Chuyện đầu tuần:

Xây dựng TPHCM dựa vào công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Thứ Hai, 09/11/2020 10:17

|

(CATP) Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo TPHCM năm 2020 vừa diễn ra tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số: Nền tảng và giá trị mới". Sự kiện này đánh dấu một bước tiến trong quá trình xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo và số hóa không gian giao tiếp trên địa bàn thành phố.

Ứng dụng các thành tựu của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày được coi là giải pháp chủ yếu cho bài toán phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong thời gian tới. Để hoàn thiện nội dung và triển khai giải pháp này, thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn Chương trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020 - 2030.

Thành phố hiện đang chậm chân so với các đô thị ở các nước tiên tiến, thậm chí so với các đô thị ở một số nước có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam, về phương diện ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong đời sống kinh tế, dân sự. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi toàn thế giới, khiến việc giao tiếp theo các phương thức truyền thống gặp trở ngại, các nước càng đẩy nhanh việc khai thác các kênh giao tiếp dựa vào công nghệ số. Thách thức đuổi kịp các đô thị khác trên thế giới về phương diện hiện đại hóa hạ tầng phục vụ giao dịch trong đời sống dân sự và kinh tế ngày càng lớn đối với TPHCM. Cần tăng tốc để không bị bỏ lại phía sau.

Trước hết, cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ số. Có chính sách khuyến khích người trẻ có thiên hướng, kỹ năng để học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực này, cũng như để khởi nghiệp hoặc mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp: cấp học bổng; cấp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc triển khai dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, với điều kiện lãi suất và hoàn trả vốn ưu đãi; lập các giải thưởng để tôn vinh những tài năng, kích thích và lan tỏa phong trào nghiên cứu, sáng tạo...

Cũng cần đầu tư để hiện đại hóa hạ tầng của một thành phố thông minh và sáng tạo. Làm thế nào để việc giao dịch có thể được thực hiện ở bất kỳ nơi nào và vào bất kỳ lúc nào, khi chủ thể giao dịch cần, mà không phải di chuyển, cũng không gây phiền hà cho người khác. Có thể hình dung: ngoài giờ làm việc, khi cần hỏi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, người dân gọi điện vào số máy cần thiết và trí tuệ nhân tạo trả lời đầy đủ, thỏa đáng tất cả các câu hỏi đặt ra, như thể người dân đang giao tiếp với viên chức phụ trách bằng xương bằng thịt. Đứng trước trạm xe buýt, muốn tìm hiểu hành trình đến một địa điểm nào đó thì chỉ cần thực hiện vài thao tác trên màn hình điện thoại, sẽ có đầy đủ thông tin, chỉ dẫn cần thiết. Muốn khai thuế, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký hộ tịch... chỉ cần sử dụng một ứng dụng trên điện thoại hoặc máy vi tính.

Ngoài ra, cần tổ chức việc phổ cập kiến thức về công nghệ số cho người dân. Mở những lớp học miễn phí để người dân được trang bị hiểu biết về công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Lắp đặt những thiết bị chỉ dẫn về cách thức truy cập, tương tác với các ứng dụng công nghệ số ở những nơi công cộng. Chế tạo các ứng dụng dành riêng cho người khuyết tật... Nói chung, phải làm thế nào để tất cả mọi người, dù ở hoàn cảnh, điều kiện nào cũng đều có thể tương tác trong không gian số để thỏa mãn các nhu cầu của mình mà không gặp trở ngại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang