Mưa lớn liên tục 2 ngày qua khiến địa bàn xã Phước Thành xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Tất cả các tuyến đường từ xã Phước Thành đến các xã Phước Kim, Phước Lộc (huyện Phước Sơn), xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) và xã Mường Hoong (huyện ĐakGlei, Kon Tum) bị chia cắt, ách tắc hết.
Mưa lũ, sạt lở từ ngày 27-10 đến nay khiến xã bị cô lập với bên ngoài, 48 nhà bị sập, cuốn trôi, vùi lấp. Từ trưa ngày 10-11, UBND xã, Công an, Xã đội Phước Thành cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ Biên phòng tỉnh, Huyện đội Phước Sơn cùng với nhân dân địa phương tổ chức di dời, sơ tán người dân ở các vùng thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng xung yếu... đến trụ sở UBND xã, Trạm Y tế, Trường học, nhà văn hóa cộng đồng, nhà dân... 167 người của 48 gia đình đã bị mất nhà và toàn bộ tài sản đã được di dời, lánh nạn và sinh sống ở các địa điểm an toàn từ ngày 27-10 đến nay.
Người dân được di dời đến nơi an toàn trong đêm
20 giờ đêm, Thiếu tá Nguyễn Anh Chiến - Trưởng Công an xã và Xã đội trưởng Phước Thành Hồ Văn Vớt cùng các đồng chí Công an, Xã đội... vẫn hỗ trợ người dân di dời, sơ tán; sắp xếp, bố trí chỗ ăn ở cho bà con.
Người dân đi sơ tán không mang theo tài sản, vật dụng gì ngoài bộ quần áo nên lực lượng chức năng hỗ trợ thức ăn, chăn màn, vật dụng cá nhân... Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở thêm rất lớn và đường sá bị chia cắt nên chính quyền không cho người dân vượt rừng ra ngoài nhận quà cứu trợ để đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe.
Xã Phước Thành mất điện từ 27-10 đến nay, số ít máy nổ chạy 2-3 giờ trong ngày; hệ thống điện hư hỏng chưa khắc phục được, sóng điện thoại (chỉ có Viettel) cũng hơi chập chờn.
Công an và lực lượng chức năng xã Phước Thành kiểm tra, động viên người dân di dời
*Theo bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ hôm nay 10-11 đến ngày 12-11 các địa phương trong tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to. Cường độ mưa to đến mưa rất to tập trung từ ngày 10 đến ngày 11-11. Tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, có nơi trên 400mm.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng bão số 12, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành; các địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Công điện về chủ động ứng phó bão số 12 (ETAU) và tình hình mưa lũ.
Phát loa thông báo người dân về tình
mưa bão ở huyện Nam Trà My.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tăng cường công tác thông tin đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du biết về công tác vận hành điều tiết hồ để chủ động các phương án ứng phó.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân; đồng thời giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân; chủ động triển khai hoạt động Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Đại Lộc để chỉ huy khu vực phía Bắc của tỉnh.
Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống mưa lũ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Chiều nay, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 trên địa bàn huyện xảy ra mưa to dễ gây ra sạt lở đất, lũ ống đe dọa đến tính mạng của nhân dân nên chính quyền địa phương đã quyết định sơ tán hơn 1.000 hộ dân.
Theo ông Dũng, trước tình hình này, chính quyền huyện Nam Trà My đã sơ tán tập trung hơn 1.000 hộ dân/hơn 3.300 người dân và sơ tán xen ghép ở các nhà dân là hơn 500/1.600 hộ dân ở 10 xã trong huyện Nam Trà My đến các nơi an toàn như: trụ sở UBND các xã, trường học, nhà văn hóa.
Ngoài ra, chính quyền huyện đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho bà con địa phương trong thời gian sơ tán tập trung này. Dự kiến, trong chiều nay, lực lượng chức năng sẽ sơ tán xong các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá đến nơi an toàn.