Công nhân trước cơn "bão" thất nghiệp: Vật vã mưu sinh (kỳ 1)

Thứ Năm, 15/12/2022 17:46  | Nam Anh

|

(CATP) Do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước không còn đơn hàng để sản xuất. Theo đó, hàng trăm DN sản xuất da giày, túi sách, chế biến gỗ, may mặc, điện tử... đã buộc phải sa thải hàng loạt công nhân, nhằm cắt giảm chi phí để tồn tại. Bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, nhiều công ty muốn níu kéo, giữ chân người lao động lại ra thông báo, cho công nhân nghỉ Tết kéo dài.

Nghỉ Tết... 2 - 3 tháng

Hiện nay nhiều DN trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để tồn tại, giới chủ đã tìm nhiều biện pháp để khôi phục sản xuất như kế hoạch đề ra, nhưng nhiều tháng nay vẫn không tìm đủ đơn hàng. Do đó, nhiều DN đã buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân. Trước khi nghỉ việc, công ty (Cty) cam kết chi trả các chế độ trợ cấp thôi việc là 2 tháng tiền lương cho lao động bị cắt giảm, chi trả toàn bộ lương tháng 11 và tiền thưởng năm 2022 với mức thưởng 1 tháng lương nếu làm đủ 12 tháng trong 1 năm làm việc.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cả nước có 1.235 DN gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng tới hơn 471.500 người lao động (chiếm 65,54% tổng số được khảo sát), trong đó khoảng 41.500 người bị mất việc (chiếm 8,8% tổng số). Qua thống kê tại 44 tỉnh thành, có khoảng 472.000 người bị ảnh hưởng tới việc làm. Đặc biệt, gần 30.300 người bị thôi việc là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.

Trong khi đó, nhiều DN lại chọn giải pháp cho công nhân nghỉ Tết 2-3 tháng do nhà máy hết việc. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Kỳ, công nhân Cty Phoong in Việt Nam cho biết, còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hơn 700 lao động bất ngờ nhận được thông báo kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài... 3 tháng. Gần 20 năm rời quê đi làm công nhân, với anh đây là kỳ nghỉ "chưa từng có trong đời", bởi trải dài qua 3 tháng nghỉ việc là chuyện không tưởng. Theo anh Kỳ, ở lại thành phố thì không có việc làm, về quê nghỉ Tết quá sớm thì lấy tiền đâu để sinh sống? Cả 2 phương án về hay ở lại thì phương án nào cũng dở.

Anh Kỳ cho biết, từ tháng 8-2022, nhà máy đã bắt đầu giảm đơn hàng sản xuất nên Cty không còn tổ chức tăng ca. Trong 4 tháng qua, công nhân nghỉ luân phiên, mỗi tuần làm 3 - 4 ngày. Cùng lúc đó, Cty may nơi vợ anh làm cũng cắt giờ làm nên tổng thu nhập của gia đình giảm mạnh, từ 25 triệu đồng xuống còn 12 - 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hai đứa con nhỏ vẫn còn đi học nên phương án về quê được dẹp bỏ. Theo anh, Cty ra thông báo nghỉ Tết dài kéo dài đến 2 - 3 tháng thì lấy tiền đâu mà tiêu. Gia đình anh không mong Tết nữa mà chỉ mong đến ngày được đi làm trở lại.

Số lượng công nhân về quê trước Tết ngày càng nhiều

Nói trong nỗi buồn, chị Võ Thị Hồng Hạnh, công nhân Cty High Point Furniture Global, chuyên chế biến gỗ xuất khẩu cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời công nhân phải nghỉ Tết sớm trước 2 tháng. Nghỉ kéo dài nhưng chị Hạnh không thể về quê vì bố mẹ 2 bên đã mất. Nếu về quê mà phải tá túc nhà của người thân trong 2 tháng trời là quá dài. Gần nửa tháng qua chị tìm việc làm thời vụ dịp Tết nhưng chưa có chỗ nhận. Theo chị Hạnh, Cty cho nghỉ dưới hình thức tạm hoãn hợp đồng lao động thời gian từ ngày 01-12-2022 đến 10-02-2023 (từ 08-11 đến 20-01 âm lịch), với nhiều công nhân, đây là kỳ nghỉ Tết dài nhất mà họ từng trải.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hồng, làm việc tại Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết, năm 2021 nghỉ dài ngày do dịch Covid-19 còn được các nhà tài trợ đến phòng trọ tặng quà, cho tiền, chứ năm nay nghỉ do mất việc thì không ai để ý đến. Theo chị Hồng, Cty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất bắt đầu từ tháng 7 - 8 và không có đơn hàng sản xuất. Ai cũng mong cuối năm công việc khá hơn, có thưởng để bù đắp, nhưng tình hình thực tế ngày càng tệ. Nghỉ Tết kéo dài 2 - 3 tháng, đồng nghĩa với không có lương, tiền thưởng tháng 13 cũng chẳng được công ty nhắc đến.

Để tồn tại được ở thành phố, nhiều công nhân đã chạy đi nhiều nơi để tìm việc làm thời vụ, có đồng lương đắp đổi qua ngày, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Bí quá, nhiều công nhân nam đã nghĩ đến việc xin đi phụ hồ, chạy xe ôm. Đối với công nhân nữ thì xin đi làm may gia công, chạy bàn phục vụ ăn lương theo giờ, bán hàng online... để trang trải tiền trọ, lo tiền ăn, tiền học phí cho con. Đối với người lao động, trong thời điểm hiện nay, tìm được việc làm đã là may mắn. Nhiều công nhân khác còn không tìm được việc, buộc phải về quê đón Tết sớm. Mấy tháng trước, nhiều người còn hy vọng bám trụ lại thành phố, nhưng khi Tết đã cận kề, không còn hy vọng nữa nên buộc phải hồi hương.

Công nhân không có việc làm dắt nhau về quê

Theo chị Hồng, nhiều nhà máy trên địa bàn quận 7 đã cố gắng duy trì việc cho công nhân, nhưng thu nhập chỉ được 3 - 4 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trả tiền trọ, mua mì tôm. Khu trọ của chị có gần 20 phòng, lúc cao điểm các phòng đều có người thuê. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, công nhân trả phòng liên tục. Từ đầu tháng 12, số người về tăng nhanh do các Cty tạm hoãn hợp đồng, cho nghỉ Tết sớm. Đến nay, hơn phân nữa khu trọ là phòng trống. Những người ở lại thì được chủ nhà trọ giảm tiền phòng từ 300 - 500 nghìn đồng.

Hiện TPHCM chưa đưa ra thống kê số lao động phải nghỉ Tết sớm, song nhiều công nhân đã lên kế hoạch từ đầu tháng 12, sau khi một số nhà máy cho công nhân nghỉ việc, cắt giảm giờ làm. Đầu tháng 12, Cty giày Tỷ Hùng, đóng trên địa bàn quận Bình Tân đã cắt giảm gần 1.200 công nhân. Theo đó, phân nửa số công nhân đã chọn cách về quê nghỉ Tết sớm. Phân nửa số công nhân còn lại lựa chọn tìm việc làm bán thời gian ở thành phố, với hy vọng năm 2023 sẽ tìm được công việc mới.

Cạn chi phí sinh hoạt

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay đơn hàng giảm sút, không còn tăng ca, trong khi đó vật giá leo thang khiến cuộc sống của người lao động khó càng thêm khó. Có nơi cho ngưng tạm thời, vẫn hỗ trợ đời sống giúp công nhân cầm cự qua ngày khó khăn, chờ quay lại sản xuất. Có những cơ sở cho nghỉ luôn. Khoản tiền thưởng Tết vốn rất được mong ngóng, sau gần một năm cống hiến cũng trở nên mờ mịt.

Ngành may mặc và đồ điện tử đang thiếu đơn hàng trầm trọng

Ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, người lao động phải chịu thiệt thòi quá nhiều, nhất là khi Tết đang cận kề. Liệu có điều "bất thường" khi tỷ lệ người bị mất việc trên 35 tuổi khá cao? Trong số này, những công nhân có thâm niên đóng BHXH gần 20 năm trở lên trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất nhiều. Theo ông Đạt, không ai nghĩ đến chuyện hưởng chế độ một lần, song giờ đây họ phải băn khoăn lựa chọn. Ở độ tuổi không còn trẻ, chuyện tìm việc làm mới không phải là đơn giản.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngành BHXH cũng đang lo khi "tái" xuất hiện làn sóng người lao động đề nghị rút tiền một lần, không thể chờ đến ngày hưởng lương hưu. Dù muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cũng không có khả năng "chi trả". Nỗi niềm này còn lớn hơn cả lo Tết với túi cạn tiền. Ngổn ngang những vấn đề an sinh cho người dân ngày Tết đang cận kề, mất việc vào thời điểm "nhạy cảm", lo bữa ăn hằng ngày đã khó, nhiều người không đủ khả năng chi cho khoản tiền về quê ngày Tết. Họ cần sự trợ lực ngay từ lúc này, từ DN, từ chính quyền và cả sự chung tay từ nhà hảo tâm.

Ngành chế biến gỗ đang gặp khó khăn do không có đơn hàng

Còn nhớ mới đầu năm nay, nhiều DN còn khát lao động, sẵn sàng "trải thảm" đón công nhân, thậm chí cho xe về tận quê nhà chở người vào làm việc. Nay mọi chuyện thay đổi quá nhanh, trong khi khả năng ứng phó của DN chưa theo kịp. Tại những khu phòng trọ, người lớn được "ở nhà" vào ban ngày nhiều một cách khác thường. Con cái họ vẫn ngày ngày đến trường, trong khi bố mẹ thì... thất nghiệp ở nhà, mà mọi chi phí hằng ngày vẫn không giảm. Mùa Noel, dịp cuối năm, người lao động phải tăng ca, làm thêm giờ. Nhưng hiện nay, người ở nhà lại đông hơn người đi làm.

Trong khó khăn, nhiều DN đã tìm đủ mọi cách để giữ chân cùng các giải pháp hỗ trợ công nhân. Tuy nhiên, hiện nay không ít chủ DN cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nên người lao động đã rơi vào thảm cảnh mất việc. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương Lài (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết, từ 18 tuổi đã vào Nam làm việc, tính đến nay, chị đóng BHXH đã gần được 20 năm. Nay công ty cho nghỉ việc, chị cũng chưa biết tính sao nữa. Chắc phải tìm việc mới, vì giờ mà nghỉ thì con nhỏ ai nuôi.

Theo chị, trong số hàng nghìn lao động thất nghiệp lần này, không ít người đã vào tuổi 45 - 50, nên cơ hội tìm việc trở lại rất khó. Trong khi đó, những lao động trẻ tứ xứ đều có con nhỏ, có người đang mang thai, nên ai cũng lo lắng. Nghĩ tới Tết là tối tăm mặt mũi. Dù đi làm, có đồng lương 6-7 triệu đồng/tháng cộng với tiền lương của chồng cũng tạm đủ trang trải. Giờ đây chị Lài rơi vào cảnh thất nghiệp, theo đó cuộc sống gia đình lâm cảnh vô cùng khó khăn. Ở tuổi 43 cũng không dễ xin việc mới, trong khi muốn chuyển qua buôn bán thì vốn không có...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang