Nghiêm cấm phát tán thông tin sai lệch về chủ quyền, biên giới quốc gia

Thứ Tư, 11/11/2020 18:32

|

(CAO) Luật Biên phòng Việt Nam chiều nay (11/11) đã chính thức được Quốc hội thông qua với 94,61% đại biểu tán thành.

Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, Luật Biên phòng Việt Nam nghiêm cấm việc sản xuất, sử dụng, mua bán, vận chuyển, phát tán thông tin, hình ảnh sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Cùng trong điều cấm này còn có các hành vi khác, như xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác, đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Biên phòng Việt Nam 

Luật cũng cấm việc giả danh cơ quan, tổ chức, người thực thi nhiệm vụ biên phòng; chống lại, trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thực thi nhiệm vụ biên phòng; mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc người thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái quy định của pháp luật…

Vẫn theo Luật được thông qua, lực lượng Biên phòng có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ hệ thống mốc quốc giới; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang...

Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm tham gia, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng hoàn thành nhiệm vụ. Công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, khi xảy ra tranh chấp về biên giới, lãnh thổ; xung đột vũ trang; địch xâm nhập; hoạt động khác đe dọa đến chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; xảy ra bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, truy bắt tội phạm có vũ khí; ngăn chặn thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh lan truyền qua biên giới... thì các hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền có thể bị hạn chế hoặc tạm dừng.

Trong vành đai biên giới thuộc phạm vi quản lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng quyết định hạn chế hoặc tạm dừng không quá 12 giờ, báo cáo Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; thông báo cho cơ quan ngoại vụ địa phương, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã sở tại.

Trong khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh quyết định hạn chế hoặc tạm dừng không quá 24 giờ, báo cáo UBND cấp tỉnh, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; thông báo cho Bộ Ngoại giao, Công an cấp tỉnh.

Trường hợp hết thời hạn 24 giờ, nếu xét thấy cần phải tiếp tục hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tiếp tục hạn chế hoặc tạm dừng không quá 24 giờ và thông báo cho Bộ Ngoại giao, Công an cấp tỉnh...

Việc hạn chế hoặc tạm dừng một số hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới, theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, có tính chất đan xen.

Do đó, căn cứ vào diễn biến tình hình cụ thể và các nguyên tắc được luật quy định, ông Việt cho biết, người có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang