(CATP) Những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm hoặc trả nợ cá độ bóng đá tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã dùng mạng xã hội, App tự tạo rao cho vay thần tốc với thủ tục cực dễ. Nhiều người tin kẻ gian đã bị "móc" sạch tiền trong tài khoản. Sau khi thua độ đậm ở các trận vòng bảng Word Cup, tài khoản ông T.N ở P.Bình Hòa, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương không còn một đồng.
Quyết tâm gỡ gạc ở vòng loại trực tiếp, ông N. lên mạng tìm nguồn vay. Một công ty tài chính cho vay vốn siêu dễ hiện ra, ông N. như chết đuối vớ được cọc. Qua website, công ty này công bố cho vay tiền không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp, bao nợ xấu... Thấy thủ tục quá đơn giản, ông đặt vấn đề vay 30 triệu đồng.
Sau khi tiếp nhận thông tin cá nhân của ông B., 15 phút sau đã có người gọi lại báo cho ông N. là khoản vay đã được duyệt. Hí hửng, ông N. cung cấp số tài khoản cho đối tượng vừa gọi để nhận tiền vay. Thế nhưng sau khi cung cấp số tài khoản, ông N. đợi dài cổ cũng không thấy tiền về tài khoản.
Gọi điện lại cho đối tượng tự xưng là người của công ty tài chính, ông N. nhận được câu trả lời: "Chú đã điền sai thông tin số tài khoản, số tiền giải ngân đã đi vào số tài khoản khác. Để lấy lại số tiền này, chú cần đóng 11% trên tổng số vay, để tiền vay quay lại tài khoản của chú”. Chẳng chút nghi ngờ, ông N. chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản người này cung cấp. Chờ cả ngày không thấy tiền về tài khoản, ông N. nhắn tin hỏi thì tin nhắn bị chặn, gọi điện thoại thì đầu dây bên kia cũng "ò í e".
Một nạn nhân khác lại bị kẻ gian "móc túi" với thủ đoạn tinh vi hơn. Chị T., ngụ P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là công nhân thất nghiệp, không còn tiền sinh hoạt, chị cũng lên mạng tìm nguồn vay. Một tài khoản mạng xã hội mở lời cho chị vay 10 triệu đồng, nhưng điều kiện chị phải mở một ví điện tử.
Nhan nhản trên mạng các trang cho vay thần tốc, người dân cần cảnh giác
Sau khi mở tài khoản ví điện tử, chị T. thông báo cho đối tượng hứa cho vay thì người này nói, ví điện tử của chị chưa được kích hoạt gói vay. Nếu muốn vay, chị T. phải đưa mật khẩu ví để đối tượng này kích hoạt giúp. Nhẹ dạ cả tin, chị T. nhắn ngay mật khẩu cho đối tượng này. Chưa đầy 15 phút sau, chị nhận được tin nhắn từ ngân hàng. Số tiền ít ỏi hơn một triệu trong ví đã không cánh mà bay.
Thực trạng lừa đảo với thủ đoạn như trên xảy ra khá phổ biến không chỉ ở Bình Dương, mà ở nhiều địa phương trong cả nước. Không ít trường hợp các đối tượng lừa đảo còn dùng thông tin cá nhân bị hại để khống chế, tống tiền.
Ông Hồ Thọ Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng tội phạm công nghệ cao (Công an Bình Dương) khuyến cáo: "Khi người dân có nhu cầu vay tiền nên đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có địa chỉ, pháp lý rõ ràng để tránh bị thiệt hại. Không cài đặt App do các đối tượng trên mạng cung cấp nếu chưa đọc kỹ thông tin và quyền kiểm soát các App. Không đăng nhập tài khoản ngân hàng qua web mà đối tượng cung cấp hoặc chuyển tiếp từ các App vay, chỉ sử dụng App do ngân hàng cung cấp. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là cao điểm các đối tượng lừa đảo đẩy mạnh hoạt động. Người dân cần tỉnh táo và sáng suốt khi tiếp cận các nguồn vay, để tránh bị lừa đảo mất tiền oan...".