Phóng tàu thám hiểm mặt trăng đầu tiên do một quốc gia Ả Rập chế tạo

Chủ Nhật, 11/12/2022 17:53  | Anh Duy

|

(CAO) ​Một tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng ngày 11/12 từ Trạm vũ trụ Cape Canaveral ở Florida, Mỹ mang vào vũ trụ tàu thám hiểm mặt trăng đầu tiên do một quốc gia Ả Rập chế tạo.

Rashid Rover được chế tạo bởi Trung tâm Vũ trụ Mohammed bin Rashid của Dubai (MBRSC), ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Sau khi đến Mặt trăng vào khoảng tháng 4 năm 2023, xe tự hành sẽ tiến hành các hoạt động chính. Nó sẽ kiểm tra xem liệu con người có thể sống sót trong môi trường ban đêm khắc nghiệt của mặt trăng hay không, trước khi ngừng hoạt động.

Được lên kế hoạch để hạ cánh xuống miệng núi lửa Atlas ở phần phía đông bắc của mặt trăng, xe tự hành này đã được thiết kế để chịu được môi trường đêm trăng, khi nhiệt độ có thể xuống tới -183°C.

Tàu tự hành Rashid Rover 

Rashid Rover, được đặt theo tên của Sheikh Rashid Al Saeed, cựu lãnh đạo của Dubai, sẽ phân tích plasma trên bề mặt mặt trăng và tiến hành các thí nghiệm để hiểu thêm về bụi mặt trăng.

Các hạt bụi mặt trăng sắc như dao cạo có thể bám vào và ăn mòn các bộ quần áo và thiết bị của phi hành gia, gây ra các vấn đề về vận hành cho các phi hành gia.

Xe tự hành sẽ hoàn toàn chạy bằng năng lượng mặt trời và được trang bị bốn camera, bao gồm một camera siêu nhỏ và camera nhiệt.

Vụ phóng diễn ra ngay sau sứ mệnh mặt trăng Artemis I của NASA và đánh dấu bước đầu tiên trong chương trình khám phá mặt trăng đầy tham vọng của UAE.

Quốc gia vùng Vịnh có kế hoạch gửi một số phương tiện, bao gồm cả xe tự hành và tàu quỹ đạo lên mặt trăng, với chiếc xe tự hành thứ hai được lên kế hoạch phóng ngay sau năm 2025.

Bình luận (0)

Lên đầu trang