(CAO) Ngay trong tuần này Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ trình về thẩm quyền ban hành. Chắc chắn trong năm nay, Bộ quy tắc này sẽ được ban hành chính thức.
Tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề đã được các đại biểu tiếp tục đặt ra với các thành viên Chính phủ trong phiên họp toàn thể sáng nay (9/11).
Đề cập đến Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khi nào sẽ ban hành Bộ quy tắc này? Vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được Bộ quan tâm lồng ghép thoả đáng vào Bộ quy tắc ứng xử này chưa?
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trang (Nghệ An)
Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4-2020, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không mạng.
“Chính phủ đã họp xem xét, hiện đang cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành. Ngay trong tuần này Bộ sẽ trình về thẩm quyền ban hànhvà chắc chắn trong năm nay, Bộ quy tắc này sẽ được ban hành chính thức” – Bộ trưởng Hùng khẳng định.
Vẫn theo Bộ trưởng Hùng, về yêu cầu bảo vệ trẻ em, nội dung Bộ Quy tắc ứng xử đã nêu rõ nhà cung cấp và người sử dụng mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền trẻ em, phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, Bộ TTTT đã chủ trì xây dựng Đề án hướng dẫn trẻ em tương tác sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng 2020-2025, theo đó sẽ tạo đầu mối duy nhất tiếp nhận phản ánh vi phạm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm, ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng đề án trang bị bộ kỹ năng số cơ bản để trẻ em tự bảo vệ mình, nhận diện nguy cơ và có hành động thích hợp. Hiện Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về việc thực hiện Đề án chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Đề án đặc biệt ưu tiên vùng khó khăn. Cụ thể, theo Bộ trưởng, về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phủ sóng từ 3G-5G và nâng cấp hạ tầng thanh toán điện tử, cho thí điểm “phủ” mobile banking để bà con vùng sâu vùng xa dù không có thẻ ngân hàng cũng tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đại biểu
“Chúng tôi cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất để bán điện thoại thông minh với giá hỗ trợ 600.000 - 700.000 đồng. Định hướng chuyển đổi số cho khu vực nông thôn là ưu tiên giáo dục trực tuyến; y tế, thương mại điện tử và thí điểm phát triển mô hình xã thông minh, cuối 2020 sẽ sơ kết, nhân rộng” – ông Hùng nói.
Về đề án chuyển đổi số quốc gia được đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, các cơ quan đã và đang triển khai quyết liệt gồm công tác lập kế hoạch, nâng cao nhận thức, tạo ra nền tảng chuyển đổi số.
Theo ông Hùng, trong tháng 6/2020, Bộ TTTT ban hành khung về chuyển đổi số. Dựa trên khung này, các địa phưng xây dựng đề án chuyển đổi số riêng. Đến nay có 20 bộ ngành, địa phương ban hành chương trình chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành cẩm nang về chuyển đổi số, giúp nâng cao nhận thức; thí điểm xã thông minh ở một số địa phương để nhân rộng, đơn cử tại một xã ở Bắc Cạn, sau khi thí điểm chuyển đổi số, thu nhập người dân tăng từ 1,5 lên 3 đến 3,5 triệu đồng.
“Đến nay đã có hơn 30 nền tảng số Việt Nam được ra mắt. Bộ cũng xây dựng để ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các địa phương” – ông Hùng thông tin.