Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên gặp sự cố gối cao su dầm cầu rơi khỏi vị trí

Thứ Tư, 11/11/2020 22:08

|

(CAO) Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh, sự cố này có nhiều khả năng sẽ làm suy giảm chất lượng công trình, cụ thể có thể gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm do ứng suất tập trung trong quá trình va đập giữa dầm và đá kê gối.

Liên quan đến sự cố gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối, chiều 11/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh (MAUR) cùng các đơn vị hữu quan đã đi kiểm tra hiện trường tại trụ P14-10, thuộc đoạn cầu cạn VD14 gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) của dự án.

Ông Shigeki Ihara, Giám đốc dự án Liên danh Sumitomo-Scienco 6 (phụ trách gói thầu CP2) cho biết dự kiến mất khoảng một tháng để tìm ra nguyên nhân chính xác của sự cố. Tổng thầu cũng đã rà soát tất cả các gối cầu thuộc gói CP2 và đều ổn định, chỉ trụ P14-10 là nơi xảy ra sự cố cục bộ.

Sau khi tìm ra nguyên nhân chính thức, các biện pháp khắc phục sẽ được thông qua các cơ quan có thẩm quyền đánh giá và quyết định để thực hiện, không ảnh hưởng tiến độ tổng thể của dự án.

Nhà thầu đã đặt gối dầm cầu mới thay phần đã bị rơi ra ngoài, giữ kết cấu dầm cầu ổn định, sau đó mới có thể kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật và xác định nguyên nhân

Tại hiện trường, khu vực xảy ra sự cố đã được nhà thầu tiến hành rào chắn và thực hiện một số biện pháp khắc phục cơ bản như đặt gối cao su mới nhằm giữ ổn định cho dầm cầu. Một số vị trí trên bề mặt bêtông đệm đường ray còn các vết nứt nhỏ. Thanh ray đã được cố định để tránh việc trượt ra ngoài giá đỡ gây ảnh hưởng đến các kết cấu hạ tầng bê tông xung quanh.

Ông Hoàng Mai Tùng, Kỹ sư điều phối dự án (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố) cho biết hiện sự cố được xử lý tạm bằng việc đặt gối dầm cầu mới thay phần đã bị rơi ra ngoài. Việc này để giữ kết cấu dầm cầu ổn định, sau đó mới có thể kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật và xác định nguyên nhân. Song song quá trình này, việc thi công ở các hạng mục khác vẫn tiếp tục đẩy nhanh để bám tiến độ chung của dự án.

Theo ông Tùng, Ban quản lý đường sắt đô thị đã yêu cầu tất cả các nhà thầu rà soát, kiểm tra chất lượng các công trình sau khi xảy ra sự cố tại trụ P14-10, thuộc đoạn cầu cạn VD14 của gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot).

Sự cố này xảy ra trong phạm vi công trình đang thi công, chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Do đó, Liên danh Sumitomo-Cienco 6 hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chất lượng công trình cũng như thực hiện các biện pháp kiểm tra, khắc phục, sửa chữa tại vị trí cầu cạn VD14 của dự án.

Trước đó, qua công tác kiểm tra hiện trường thường xuyên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh phát hiện một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định, rơi khỏi đá kê gối (dầm cầu này đã thi công vào năm 2016). Sự cố làm hư hỏng thanh ray đã lắp đặt bên trên; các thanh ray bị nhổ khỏi các bulông liên kết với hệ đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh, sự cố này có nhiều khả năng sẽ làm suy giảm chất lượng công trình, cụ thể có thể gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm do ứng suất tập trung trong quá trình va đập giữa dầm và đá kê gối. Cả đoạn dầm hoàn thiện sẽ chịu sự uốn xoắn bởi lực phân bổ không đều khi gối cao su rơi ra ngoài, dẫn đến bản đáy, thành dầm chữ U bị nứt, giảm khả năng chịu lực và ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình và nguy cơ mất an toàn chạy tàu tương lai khi tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên được đưa vào khai thác, sử dụng.

Gối cầu là bộ phận nối từ nhịp cầu xuống mố trụ, có tác dụng như tấm đệm chịu tải và giảm lực của kết cấu nhịp truyền xuống mố trụ. Tùy công trình, gối cầu có nhiều loại và thiết kế khác nhau, có thể bằng thép hoặc đàn hồi như cao su, cao su bản thép...

Bình luận (0)

Lên đầu trang