(CAO) Núi lửa lớn nhất thế giới - Mauna Loa nằm ở bang Hawaii (Mỹ) đang phun trào lần đầu tiên sau gần 40 năm.
Giới chức đã phát đi khuyến cáo về lượng tro bụi mà nó thải ra trong đợt phun trào có thể gây ô nhiễm nguồn nước, giết chết thảm thực vật và gây kích ứng phổi.
Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã cảnh báo tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.
Mức độ cảnh báo của núi lửa cũng đã được nâng cấp từ "khuyến cáo" lên "cảnh báo" - mức phân loại cao nhất.
Mauna Loa, nằm bên trong Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii, bao phủ một nửa Đảo Lớn của tiểu bang này của Mỹ. Núi lửa phun có độ cao 4.169m trên mực nước biển và trải rộng trên diện tích hơn 5.179 km vuông.
Vụ phun trào bắt đầu vào tối 28-11 tại Moku'āweoweo.
Dòng dung nham chảy từ núi lửa Mauna Loa - Ảnh: BBC
Theo USGS, Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ lần phun trào đầu tiên được ghi nhận vào năm 1843.
Dân số của Đảo Lớn đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980 lên hơn 200.000 cư dân và cơ quan phòng vệ dân sự của Hawaii đã cảnh báo cư dân có thể phải đối mặt với "thảm họa dung nham".
Tiến sĩ Jessica Johnson, nhà địa vật lý núi lửa người Anh từng làm việc tại Đài quan sát núi lửa Hawaii, cho biết: “Những dòng dung nham này hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng có thể phá hủy cơ sở hạ tầng cực kỳ nghiêm trọng”.
Mauna Loa là ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới. Có những ngọn núi lửa khác lớn hơn nhưng chúng được phân loại là không hoạt động - nghĩa là chúng đã không phun trào trong một thời gian dài hoặc đã tắt - nghĩa là chúng gần như chắc chắn sẽ không phun trào trong tương lai.