Đã đến lúc cần xử lý hình sự người sử dụng giấy tờ giả

Thứ Hai, 09/11/2020 22:10

|

(CAO) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng hiện nay.

Gửi tới Bộ trưởng Tô Lâm câu hỏi chất vấn vào chiều nay (9/11), đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TPHCM) phản ánh tình trạng giả mạo hiện tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là giả mạo giấy tờ, hồ sơ bệnh án...

"Hiện nay, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội" - bà Thuận nhận định và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp đang thực hiện, có hiệu quả hay không và cần có những giải pháp nào khác không để ngăn chặn cũng như hạn chế tình trạng này?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TPHCM) nêu câu hỏi

Hồi đáp đến đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm sản xuất, đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả có quy mô rất lớn, có vụ thu đến 1.500 mẫu dấu và công cụ, máy móc phục vụ làm con dấu giả, giấy tờ giả.

“Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể thực hiện hầu hết công đoạn làm giấy tờ, chứng chỉ giả, từ chế tạo phôi bằng, con dấu trên tài liệu...” - Bộ trưởng phản ánh và thông tin thêm, các đối tượng sẵn sàng làm giả tất cả loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe giả.

Phân loại đối tượng này, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra 2 nhóm: làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo và làm giấy tờ, chứng chỉ giả phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá cán bộ.

“Ngay trong đội ngũ cán bộ nhiều người sử dụng giấy tờ giả” – Bộ trưởng nói.

Giải pháp ngăn chặn thực trạng trên, theo người đứng đầu ngành công an, là cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cơ quan chức năng và người dân về phương thức mua bán giấy tờ. Ông cũng đề nghị tiến hành rà soát việc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả và xử lý nghiêm.

“Trước nay việc xử lý người sử dụng giấy tờ giả chỉ nặng về xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự, nhưng đã đến lúc cần xử lý hình sự” - Bộ trưởng Công an nhìn nhận và dẫn chứng việc dùng giấy phép lái xe giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn chiều 9/11

Cũng tại phiên họp, đề cập đến tội  phạm tín dụng đen được đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, những năm 2018-2019, các lực lượng chức năng thuộc Bộ đã trấn áp rất mạnh các đối tượng liên quan đến tín dụng đen và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Cho đến nay, loại tội phạm này đã được kiềm chế, nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng” - Bộ trưởng nhận định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hoạt động cho vay qua mạng intertnet vẫn tiềm ẩn và nhu cầu tín dụng đen còn nhiều nên loại tội phạm này vẫn còn “đất” hoạt động.

Để ngăn chặn, Bộ trưởng nhấn mạnh cần duy trì khí thế tấn công mạnh như vừa qua đã triển khai, đồng thời thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng phân công trách nhiệm cụ thể từng ngành xử lý tín dụng đen.

Phân tích cụ thể, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương có hướng giải quyết những khó khăn liên quan để xử lý tội phạm tín dụng đen.

"Vì phạm vi giữa dân sự và hình sự khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lại thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý giữa bên vay và cho vay nên trong xử lý cũng có khó khăn, vướng mắc. Đi quá phạm vi việc đó, có dấu hiệu lừa đảo hoặc mức lãi mới thuộc phạm vi hình sự” – Bộ trưởng chỉ ra.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, đại tướng Tô Lâm kiến nghị cần đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, siết chặt quản lý tín dụng, không để đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen.

Ông cũng đề cập đến việc cần xây dựng hành lang pháp lý để quản lý tín dụng cho vay qua internet...

Bình luận (0)

Lên đầu trang