Cuộc đua biến cung trăng thành "ngôi nhà mới" của nhân loại:

Kỳ 1: Apollo - Artemis: "Cặp song sinh" cách nhau... hơn nửa thế kỷ!

Thứ Hai, 28/11/2022 16:50

|

(CATP) Sau 3 lần bị hoãn do thời tiết và trục trặc kỹ thuật, ngày 16-11-2022 phi thuyền không gian Orion (sứ mệnh Artemis I) của Mỹ đã được phóng thành công. Trên thực tế, ít người biết rằng sự kiện này đã mở màn giai đoạn mới kéo dài hàng chục năm trong cuộc chạy đua biến mặt trăng thành "ngôi nhà mới hay trạm dừng chân" của nhân loại trên con đường chinh phục vũ trụ.

Trong cuộc chạy đua chinh phục mặt trăng vào thế kỷ XX, Mỹ đã nhanh chân hơn Liên Xô (LX) cũ, dù các nhà lãnh đạo Xô viết từng công khai tuyên bố việc đưa người lên mặt trăng và lập căn cứ của họ ở đó ngay từ năm 1961.

Ban đầu, hai bên định hợp tác thực hiện sứ mệnh chinh phục cung trăng, nhưng chỉ sau vài năm, họ đã trở thành những đối thủ cạnh tranh ráo riết: trong khi Mỹ thiết lập chương trình chế tạo tên lửa phóng tàu vũ trụ có người lái Apollo, thì LX cũ theo đuổi kế hoạch dùng tàu Soyuz 7K-L1 (tàu "Zond") đưa người đi về giữa trái đất - mặt trăng. Ngày 20-07-1969, hai phi hành gia Mỹ đã đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng trên tàu Apollo 11.

Hơn nửa thế kỷ sau, Chương trình Artemis, khởi đầu bằng chuyến bay của tàu vũ trụ Orion hôm 16-11-2022, với mục tiêu đưa người Mỹ quay lại mặt trăng vào năm 2024, được xem là nối tiếp và bước phát triển của Chương trình Apollo thập niên 1960 - 1970. Nước Mỹ không chỉ muốn làm chủ mặt trăng mà còn muốn nơi đây trở thành bàn đạp để đưa người lên sao Hỏa và sâu hơn trong vũ trụ.

Tàu Artemis 1 trên bệ phóng

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đặt ra các bước cụ thể cho Chương trình Artemis giai đoạn 2019 - 2024.

Không phải tình cờ mà người Mỹ đặt tên cho chương trình chinh phục mặt trăng của mình trong thế kỷ XXI là Artemis. Giống như Apollo, nữ thần Artemis là 1 trong 12 vị thần nổi tiếng nhất của thần thoại Hy Lạp ngự trên đỉnh Olympia. Hơn thế nữa, Artemis là em gái song sinh của thần Apollo và được coi là thần mặt trăng. Chính vì thế, dù có nhiều khác biệt nhưng cấu trúc và trình tự của các chương trình Apollo - Artemis trong giai đoạn đầu gần như "song sinh".

Artemis cũng trải qua những bước thử nghiệm kéo dài nhiều năm nhưng ít hơn so với quãng đường dài thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh con người của Apollo. Trong đó, việc phóng tàu Apollo 1 mang theo tổ lái 3 người vào ngày 27-01-1967 đã thất bại, toàn bộ phi hành đoàn chết cháy ở khoang điều khiển ngay trên bệ phóng. Một trong những lý do không kịp giải cứu là do thiết kế cửa sập không cho phép mở ra trong điều kiện áp lực cao.

Giữa bối cảnh ấy, các tàu Apollo 4, 5, 6 được phóng lên quỹ đạo quanh trái đất trong vòng 1 năm sau đó đều không có phi hành đoàn, với nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật tất cả các khâu và chuẩn bị thao tác khi rời đi hoặc quay lại quỹ đạo trái đất một cách an toàn.

Hôm 11-10-1967, tàu Apollo 7 mang theo phi hành đoàn 3 người tiếp tục được phóng lên quỹ đạo trái đất và sau khi quay 163 vòng ở quỹ đạo thấp trong vòng hơn 10 ngày, tàu đã hạ cánh an toàn. Hơn 1 năm sau, tàu Apollo 8, dưới sự điều khiển của 3 phi hành gia, đã đến được quỹ đạo quanh mặt trăng, quay quanh nó 10 vòng trước khi trở về trái đất.

Mặc dù đã tiếp thu nhiều kinh nghiệm tích lũy trong gần 70 năm qua nhưng Chương trình Artemis vẫn tỏ ra thận trọng. Sứ mệnh Artemis 1 (tức tàu Orion được phóng ngày 16-11-2022) không người lái với nhiệm vụ dò đường, chỉ quay quanh mặt trăng. Theo kế hoạch, Artemis 2 dự trù được phóng vào tháng 5-2024 sẽ mang theo phi hành đoàn 4 người nhưng cũng sẽ chỉ bay quanh quỹ đạo mặt trăng rồi trở về. Phải tới sứ mệnh Artemis 3 dự định thực hiện sớm nhất vào năm 2025 mới diễn ra việc đổ bộ của con người lên mặt trăng. Và nếu việc này thành công, con người sẽ quay trở lại mặt trăng giống tàu Apollo 11 đã thực hiện tháng 07-1969.

Nếu hai phi hành gia Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng ở vùng Biển Tĩnh Lặng thì nơi hạ cánh của các phi hành gia tàu Artemis 3 sẽ là 1 trong 13 địa điểm của danh sách do NASA chọn lựa, tất cả đều ở vùng cực Nam của mặt trăng, nơi mà các chuyến thám hiểm của Mỹ và LX cũ trong thế kỷ XX đều bỏ qua.

Artemis 1 hiện đang bay quanh mặt trăng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là soát xét lại kỹ thuật điều chỉnh quỹ đạo bay (bằng các tên lửa phụ mang theo) nhằm tiếp cận mặt trăng, bay quanh và rời khỏi nó - công việc mà Chương trình Apollo cách nay nửa thế kỷ phải cần tới 2 chuyến bay và mất 2 năm trời. Vì lẽ đó, Artemis - nữ thần của mặt trăng - thực hiện việc này cừ hơn "người anh em song sinh" của mình.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang