(CAO) Chỉ vì ra làm chứng mà các đối tượng là người trong cùng dòng họ (đều là người dân tộc Mông) đã ra tay sát hại 2 người một cách tàn nhẫn. Vụ án đặt ra vấn đề cần có giải pháp bảo vệ an toàn cho những người làm chứng.
Giết người vì ra làm chứng
Vụ việc đau lòng xảy ra tại một tỉnh Hà Giang, đối tượng giết người và nạn nhân đều là người trong dòng tộc, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong một vụ án dân sự tranh chấp đất đai mà nạn nhân là những người làm chứng. Do những người làm chứng khai báo trước tòa gây bất lợi cho gia đình đối tượng nên 5 cha con thù tức và lên kế hoạch trả thù.
Chủ mưu Giang Chan Diu
Ngày 5-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 5 đối tượng, gồm: Giàng Chẩn Diu (SN 1969, ở thị trấn Cốc Pài, tỉnh Hà Giang) và các con Giàng Seo Chớ (24 tuổi), Giàng Seo Sèng (SN 1993), Giàng Seo Phàng (SN 1998) và Giàng Seo Phong (SN 2003) để điều tra về vụ án mạng khiến 2 người chết ở huyện Xín Mần. Hai nạn nhân trong vụ án là chú cháu Thào Seo Sáng (59 tuổi) và Thào Seo Sì (30 tuổi, đều trú tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần).
Hành vi của 5 đối tượng là người một nhà trong vụ án này rất manh động, liều lĩnh và có chủ đích từ trước, các đối tượng giết người, dựng hiện trường giả để qua mặt cơ quan chức năng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là hành vi hết sức manh động, với động cơ đê hèn, giết nhiều người, thủ đoạn xóa dấu vết, dựng hiện trường giả để đánh lạc hướng cơ quan điều tra nên các đối tượng này sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: vì động cơ đê hèn, giết từ hai người trở lên nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt là: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường, nhấn mạnh: Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối thì sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình; các đối tượng khác có vai trò thứ yếu, giúp sức lại cùng trong một gia đình, nếu thành khẩn khai báo ăn năn hối cải thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ngoài việc phải chịu chế tài của pháp luật hình sự thì gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu các đối tượng phạm tội trong vụ án này phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại bao gồm tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương và khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu.
LS Đặng Văn Cường
Cũng theo luật sư Cường: Trong vụ án này, điều đáng chú ý hành vi gây án rất tàn nhẫn thể hiện sự coi thường pháp luật dẫn đến hậu quả hai nạn nhân tử vong. Với kinh nghiệm bào chữa nhiều vụ án, luật sư Cường cho hay, chưa có vụ án nào mà cả 5 đối tượng giết người đều là bố con, anh em trong một nhà và cũng chưa có vụ án nào mà người làm chứng trong vụ án dân sự mà lại bị sát hại tàn nhẫn như thế. B
ởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi, động cơ, mục đích và hậu quả để có kiến nghị xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Đây cũng là bài học cho những đối tượng coi thường pháp luật, coi nhẹ mạng sống của người khác, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho cơ quan chức năng trong việc bảo vệ nhân chứng trong các vụ án dân sự, hình sự.
Từ vụ án trên, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, người làm chứng (nhân chứng) được pháp luật bảo vệ, hành vi dụ dỗ, ép buộc, đe dọa nhân chứng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Vì vậy, các địa phương cần có những giải pháp an toàn cho những người làm chứng, có cơ chế để bảo vệ họ, tránh việc họ bị trả thù như vụ án này để đảm bảo vụ việc được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Qua vụ án này cũng cho thấy mức độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của một số người dân còn rất hạn chế. Chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, ích kỷ mà có thể sát hại nhiều người. Do nhận thức hạn chế nên các đối tượng trong vụ án này ngây thơ cho rằng, có thể dựng hiện trường giả để qua mặt được cơ quan điều tra...