng với những máy móc hiện đại được đưa từ Nhật Bản qua.

Kỹ sư Hà Văn Hiệp cho biết, tính đến nay gói thầu 1b đã hoàn thiện 99,5% khối lượng công việc. Nếu nhà ga Trung tâm Bến Thành là nơi giao thoa của tất cả các tuyến metro trên địa bàn TPHCM, thì ga Nhà hát TP được xem là bộ não của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Nơi đây đã được lắp đặt và hoàn thiện tất cả các thiết bị hiện đại để điều tiết mọi hoạt động của các chuyến tầu trên toàn tuyến.

Trong khi đó, gói thầu 1a từ Trung tâm phía trước chợ Bến Thành kéo dài đến Nhà hát TP (được triển khai năm 2016) cũng đã hoàn thiện 97% khối lượng công việc. Theo thiết kế, tuyến đường Lê Lợi qua 6 năm thi công đã bịt kín, đến nay các nhà thầu đang hối hả tái lập mặt bằng để hoàn trả lại mặt bằng. Những ngày cuối tháng 3-2022, nhiều xe ben hạng nặng chở đầy cát nối đuôi nhau vào công trình để thiết lập mặt bằng. Phía công trường là những chiếc máy ủi, máy lu, máy nén cùng các công nhân bơm nước hối hả làm việc.

Ông Lê Hòa Bình thăm hỏi công nhân

Anh Trần Văn Quyền, kỹ sư hiện trường cho biết, sau khi san lấp mặt bằng xong, nhà thầu sẽ tháo bỏ hàng rào tôn, đoạn đào hở trên đường Lê Lợi dài khoảng 511m và được tiến hành tái thiết kế cảnh quan, trả lại mặt bằng cho TP để người dân đi lại thuận tiện. Theo quan sát của chúng tôi, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn trả lại mặt bằng ở các khu vực như: trước chợ Bến Thành, Công viên 23-9, đường Lê Lợi. Dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao lại cho TP vào giữa năm 2022.

Trong khi đó, phía dưới các tầng hầm của gói thầu 1a, hàng trăm kỹ sư và công nhân đang làm việc. Tại Nhà ga Bến Thành có nhiều hạng mục đã hoàn thành. Theo quan sát của chúng tôi, các nhà thầu đang gấp rút thi công hoàn thiện các hạng mục như: cơ điện và kiến trúc, phấn đấu 2 hạng mục này hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư vào giữa năm. Hiện nay, tổng thể nhà ga đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện các lối ra-vào.

Mới đây, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - Lê Hòa Bình có chuyến thăm động viên các kỹ sư, công nhân đang làm việc tại dự án. Ông đã đến bắt tay, thăm hỏi động viên nhiều công nhân nỗ lực không ngừng nghỉ để dự án sớm đi vào hoạt động. Phó chủ tịch cho biết, Chính phủ cũng như lãnh đạo TPHCM rất quan tâm đến dự án đặc biệt quan trọng này. Hai tuần một lần, thành phố lại tổ chức họp định kỳ để đôn đốc tiến độ cũng như giải quyết các vướng mắc, khó khăn để dự án sớm về đích.

Tại 2 gói thầu 1a và 1b tuyến Metro số 1, đoạn từ ga trung tâm Bến Thành kéo dài đến ga Ba Son nằm sát bờ sông Sài Gòn (dài 2,6km), được kết nối ngầm đi trong lòng đất đã hoàn thiện các thanh ray, đèn chiếu sáng đã được hoàn chỉnh chỉ chờ tới ngày các chuyến tàu hoạt động. Theo thiết kế, tàu đi trong hầm sẽ đạt vận tốc là 80-120km/giờ. Kết cấu vỏ hầm ngầm đoạn đường Lê Lợi rộng 12,3m, gồm 2 làn tàu chạy, chiều cao khoảng 6m mỗi làn, ở giữa là vách ngăn được đổ bê tông dày 1m.

Toàn bộ ga ngầm gồm 4 tầng ngầm. Tầng B1 là nơi lắp đặt các trang thiết bị phục vụ hành khách gồm sảnh đợi, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh. Từ tầng B1 hành khách sẽ di chuyển thông tới tầng B2 và B4, cả 2 tầng này là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Tầng B3 được thiết kế là tầng kỹ thuật. Với việc thiết kế hoàn chỉnh, thuận lợi cho hành khách, đặc biệt có vạch kẻ nổi dành cho người khiếm thị. Ngoài ra, tại các ga ngầm còn được thiết kế, lắp đặt thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng.

Chạy thử nghiệm trước ngày 31-12

Tính đến nay, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đã nhập khẩu được 13/17 đoàn tàu do phía đối tác Nhật Bản sản xuất được đưa về Depot Long Bình để vận hành thử. Theo thiết kế, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa, ráp hoàn chỉnh dài 61,5m, có sức chở tổng cộng 930 hành khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng. Đoàn tàu được thiết kế có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điều khiển chạy tàu thông qua vô tuyến, hệ thống vận hành tàu tự động, trên toàn tuyến có hệ thống theo dõi chạy tàu tự động. Tốc độ di chuyển đoạn trên cao đạt 110km/giờ, đoạn ngầm đạt 80km/giờ.

Các đoàn tàu được tập trung tại Depot Long Bình

MAUR cũng đang đề xuất giá vé mỗi lượt từ 9.000-23.000đ (tính theo cự ly chuyến đi) cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, giá vé tháng là 320.000 đồng, vé 1 ngày 46.000 đồng, vé 3 ngày 104.000 đồng. Nếu hành khách có nhu cầu đi lại nhiều có thể mua vé 320.000 đồng/tháng. Đối với học sinh - sinh viên được giảm 50%, còn 160.000 đồng/tháng. Tuyến metro số 1 cũng ưu đãi và không thu vé cho một số đối tượng như: người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 70 tuổi và người có công với cách mạng.

Ông Bùi Xuân Cường - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, năm 2022 sẽ là năm bản lề của dự án metro số 1, trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại vào năm 2023. Hiện nay MAUR đang phối hợp cùng các nhà thầu phấn đấu thi công những công đoạn cuối cùng cũng như khôi phục, tái thiết lại mặt bằng, thiết kế cảnh quan và bàn giao ở khu vực trung tâm TP. Phấn đấu vào tháng 8-2022, sẽ tiến hành chạy thử nghiệm đoạn đường sắt trên cao từ Depot Long Bình - ga Bình Thái và phấn đấu chạy thử nghiệm trên toàn tuyến trước ngày 31-12-2022. Năm 2023 sẽ đưa dự án vào vận hành thương mại.

Theo ông Cường, song song với việc đẩy nhanh tiến độ của dự án cũng như việc hoàn thiện công trình, sớm đưa dự án vào hoạt động, MAUR đã có báo cáo gửi HĐND TPHCM để đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường kết nối xe buýt đi vào các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự án kết nối có tổng mức đầu tư hơn 118,5 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ 2022-2024.

Nếu dự án sớm được thông qua và chấp thuận sẽ giúp người dân TP dễ dàng tiếp cận các nhà ga một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn.

Các chuyên gia Viện Quy hoạch Đô thị cho rằng, việc kết nối các nhà ga của tuyến metro số 1 với các tuyến buýt sẽ tạo ra một hệ thống giao thông công cộng liên hoàn giữa đường bộ và đường sắt.

Theo đó, TPHCM cần tập trung nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng, ưu tiên mở rộng mạng lưới xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông và điều chỉnh, bổ sung lộ trình các tuyến xe buýt trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến metro số 1.

Nếu đề xuất này sớm được chấp thuận sẽ giúp cải thiện tính cơ động, khả năng tiếp cận, qua đó sẽ thu hút được rất nhiều hành khách đến với tuyến metro số 1.

Bình luận (0)

Lên đầu trang