Cuộc đua biến cung trăng thành "ngôi nhà mới" của nhân loại:

Kỳ 2: Vì sao người Mỹ quyết định quay lại thám hiểm mặt trăng?

Thứ Ba, 29/11/2022 11:21

|

(CATP) Trước khi trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu vì sao vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Mỹ đã dừng đưa người lên mặt trăng. Trong tuyên bố cuối năm 1962, Tổng thống John F. Kennedy khi ấy cam kết sẽ đạt mục tiêu trước cuối thập niên 1960. Như vậy, sau chuyến bay Apollo 17 vào tháng 7-1969, mục tiêu xem như đã hoàn thành. NASA lúc đó dự trù sẽ tổ chức 20 chuyến bay Apllo, tuy nhiên 3 chuyến sau cùng đã bị hủy.

Khi nhìn lại quá khứ, các chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở tài chính: 20 tỷ USD (thay vì 7 tỷ như dự định) để đưa người lên mặt trăng lúc đó là khoản chi khủng cho cuộc tranh đua mang tính chính trị, ý thức hệ với LX cũ, để bày tỏ sức mạnh kinh tế và công nghệ - như nhận định của quản trị viên NASA Jim Bridenstine.

Hơn nữa, vào thời điểm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, mối quan hệ LX - Mỹ đã thay đổi với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (SALT), nhu cầu về các loại tên lửa đẩy cực mạnh (loại đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng hoặc xa hơn) không còn quá cấp thiết. Trong khi đó, Mỹ lại đang sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Trung Đông... dẫn đến thiệt hại về tiền của và sinh mạng binh lính khá lớn, khiến người dân nước này bất bình.

Đến đầu thế kỷ XXI, người Mỹ quyết định quay trở lại mặt trăng để tiếp tục thành quả của Chương trình Apollo và những nỗ lực thăm dò hành tinh này trong các thập niên tiếp theo.

Về mặt khoa học, ước mơ tìm hiểu vũ trụ, trước tiên là mặt trăng và hệ mặt trời, chưa bao giờ tắt. Đất đá đưa về từ mặt trăng trong các chuyến thám hiểm trước đây đã tiết lộ nguồn gốc của nó: Có lẽ mặt trăng hình thành từ các mảnh vỡ của vật thể vũ trụ nào đó từng va chạm với trái đất trong quá khứ. Tuy nhiên, trong sứ mệnh Artemis, NASA đặc biệt quan tâm tới các lớp băng dày nằm sâu dưới miệng các núi lửa ở cực Nam của mặt trăng. Phụ thuộc vào tuổi và đặc tính riêng của nó, người ta có thể suy đoán về lịch sử của hệ mặt trời. Hơn thế, các nhà khoa học hy vọng có thể dùng băng để phục vụ cho các căn cứ thường xuyên của loài người trên mặt trăng bằng cách chuyển nó thành nước uống, phân tách thành oxy (để thở) và hydro để chế nhiên liệu lỏng cho các tàu không gian.

Một trong những mẫu xe buýt sẽ dùng trong căn cứ của NASA trên mặt trăng, hiện đang chạy thử nghiệm ở sa mạc Arizona

Cũng giống Chương trình Apollo trước đây, kế hoạch Artemis sẽ tạo ra những "lợi ích kép", nghĩa là các sáng tạo công nghệ và kỹ thuật được sử dụng cho các chuyến bay dần được áp dụng vào cuộc sống thường nhật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính, điều khiển và bảo quản thực phẩm. Các loại máy tính xách tay, thực phẩm sấy lạnh, bơm insulin cho người bị tiểu đường... là một vài trong số ứng dụng quen thuộc ngày nay nhưng thực ra chúng đã ra đời từ các chuyến bay vũ trụ nửa thế kỷ trước.

Một câu hỏi thường xuyên gây tranh luận: Nếu chỉ để lấy mẫu đất đá thì có cần phải chịu rủi ro và phí tổn khủng để đưa con người lên mặt trăng không? Thực tế từ năm 1960 tới nay, rất nhiều robot đã được đưa lên mặt trăng để chụp ảnh, thăm dò, lấy mẫu đất đá; dựa trên những dữ liệu đó, các nhà khoa học yêu cầu phi hành gia phải tìm loại mẫu họ cần. Ngoài ra, các robot lấy mẫu cũng chậm hơn và không thể linh hoạt xử lý việc thu thập dữ liệu trong bối cảnh địa hình, địa vật thực tế trên mặt trăng. Chính vì thế, sự kết hợp giữa con người - robot sẽ cho kết quả tốt hơn nhiều; trong đó các phi hành gia khả năng được trang bị loại robot nhỏ để giúp định vị các lớp băng.

Xét về mặt kinh tế, Artemis sẽ góp phần tạo cú hích, khi có nhiều doanh nghiệp ra đời từ chương trình này và khai thác các sản phẩm trí tuệ của nó. Năm 2013, NASA đưa ra đánh giá rằng việc khai thác kết quả nghiên cứu của cơ quan này đã tạo cho nền kinh tế Mỹ những sản phẩm thương mại trị giá từ 110 triệu - 1 tỷ USD/năm/nghiên cứu.

Ví dụ nổi bật là máy tính điều khiển dẫn đường Apollo (AGC) - từng được chế tạo riêng để lắp đặt trên tàu mẹ (CM) và tàu con (LM) của mỗi chuyến bay Apollo - sau này được thương mại hóa đồng thời sử dụng rộng rãi trong chế tạo máy bay chở khách lẫn máy bay quân sự. Loại vải nhẹ, chống cháy ban đầu được chế tạo cho các phi hành gia chịu nhiệt độ cao, giờ được dùng may trang phục cho lính cứu hỏa Mỹ.

Cuối cùng, lý do được chú ý nhất: Dùng mặt trăng làm bàn đạp để đưa con người tới sao Hỏa. Người dân Mỹ hiện giờ sẽ không chi tiền thuế chỉ để đưa vài phi hành gia lên mặt trăng ở vài ngày rồi quay về...

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Apollo - Artemis:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang