Khi giới siêu giàu đam mê thể thao:

Kỳ 1: Hoàng gia Qatar và dấu ấn về độ "chịu chi"

Thứ Hai, 12/12/2022 17:52

|

(CATP) Họ là các thành viên hoàng gia hoặc những người túi rủng rỉnh tiền, nổi tiếng về độ chịu chi cho những bộ sưu tập biệt thự, siêu xe, du thuyền cùng các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật lên đến hàng triệu đôla của mình. Trong số này, ngoài những thú vui xa xỉ, không ít tiểu vương, hoàng tử, công chúa hoặc các đại gia sẵn sàng chi cho niềm đam mê thể thao với con số gây choáng.

Dù World Cup 2022 đang tiến dần đến hồi kết nhưng những gì liên quan đến nước chủ nhà Qatar vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, khi một trong những hoàng gia giàu nhất, với GDP quốc gia thuộc hàng đầu thế giới, đã gây "choáng" do đã chi hàng trăm tỷ đôla tổ chức giải đấu. Và niềm đam mê môn "thể thao vua" này còn lan tỏa sang các thành viên hoàng thất với độ chi khủng.

Tạo cú hích về kinh tế và nâng cao sức khỏe người dân

Nằm trong số quốc gia giàu nhất hành tinh, Qatar là nước Arab đầu tiên và là quốc gia thứ hai tại châu Á đăng cai World Cup với kỳ vọng trở thành cú hích về kinh tế cho quốc gia vùng Vịnh này.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất ở Qatar. Càng thu hút hơn khi các đại gia nước này không chỉ có niềm đam mê những tòa nhà chọc trời, mà còn hào phóng rót tiền mua luôn các câu lạc bộ (CLB) bóng đá. Ngoài việc tạo dấu ấn tại World Cup 2022 với khoản chi khủng dành cho công tác tổ chức lên đến hơn 200 tỷ USD, năm 2004 tiểu vương Qatar cũng thành lập Quỹ Qatar Sports Investments, trở thành chủ sở hữu CLB bóng đá Pháp Paris Saint-Germain 7 năm sau đó. Gia đình tiểu vương cũng đã mua hơn 20% cổ phần của SC Braga - một trong những CLB bóng đá hàng đầu ở Bồ Đào Nha. Trong khi đó, 12 năm trước, thành viên hoàng gia Sheikh Abdullah Bin Nasser Al-Thani từng bỏ ra 36 triệu USD mua CLB bóng đá Tây Ban Nha Malaga.

Ngoài "thể thao vua", Hoàng gia Qatar cũng yêu thích nhiều môn thể thao khác, khi từng tham gia tổ chức Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) năm 2006, Giải vô địch Quyền Anh thế giới AIBA 2015...

Sân vận động Lusail được dát vàng

Là quốc gia có khí hậu nóng khô kéo dài, vì thế ngoài việc World Cup 2022 được tổ chức vào mùa đông, các sân vận động ở nước chủ nhà cũng được tăng cường hệ thống làm mát tân tiến. Thông qua những vòi phun lớn, không khí sau khi được làm mát sẽ di chuyển lên khán đài lẫn sân cỏ, giúp xoa dịu sự nóng bức cho các CĐV cũng như cầu thủ...

World Cup 2022 cũng đạt mục tiêu tham gia chiến dịch nâng cao sức khỏe và thể lực do chính phủ Qatar phát động, nguyên nhân chủ yếu là mức độ béo phì đáng báo động ở quốc gia này, khi cái nóng gay gắt thường trực là nguyên nhân khiến người dân lười tập thể dục.

Năm 2010, quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông này đã được chọn để tổ chức giải bóng đá danh giá nhất thế giới, một phần nhờ vào nỗ lực của gia đình hoàng gia đang lãnh đạo đất nước - gia tộc Thani. Hoàng tử Khalifa bin Hamad bin Khalifa Al Thani (SN 1991), con trai thứ 9 của tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani - cầm quyền ở Qatar giai đoạn 1995 - 2013, được giao đảm nhận vai trò Tư lệnh Chiến dịch An ninh cho World Cup 2022. Trong khi đó, Sheik Mohammed bin Hamad Al Thani (SN1988), con trai thứ 6 của cựu Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, có bằng thạc sĩ về quản lý công của Đại học Harvard Kennedy (Mỹ), phụ trách Ủy ban vận động tổ chức World Cup tại Qatar.

Những nghịch lý tồn tại

Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế từng yêu cầu Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tước quyền đăng cai World Cup của Qatar, do quốc gia Tây Á này không đảm bảo điều kiện cho số công nhân (CN) tham gia chuẩn bị cho giải thi đấu lớn nhất hành tinh của môn "thể thao vua", khi có hàng trăm người thiệt mạng trong quá trình xây dựng, do điều kiện làm việc ngặt nghèo giữa khí hậu khắc nghiệt lên đến 50 độ C.

Là quốc gia vùng Vịnh "khiêm tốn" về diện tích chỉ với 11.571km2, giàu lên nhờ dầu mỏ nhưng lại phải nhập khẩu thực phẩm; trong khi chính quyền chuyên chế, nằm trong tay hoàng gia lại ủng hộ các cuộc đấu tranh dân chủ bên ngoài nước mình. Qatar từng bị cáo buộc có liên hệ với Mặt trận Nusra, một chi nhánh của Tổ chức khủng bố al-Qaed; trong đó kênh truyền thông Al Jazeera của nước này "đã góp phần cổ vũ phong trào Mùa xuân Arab".

Càng đáng lo hơn khi theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Qatar phụ thuộc vào người lao động nước ngoài, với số công nhân di cư chiếm đến hơn 2/3 dân số và 94% lực lượng lao động...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang