Cuộc đua biến cung trăng thành "ngôi nhà mới" của nhân loại:

Kỳ 4: Dù chậm hơn, Nga quyết không từ bỏ Chương trình mặt trăng

Thứ Năm, 01/12/2022 11:40

|

(CATP) Ngày 7-10-2022, Nga thông báo sẽ dời thời gian phóng Trạm tự động liên hành tinh Luna -25 sang năm 2023 do cần hoàn thiện kỹ thuật. Số hiệu của Luna - 25 khiến người ta nhớ tới Luna 24 - trạm tự động mặt trăng cuối cùng được phóng lên vào năm 1976, trước khi Chương trình thám hiểm mặt trăng của Liên Xô lúc ấy chấm dứt.

Luna-25: Khởi đầu lại sau hơn 4 thập niên

Trong sứ mạng Luna-25, một trạm thăm dò tự động sẽ được phóng lên mặt trăng để tiến hành nghiên cứu, khảo sát từ xa nhằm chọn địa điểm hạ cánh và đưa thiết bị xuống bề mặt hành tinh này. Sau khi hạ cánh, các thiết bị sẽ khám phá bề mặt ở khu vực Nam Cực, bao gồm cả việc khoan đến độ sâu 2m (nhiệm vụ chính là tìm nước).

Theo giới quan sát, Luna - 25 kế thừa các mẫu tàu Luna trước đây của Liên Xô cũ, đặc biệt tàu Luna - 9 ở phần thiết bị giảm xóc khi hạ cánh và tàu Luna - 25 ở những bộ phận lấy và chở mẫu đất đá về trái đất.

Trên thực tế, Luna - 25 chỉ thực hiện nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong chương trình quay trở lại mặt trăng của Nga được công bố năm 2014 với mục đích cuối cùng là khai thác mặt trăng phục vụ đời sống trên trái đất và dùng mặt trăng làm căn cứ để tiến xa hơn vào vũ trụ.

Chương trình này nêu ra 6 phương hướng và chia làm 3 giai đoạn. Ngoài các nghiên cứu về mặt trăng như một thiên thể có lịch sử lâu dài, chương trình còn đặt ra những nhiệm vụ cụ thể như tìm và xác định các tầng nước hoặc băng, bụi, bức xạ, phóng xạ, các cực từ, gió, tài nguyên trong lòng đất hoặc ở dạng bụi; tìm kiếm vị trí đặt căn cứ lâu dài trên mặt trăng; thử nghiệm hoạt động của các robot, sử dụng vật liệu tại chỗ để chế tạo và xây dựng, tổng hợp nhiên liệu cho các thiết bị vũ trụ...

Trạm Luna - 25 trong xưởng lắp ráp

Đến năm 2019, chương trình được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2021 - 2025) dành cho công tác chuẩn bị, liên quan tới hệ thống tên lửa đẩy, thử nghiệm tàu vũ trụ "Đại bàng", các tàu không người lái "Đại bàng con" để bay quanh mặt trăng, thăm dò mặt trăng bằng các trạm Luna từ 25 - 28, thiết kế trạm không gian quay quanh mặt trăng Sirius, thử nghiệm tàu vận tải đi - về giữa trái đất - mặt trăng...

Giai đoạn 2 (2025 - 2035) thực hiện chuyến bay có người lái quanh mặt trăng vào năm 2026 và đổ bộ xuống mặt trăng (ở lại 14 ngày) sau năm 2030. Ở giai đoạn 3 diễn ra sau năm 2035: Hoàn thành việc xây dựng căn cứ thường xuyên tại mặt trăng.

Về ngân sách, báo chí Nga cho biết chi phí cho các giai đoạn 1, mà trọng tâm là việc đưa các trạm tự động Luna từ số 25 đến 28, trị giá khoảng 28 tỷ rúp.

Một trong những đặc điểm Chương trình mặt trăng 2014 của Nga là sự hợp tác quốc tế, bao gồm với phương Tây - điều mà Chương trình mặt trăng của Liên Xô cũ không thực hiện được. Năm 2021, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexandr Sergeyev cho biết, quá trình chinh phục vũ trụ rất cần sự hợp tác quốc tế, bởi lẽ tình hình kinh tế không cho phép Nga và một số nước khác thực hiện riêng rẽ. Các đối tác lớn của Điện Kremlin trong chương trình này trước năm 2022 là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Mối quan tâm cùng sự hợp tác của châu Âu và Mỹ với Nga tập trung vào việc tìm kiếm nước (dưới dạng băng) cho các căn cứ trên mặt trăng. Trung Quốc đã ký thỏa thuận tham gia xây dựng trạm không gian nghiên cứu khoa học quay quanh mặt trăng (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2030 - 2035).

Đường gập ghềnh vẫn bước tới

Qua thông tin báo chí, từ năm 2015 - 2019 trên các hướng của Chương trình mặt trăng do Nga thực hiện, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, tổ chức đấu thầu dự án, ký kết hợp tác quốc tế... diễn ra sôi động. Nhưng từ 2020 đến nay, hoạt động này dường như trầm lắng hơn, một phần vì dịch Covid-19 trên toàn cầu. Chỉ riêng việc đưa Trạm Luna - 25 vào vũ trụ đã bị hoãn 5 lần trong thời gian này. Tháng 5-2020, người đứng đầu Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga D. Rogozin tuyên bố, Nga không có ý định chen chân vào cuộc chạy đua chinh phục mặt trăng.

Trong nhiều thập niên gặp khó khăn của thời kỳ hậu Xô viết, ngành Hàng không vũ trụ Nga tập trung vào các chuyến bay trên quỹ đạo quanh trái đất với các trạm không gian Mir nổi tiếng và sau đó là Trạm vũ trụ quốc tế ISS hoạt động cho tới ngày nay.

Sang thế kỷ XXI, nước Nga đã có những bước tiến mới trên nhiều mặt và quyết định tiếp tục một cách vững chắc, tuần tự, hiệu quả tiến trình chinh phục mặt trăng mà Liên Xô cũ để lại.

Hôm 12-4-2022, nhân kỷ niệm ngày con người lần đầu tiên bay vào vũ trụ, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục Chương trình mặt trăng dù đang bị phương Tây cấm vận. Ông cũng nhắc lại rằng những thành tựu rực rỡ của ngành vũ trụ Liên Xô trước đây đã đạt được trong tình thế hoàn toàn bị cách ly, cấm vận, khó khăn hơn hiện tại rất nhiều và khẳng định: "Chúng ta nhất định phải thực hiện các kế hoạch đã vạch ra một cách có trình tự và bền bỉ hơn".

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang