Đề cập đến 3 đột phá chiến lược được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định, đây là các khâu rất quan trọng, trong đó, đột phá thể chế là cần thay đổi tư duy, cách xây dựng thể chế.
“Thời gian vừa qua đã ban hành rất nhiều nhưng tính ổn định có vấn đề, thường xuyên phải sửa đổi. Luật chồng chéo, luật sau phải sửa nhiều luật” – ông Ngân phản ánh.
Đại biểu Ngân cũng chỉ ra các khâu làm luật của Quốc hội bị dựa quá nhiều vào Chính phủ. Nhìn nhận Quốc hội còn thiếu đầu tư cho công việc này, đại biểu Ngân yêu cầu cơ quan lập pháp cần có những ban soạn thảo luật, tăng đại biểu chuyên trách, thêm cơ chế mời chuyên gia, loại bỏ lợi ích nhóm trong làm luật thì mới thay đổi, thực sự tạo đột phá trong thể chế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM)
“Nếu chúng ta giải quyết được bài toán thể chế và luật pháp thì sẽ giải quyết đc rất nhiều vấn đề” – ông Ngân nhìn nhận.
Với đột phá về hạ tầng, đại biểu Ngân đồng ý với dự thảo đây không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là hạ tầng về xã hội, hạ tầng về công nghệ thông tin, trong đó nhấn mạnh đến những khu vực trọng điểm, những động lực phát triển kinh tế.
Chung mối quan tâm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) lưu ý, nhiệm kỳ qua cả Quốc hội đã nỗ lực thực hiện hoàn thiện thể chế với số lượng văn bản luật rất lớn được thông qua, song đại biểu bày tỏ sự đồng tình với đánh giá trong dự thảo văn kiện “chất lượng thể chế còn hạn chế”.
Dù vậy, đại biểu Lượng cũng cho biết còn băn khoăn ở khâu tổ chức thực hiện. “Nhiều quy định rất tốt nhưng không đảm bảo kỷ cương, nhiều việc dân cũng thấy cần xử lý nghiêm minh nhưng thực tế lại bị bỏ qua” – đại biểu Lượng phản ánh.
Do đó, đại biểu cho rằng, việc tuân thủ pháp luật cũng là một khâu yếu. Nếu không tăng cường áp dụng, thi hành pháp luật thì khó đạt mục tiêu xây dựng nền pháp quyền.
Bàn về Nhà nước pháp quyền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, trước giờ chúng ta hay nói lập pháp, hành pháp, tư pháp phân công phối hợp. Điểm mới tại dự thảo lần này, theo ông Nghĩa, là đã nói rõ tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
“Như thế thì phải làm rõ dân giám sát, phải làm sao ra được cơ chế dân chủ trực tiếp chứ không phải dân chủ đại diện” – ông Nghĩa nêu quan điểm.
Vừa rồi có ý kiến cần đi theo cơ chế phân quyền, nhưng theo ông Nghĩa, cần xác định phân công phối hợp nhưng có kiểm soát quyền lực, và như thế là phải có cơ chế để dân giám sát, có thể qua Mặt trận tổ quốc, qua Quốc hội…
“Tôi thấy nên bớt các đại biểu hành pháp trong Quốc hội, kể cả bên tư pháp cũng nên bớt tham gia, thì khi đó sẽ bớt xung đột lợi ích ngành” – ông Nghĩa nói.
Cũng nhìn nhận kiểm soát quyền lực là việc rất quan trọng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho đây là nguyên tắc rường cột của nhà nước pháp quyền.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
“Quốc hội có quyền giám sát đảng, vậy cơ chế nào để cơ quan dân cử giám sát?” – đại biểu Nhưỡng nêu câu hỏi.
Theo ông Nhưỡng, nhiều địa phương cán bộ cường hào, từ ăn mặc đến lời nói đều phản cảm. “Cán bộ tiếp dân chỉ tay chỉ mặt, nói 1 đằng làm 1 nẻo” – ông Nhưỡng phản ánh.
Đại biểu của Bến Tre cho rằng, cán bộ phải giữ được danh dự của mình, cũng là giữ danh dự cho đảng, vì thế, văn kiện cần bổ sung giải pháp để củng cố và nâng cao lòng tin của dân, công tác dân vận phải rõ ràng, không mị dân, lừa dân.
“Đêm qua tôi nghĩ vì sao ở Nhật, võ sĩ đạo được dân tôn như thánh, vì họ sẵn sàng chứng minh sự trong sạch bằng cái chết” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm.
Liên hệ với các đảng viên trong Đảng, ông Nhưỡng cho rằng đảng viên cũng phải có lòng dũng cảm, không dám bỏ ghế khi đã sai lầm, không sẵn sàng tự xử thì dân khó tin.
“Thủ tướng vừa rồi đã nhận câu chất vấn về văn hoá từ chức nhưng ít cán bộ của chúng mình làm được điều ấy” - ông Nhưỡng bình luận và cho biết ông rất tâm đắc với quy định "giám sát ngược" được nêu tại báo cáo xây dựng đảng, đó là thực hiện hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận với Đảng và nhà nước, tránh sự bao che, bè phái.
Bên cạnh đó có quy định tăng cường giám sát của Đảng với cán bộ nhà nước, hai chiều giám sát ngược - xuôi rất thú vị. Nhưng phải cụ thể hoá thành nghị quyết riêng, thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật chứ chỉ có cơ chế chính trị mà không có thể chế pháp lý thì không phát huy hiệu quả - ông Nhưỡng góp ý.