Cẩn trọng với hàng tiêu dùng "dỏm" mùa giáp Tết

Thứ Sáu, 16/12/2022 16:16  | Nam Anh

|

(CATP) Càng gần đến Tết Quý Mão 2023, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại diễn biến càng phức tạp. Đặc biệt, những mặt hàng tiêu dùng thường bị giới gian thương tăng cường tuồn ra thị trường với khối lượng lớn để tiêu thụ.

Chỉ vì hám lợi bất chính

Thời gian gần đây, người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và khu vực lân cận khá lo lắng khi có thông tin nhiều tiệm tạp hóa bán lẻ sản phẩm là hàng nhái. Nỗi lo này là có căn cứ khi không ít lần lực lượng Công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... triệt phá một số đường dây chuyên bỏ mối cho tiệm tạp hóa đều là hàng nhái hoặc kém chất lượng. Tại TPHCM, do hám lợi bất chính, một số đối tượng ở TP.Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Tân, Tân Phú, H.Nhà Bè... tìm đến chợ đầu mối như Kim Biên, Chợ Lớn và các đại lý để mua bột ngọt, bột giặt, bột nêm, nước rửa chén... có nguồn gốc không rõ ràng, mang về nhà lột bỏ bịch, hộp, sang chiết thành hàng chất lượng cao, có thương hiệu, sản xuất trong nước để bán lại cho tiệm tạp hóa.

Qua tìm hiểu, các đối tượng bỏ mối hàng nhái cho tiệm tạp hóa thường lập thành hội, nhóm, trải đều ở các quận, huyện và TP.Thủ Đức, luôn tìm cách che giấu, ngụy trang hoạt động phạm pháp của mình để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Để cung cấp được nhiều hàng, các đối tượng còn mua ôtô loại nhỏ có thể vào trong các ngõ, ngách, giao hàng cho các quầy tạp hóa "mini".

Trong vai người đang tìm việc làm, phóng viên tiếp cận Nguyễn Văn T., "trùm" chuyên bỏ mối cho nhiều tiệm tạp hóa bán hàng nhái trong nhiều năm qua. T. cho biết, làm nghề bỏ mối hàng nhái cho các tiệm tạp hóa dễ thu "một vốn, bốn lời". Thông thường, các đối tượng bỏ ra số vốn rất ít, mua máy dập, in vỏ bao, vỏ hộp sao cho giống với sản phẩm có chất lượng, thương hiệu trên thị trường là có thể "hành nghề". Sau đó, đến các đại lý, chợ đầu mối như Kim Biên, Chợ Lớn..., mua sản phẩm kém chất lượng hoặc thương hiệu không nổi tiếng, chở về nhà sang chiết, đóng gói giả nhãn hiệu. Số sản phẩm này được bán sỉ cho các tiệm tạp hóa để hưởng phần tiền chênh lệch.

Nhiều loại hàng được bán trong tiệm tạp hóa

Cùng một sản phẩm, nhưng hàng nhái bỏ mối cho các tiệm tạp hóa với giá chỉ bằng một phần ba so với hàng thật, nhưng các đối tượng bỏ mối vẫn có lời. Nhiều chủ quầy tạp hóa biết đó là sản phẩm nhái, nhưng vì hám lợi nhuận cao nên làm thinh, tiếp tay cho các đối tượng để bán đến người tiêu dùng. Theo lời T., nghề bỏ mối hàng cho các tiệm tạp hóa phát triển gần 10 năm trở lại đây, được nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác đến TPHCM lựa chọn. Do hàng bỏ mối có nhiều sản phẩm nhái, thậm chí hàng giả, thu lợi nhuận cao nên các đối tượng mua được nhà tại thành phố, có tiền cho con cái học hành ổn định.

Bắt giữ hàng trăm ký hạt nêm, bột giặt giả

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP.Dĩ An (Bình Dương) bắt quả tang Đoàn Quý Hà (45 tuổi, ngụ P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An) sử dụng xe tải nhỏ vận chuyển hàng nhái vào trung tâm thành phố này để bỏ mối cho các tiệm tạp hóa. Qua kiểm tra, trên xe tải do Hà điều khiển chở nhiều bột ngọt nhái nhãn hiệu Ajinomoto, bột nêm Knorr, nước rửa chén Sunlight, bột giặt OMO... Tang vật tạm giữ là một xe tải nhỏ và gần 400 gói hạt nêm Knorr, hơn 1.400 gói bột ngọt A-One... (tổng trị giá lô hàng lên đến hàng chục triệu đồng). Đáng chú ý, tụ điểm sản xuất hàng nhái của Hà nằm giữa khu dân cư đông đúc, nhưng các lực lượng chức năng địa phương không phát hiện được.

Kiểm tra nơi ở của Hà ở P.Tân Đông Hiệp, lực lượng Công an phát hiện thêm hàng trăm thùng hàng nhái các thương hiệu trên cùng nhiều nguyên liệu, thành phẩm, vật dụng dùng để sản xuất hàng nhái, như: Bao bì, chai nhựa, cân, máy đóng gói sản phẩm... để phục vụ cho việc sản xuất, buôn bán hàng nhái. Cơ quan chức năng tạm giữ hàng trăm gói bột ngọt Ajinomoto, Miwon, hàng trăm gói bột giặt OMO, Surf thành phẩm, hơn 500kg bột ngọt do Trung Quốc sản xuất, 4.000 vỏ bao bì in nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, OMO, nhiều công cụ phục vụ cho việc sản xuất hàng nhái (máy dán nhiệt, cân đĩa, máy đóng hạn sử dụng...).

Nhiều người dân có thói quen mua đồ ở tiệm tạp hóa vì sự tiện lợi

Tại cơ quan công an, Hà khai nhận đã buôn bán hàng nhái để hưởng lợi bất chính rất lớn trong nhiều năm qua. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất hàng nhái có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, mua từ chợ Kim Biên (Q5) về, đóng gói vào bao bì giả nhãn hàng của các thương hiệu có uy tín, sau đó bán cho nhiều tiệm tạp hóa ở TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai. Từ nhiều tháng nay, Hà ra các chợ và vào một số đại lý, mua bột nêm, bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, mang về nhà đóng gói vào bao bì mang nhãn hiệu bột nêm Knorr, bột ngọt Ajinomoto, A-One, bột giặt..., rồi dùng xe tải nhỏ chở đi giao cho các tiệm tạp hóa để tiêu thụ.

Sau hàng chục năm buôn bán hàng nhái trót lọt, đến nay Hà mới bị bắt giữ. Căn cứ kết quả điều tra và chứng cứ, tài liệu thu giữ, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP.Dĩ An đã ra lệnh bắt khẩn cấp Đoàn Quý Hà về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017). Quá trình điều tra, Công an TP.Dĩ An đã ra quyết định khởi tố, thực hiện lệnh bắt tạm giam Hà.

Giải pháp chống hàng nhái

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khỏe (Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình) chia sẻ: "Việc làm nhái sản phẩm xuất phát từ lợi nhuận khi dựa vào các thương hiệu có uy tín. Đối tượng tiếp tay cho hàng giả là các đại lý cấp 2, cấp 3. Trong khi đó, những doanh nghiệp làm ăn chân chính còn ngại va chạm và chọn cách "giấu nhẹm" thông tin, bởi lo sợ bị mất uy tín đối với người tiêu dùng. Việc doanh nghiệp không cung cấp thông tin sản phẩm bị làm nhái là sai lầm, bởi vì khi những vụ việc đó được báo chí quan tâm thì nạn hàng nhái, "ăn cắp thương hiệu" hầu như không phát triển sau đó”.

Các quầy tạp hóa thường trưng bày rất bắt mắt

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Viết Hồng (Tổng giám đốc Công ty Vina CHG) cho rằng việc xử lý hàng nhái, hàng giả thì phải giám định. Nhiều doanh nghiệp e ngại tốn kém kinh phí và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, để phòng, chống nạn sản phẩm của mình bị kẻ gian làm nhái, nhiều doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng công nghệ cao trong thiết kế nhãn hàng hóa, bao bì; tăng cường cung cấp thông tin phân biệt giữa hàng nhái với hàng thật để người tiêu dùng nắm rõ; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm.

Theo ông Hồng, để việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả có hiệu quả hơn nữa, các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong việc phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Các ngành chức năng và cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền để giúp người tiêu dùng tăng khả năng nhận biết, phân biệt giữa hàng nhái, hàng giả với hàng thật. Cạnh đó, hệ thống pháp luật phải hoàn thiện và chặt chẽ hơn.

Để ngăn chặn hàng nhái, hàng giả tuồn ra thị trường, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM) cho rằng nước ta cần kiện toàn hệ thống pháp luật cũng như hoàn chỉnh khung pháp lý sao cho đủ sức răn đe các đối tượng phạm tội. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Các nhà sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức để tự bảo vệ mình.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng nhái, cơ quan chức năng cho rằng, người tiêu dùng cần cảnh giác, trở thành người tiêu dùng thông thái, nên mua sản phẩm ở siêu thị, các cửa hàng, tiệm tạp hóa có uy tín để tránh mua nhầm hàng giả mạo. Khi phát hiện hàng nhái, hàng giả, người dân cần báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang