(CAO) Hôm 11-11, AAP dẫn thông tin từ các nhà khoa học cho biết, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch đang trên đà tăng khoảng 1% trong năm nay.
Hậu quả của đà tăng này khiến các nhà khoa học phải đưa ra cảnh báo về việc thế giới khó tránh khỏi những mức độ tác động thảm khốc của quá trình biến đổi khí hậu.
Được công bố trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc, báo cáo cho thấy khoảng cách giữa những lời hứa mà chính phủ, các công ty và nhà đầu tư đưa ra để cắt giảm lượng khí thải làm hành tinh nóng lên trong những năm tới và hành động của họ hiện nay có một khoảng cách lớn khiến lượng khí thải tiếp tục tăng.
Theo báo cáo của hơn 100 nhà khoa học, các quốc gia dự kiến sẽ thải ra tổng cộng 41 tỷ tấn CO2 vào năm 2022, với 37 tỷ tấn phát sinh từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và 4 tỷ tấn từ việc sử dụng đất như phá rừng.
Sự gia tăng khí thải năm nay được thúc đẩy bởi việc sử dụng lượng dầu cao hơn trong hoạt động giao thông vận tải - đặc biệt là ngành hàng không khi các nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại sau khi đóng cửa trong đại dịch COVID-19.
Lượng khí thải nhà kính tăng đột biến
Phát thải từ việc đốt than tăng lên do các nước chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất là sau khi Nga hạn chế cung cấp khí đốt tự nhiên cho Châu Âu vì chiến sự ở Ukraine hồi tháng 2 khiến giá khí đốt toàn cầu tăng vọt.
Sản lượng CO2 từ Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, đã giảm 0,9% trong bối cảnh các vụ phong toả chống dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Lượng khí thải của Châu Âu cũng giảm nhẹ.
Trong khi đó, lượng khí phát thải tăng 1,5% ở Mỹ và tăng 6% ở Ấn Độ.
Ủy ban khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết khí phát thải nhà kính toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030 mới hạn chế được sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C và tránh những tác động nghiêm trọng nhất từ quá trình này.
Đại dịch COVID-19 đã góp phần làm lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm kỷ lục vào năm 2020 nhưng lượng khí thải hiện đã tăng trở lại so với mức trước dịch COVID-19.
Rất khó để dự đoán lượng phát thải trong những năm tới do những bất ổn xung quanh phản ứng lâu dài của các quốc gia đối với đại dịch và cuộc khủng hoảng khí đốt của Nga. Điều này phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia có tiếp tục đốt than hay đầu tư mạnh vào năng lượng sạch.