Những ngôi trường bị bão lũ tàn phá thế này, bao giờ mới hồi phục?

Thứ Ba, 10/11/2020 10:16  | Hoàng Quân

|

(CAO) Nhiều trường lớp tại Quảng Trị còn ngổn ngang, bề bộn do hậu quả của các đợt bão, lũ khi các công trình của trường bị sập, tốc mái, hư hỏng nặng, chìm sâu trong nước, lũ bùn.

Tại một số địa phương ở 2 huyện miền núi, chưa dạy và học trở lại. Một số trường học mới hoạt động được 2 – 3 ngày nhưng trong tình trạng thiếu thốn sách vở, dụng cụ, thiết bị.

Núi đổ sập đè nhà bán trú học sinh

Tỉnh lộ 586 - tuyến đường độc đạo từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vào sâu trong các bản, làng ở xã Húc (huyện Hướng Hóa) sau 20 ngày bị cô lập, chia cắt đến ngày 3-11 mới có thể di chuyển được bằng xe máy.

Và lúc này, nhiều em học sinh mới đến được Trường phổ thông Dân tộc bán trú Húc để đi học. Khu nhà bán trú nằm trong khuôn viên trường, sau dãy nhà của trụ sở UBND xã vẫn còn ngổn ngang đất đá, cây cối khổng lồ. Phía trên là khu nghĩa địa nằm chênh vênh trên ngọn núi cao đã bị khoét mảng lớn đất đá và trôi xuống đổ sập khu nhà bán trú.

Khu nhà nội trú của học sinh ở Trường phổ thông Dân tộc bán trú Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị lở núi đè lấp, hư hỏng nặng

Những ngày trung tuần tháng 10, mưa lũ lớn trên địa bàn xã Húc gây sạt lở, lũ quét khắp nơi. Từ ngày 13-10, 900 hộ dân với 3.979 người (95% người dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều) bị cô lập, chia cắt; nguy cơ thiếu gạo, thức ăn, nước sạch.

Chính quyền, ngành chức năng khẩn trương phát gạo, mì tôm, nước sạch. Khi có một số đoàn từ thiện đến hỗ trợ, bà con phải vượt đường rừng, cắt suối hàng chục km, ra ngoài nhận hàng cứu trợ rồi đưa về nhà trong sự hiểm nguy, đánh cược với tử thần…

Chiều 13-10, lượng lớn đất đá, cây cố khổng lồ từ núi cao tràn xuống gây đổ sập, vùi lấp 2 căn phòng của khu nội trú, nhà kho, bếp ăn của Trường phổ thông Dân tộc bán trú Húc. Khu nội trú vốn là Trạm y tế cũ được xây dựng từ năm 2013 sau đó UBND xã bàn giao cho nhà trường để cải tạo thành khu nội trú cho học sinh.

Thời điểm đất, đá đổ sập, may mắn không có ai ở bên trong do trước đó 3 ngày, chính quyền đã sơ tán, di dời 25 học sinh về nhà để phòng chống mưa lũ.

Hiện trường thật kinh hoàng khi các phòng học bị đất đá, bùn vùi lấp. Căn phòng sát núi bị vùi toàn bộ. Sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của học sinh hư hỏng hết…

Núi lở xuống khu nhà nội trú của học sinh ở Trường phổ thông Dân tộc bán trú Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa)

Hai tuần nay, việc dọn dẹp bùn đất được tích cực thực hiện nhưng chỉ được một phần. Công trình này cơ bản không thể sử dụng được nữa do hư hỏng nặng và nguy hiểm rất cao nên các em học sinh được bố trí ở tạm trong hàng chục nhà dân xung quanh để đảm bảo việc học hành.

Điểm Trường tiểu học và mầm non bản Cu Dông, xã Húc cũng bị lũ, bùn đất vùi lấp gây hư hỏng nặng. Các trường nằm bên bờ sông Cu Dông, nước lũ dâng cao gây ngập đến 2m, đẩy bùn, đất, cây cối tràn vào các phòng học, nhà hiệu bộ. May mắn trước đó các trường đã cho học sinh nghỉ học. Sau nhiều ngày nỗ lực khắc phục, việc dạy và học mới được trở lại ít ngày nay nhưng tình trạng chắp vá, thiếu thốn trăm bề của thầy cô và học sinh.

Trường học, tài sản chìm trong lũ, bùn

Mấy chục năm qua, người dân huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị chịu cảnh tang tóc, kinh hoàng và mất mát lớn như đợt bão lũ vừa qua. Từ bão số 5 (ngày 18-9) đến nay, các huyện bị mưa, lũ nhấn chìm khiến nhiều địa phương bị ngập, sạt lở gây chia cắt.

Đặc biệt từ giữa tháng 10 đến nay, các xã Hướng Phùng (nơi 22 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 337 hy sinh do núi đổ sập, lũ quét vào rạng sáng 18-10), Hướng Lập, Hướng Việt (nơi Đại úy Công an Trần Văn Thắng hy sinh) của huyện Hướng Hóa bị cô lập hoàn toàn.

Núi lở vùi lấp thế này chưa biết khi nào học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Húc mới đi học trở lại được!

Hầu như các trường lớp tại 2 huyện miền núi này bị thiệt hại, hư hỏng nặng; mất mát về người cũng lớn. Ngành giáo dục có một giáo viên, 4 học sinh tử vong do bị lũ cuốn; hai cô giáo mầm non có chồng qua đời do lũ (một cô giáo là vợ liệt sĩ của Sư đoàn 337). Thiệt hại về tài sản trường học gần 60 tỷ đồng với 308 điểm trường (hơn 2.100 phòng học) ngập nước từ 1 - 3m (trong đó có gần 900 phòng học, nhà ở, nhà bán trú hư hỏng nặng); hơn 50.000 bộ sách, vở hư hỏng; gần 6.000 bàn, ghế, tủ, hàng nghìn thiết bị trường học, đồ dùng khác cũng bị hỏng nặng nề.

 Học sinh ở xã Húc (huyện Hướng Hóa) vượt đường rừng hàng chục cây số đi nhận hàng cứu trợ.

Riêng Trường THCS và mầm non Hướng Việt (xã Hướng Việt) bị ngập nước gần 2m; bị bùn đất vùi lấp hơn 1m gần toàn bộ khuôn viên các trường. Nhiều thầy cô không thể tin vào mắt mình trước cảnh hoang tàn, ngổn ngang. Những ngày cuối tháng 10, các đoàn lãnh đạo tỉnh, huyện và các ban ngành, đoàn thể đến thăm các trường, phải lội qua lớp bùn đất ngập hơn 1m.

Gần nửa tháng nay, chính quyền cùng lực lượng Công an, Quân đội, thầy cô giáo nỗ lực dọn dẹp, khắc phục và mới cơ bản xong vào đầu tuần này. Đa số các giáo viên có nhà ở địa phương khác phải bám trụ tại trường để lo khắc phục, dọn dẹp vệ sinh trường, lớp…

Việc dạy và học trở lại trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, máy móc, sách vở, đồ dùng. Chưa kể việc nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề, có nhiều nhà bị sập, hư hại, mất mát hết tài sản nên học sinh vẫn chưa ổn định tâm lý, tinh thần để đi học lại.

Sách vở, đồ dùng trong phòng học, nhà bán trú, nhà hiệu bộ… bị hư hỏng, vùi lấp trong bùn đất

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Ngành giáo dục của tỉnh thiệt hại quá nặng nề, đời sống cán bộ, giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các trường ở vùng đồng bằng cơ bản đã khắc phục, dọn dẹp và cho học sinh đến trường vài ngày nay. Nhiều trường học tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (với đa số người đồng bào dân tộc thiếu số Bru – Vân Kiều) vẫn chưa thể dạy và học trở lại.

Hai tuần qua, lực lượng vũ trang cùng chính quyền, nhân dân và các thầy cô giáo nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, lau chùi bàn ghế, tìm kiếm, nhặt nhạnh, hong khô sách vở… để phục vụ cho việc dạy và học ổn định trở lại.

Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị bố trí khẩn cấp sách vở, đồ dùng học tập, thiết bị… đến các trường bị thiệt hại nặng; kêu gọi các nhà hảo tâm và nhân dân chung sức giúp các trường học khắc phục hậu quả...".

Trường mầm non bản Cu Dông, xã Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị mưa lũ gây thiệt hại nặng.
Lực lượng quân đội giúp dọn dẹp, vệ sinh Trường mầm non ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa).
Trường mầm non ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) thời điểm bị bùn lầy vùi lấp

Bình luận (0)

Lên đầu trang