Phát triển nhà ở xã hội phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn

Thứ Tư, 29/03/2023 08:12

|

(CAO) Nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo phát triển NOXH phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, tránh chạy theo phong trào rồi dẫn đến hậu quả xây xong không có người ở sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn cho xã hội.

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Mói đây Báo Người Lao động tổ chức hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở cho công nhân lao động và người thu nhập thấp.

Theo đó, nhu cầu về NOXH cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở cho đối tượng này ở các khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% nhu cầu của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011.

Tại TP.HCM, thời gian qua dù triển khai nhiều dự án NOXH, nhưng thực tế sau khi lễ khởi công diễn ra xong thì không ít dự án “đắp chiếu trùm mền” vì nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Không chỉ ít về số lượng mà việc tiếp cận thông tin về các dự án NOXH của công nhân, người lao động cũng rất khó khăn. Chị Lê Thị Hằng, một công nhân làm việc tại KCX Tân Thuận cho biết từ quê Thanh Hóa vào TPHCM làm việc, nhiều năm phải sống trong nhà trọ chật hẹp, nóng bức nên rất khao khát có được một căn hộ NOXH diện tích khoảng 40-50m2 với giá khoảng 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về các dự án NOXH cũng như nguồn vốn tín dụng hỗ trợ. Khi tiếp cận được thì phải qua nhiều tầng nấc trung gian khiến cho giá NOXH đã bị đẩy lên cao.

Ông Phạm Đăng Hổ - Trưởng phòng Quản lý phát triển nhà và thị trường BĐS thuộc Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận thực trạng phát triển NOXH thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chịu tác động bởi 6 luật có liên quan như Luật nhà ở; Luật đất đai; Luật đầu tư…

Bên cạnh đó, hiện nay NOXH có nhiều thông tư chưa được hướng dẫn chi tiết nên khó khăn trong việc thực hiện. “Chính vì vậy mà thời gian qua chỉ có 1 dự án với 260 căn NOXH được đưa vào vận hành tại TP.Thủ Đức vào năm 2021. Đây cũng là dự án đầu tư chuyển tiếp trong giai đoạn 2016-2020 chứ trong giai đoạn hiện nay thì chưa”, ông Hổ nói.

Phát triển nhà ở xã hội không thể chạy theo phong trào, mà phải thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực sự của người thu nhập thấp

Đại diện Sở Xây dựng cho biết trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TPHCM kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển NOXH. Trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu. Đồng thời, cho phép TP sắp xếp lại các quỹ đất thực hiện NOXH trong dự án thương mại để có thêm nguồn lực đầu tư.

Cần có những chính sách đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về NOXH, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" nhằm đáp ứng khoảng 85% nhu cầu của người dân.

Tại TP.HCM, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà. Trong đó giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà).

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn năm 2021-2025 phấn đấu phát triển thêm gần 1,9 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 42.000 căn hộ; giai đoạn năm 2026-2030, tỉnh dự kiến phát triển thêm 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 42.000 căn hộ. Đồng Nai dự kiến cũng sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025, với 37 dự án về nhà ở cho công nhân, người lao động với trên 175 ha đất sạch trên địa bàn tỉnh.

Để hoàn thành được các mục tiêu trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng cần phải có chính sách tháo gỡ nhiều điểm nghẽn. Trong đó có 2 điểm nghẽn lớn cần sớm tháo gỡ là thủ tục hành chính và xác định đối tượng nhà ở xã hội vì chỉ cần đóng một đồng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nhưng thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.

Ông Lê Hữu Nghĩa – Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Thành nêu khó khăn khi làm NOXH

Đồng tình với việc phải có chính sách tạo đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Lê Hữu Nghĩa – Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Thành dẫn chứng các dự án NOXH công ty đang triển khai là đất doanh nghiệp có sẵn, phù hợp quy hoạch đất ở nhưng suốt 4 năm qua việc điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa xong. Chưa kể Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải xin ý kiến 10 sở, ngành để chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng mất cả năm trời vẫn chưa xong.

“Nên chăng chúng ta cần phải quy định khi các sở ngành được hỏi ý kiến thì sau 15 ngày phải trả lời. Không có phản hồi thì coi như không trả lời để nhanh chóng giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tạo đột phá ở con người trực tiếp giải quyết hồ sơ phải nhanh chóng. Chứ doanh nghiệp làm xong hết 9 thủ tục rồi người giải quyết hồ sơ moi móc ra 1 thủ tục chưa được quy định cụ thể để rồi ách tắc hết cả dự án thì không ai chịu nổi. Phải xác định làm cái này không phải chỉ để giúp cho doanh nghiệp mà còn là giúp người dân nghèo nhanh chóng có chỗ ở”, ông Nghĩa kiến nghị.

Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng cần phải tạo đột phá về khơi thông nguồn vốn cho NOXH. Theo đó, mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ làm NOXH nhưng công nhân, người lao động không thể kham nổi với lãi suất 9%-10%. “Lãi suất này chỉ phù hợp cho chủ đầu tư xây nhà. Ngân hàng phải cho vay lãi suất 4,8%-5% thì công nhân, người lao động mới kham nổi”, ông Tuấn nói.

Ông Ngô Quang Phúc - TGĐ Tập đoàn Phú Đông Group cho rằng đối với doanh nghiệp, quỹ đất để phát triển dự án là quan trọng nhất. Hiện nay các doanh nghiệp dù rất muốn tham gia vào phát triển NOXH nhưng rất khó tiếp cận quỹ đất. Do đó các địa phương có thể quy hoạch các khu đô thị vệ tinh cách trung tâm khoảng 10-15 km để làm NOXH. Khi đó, sẽ huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia đấu thầu để triển khai.

Tuy vậy, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng việc phát triển NOXH phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, tạo được hệ sinh thái tiện ích xã hội xung quanh như y tế, trường học, kết nối giao thông thuận lợi… để đảm bảo được điều kiện an sinh. Có như vậy mới thu hút được người dân về ở. Tránh việc làm NOXH chạy theo kiểu phong trào rồi dẫn đến hậu quả xây xong không có người mua, người ở sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn cho xã hội. Phải thay đổi tư duy xem phát triển NOXH là một chính sách kinh tế nhân văn, mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội để xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản.

"Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam được giao tổng số 15.000 tỉ đồng để cho vay chương trình NOXH bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỉ đồng, như vậy còn hơn 7.000 tỉ đồng nên không thiếu vốn cho vay”.

(Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam)

Bình luận (0)

Lên đầu trang