Quặn lòng trước cảnh trẻ em, người già xin ăn trên đường phố

Thứ Sáu, 14/04/2023 11:09

|

(CATP) Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM rất dễ gặp cảnh nhiều người già, khuyết tật, trẻ em xin ăn trên đường phố tấp nập xe cộ. Chứng kiến những cảnh ấy, người đi đường quặn lòng trắc ẩn, nhưng đáng lo lắng hơn cả là nguy cơ xảy ra tai nạn, mất trật tự an toàn giao thông.

Đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp phối hợp hỗ trợ…

UBND TPHCM vừa ra thông báo về Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10-03-2023 của UBND TPHCM quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TPHCM. Cạnh đó, các địa phương cần rà soát, lập danh sách những khu vực có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có nguy cơ lang thang xin ăn để kịp thời vận động, thuyết phục và hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giúp ổn định đời sống. Cùng với những biện pháp hỗ trợ do các cơ quan chức năng và địa phương triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động chủ các khu nhà trọ phối hợp địa phương trong việc thông tin về tình trạng của người ở trọ có nguy cơ lang thang xin ăn hoặc có dấu hiệu "chăn dắt" trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật lang thang xin ăn.

Triển khai thực hiện thông báo trên, nhiều địa phương đã vào cuộc. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh xin ăn trên đường phố, nhất là các giao lộ lớn mỗi ngày, người dân không khỏi chạnh lòng. Thời gian qua, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tận mắt chứng kiến không ít cảnh trẻ em gầy gò, nhem nhuốc, đứng chờ tại giao lộ. Mỗi khi đèn đỏ, các em lại túa ra đường, ngửa tay, ngả mũ trước dòng xe cộ chật như nêm. Đắng lòng hơn cả là những ánh mắt nhìn ái ngại, khó khăn. Khi dòng xe chuyển động, để lại các em nhỏ vội vã, láo liên tìm đường "thoát" vào lề đường. Điều này rất nguy hiểm, các xe vội vã rồ ga lao đi, còn các em nhỏ né tránh trong sự mất an toàn về trật tự giao thông.

Chúng tôi cố nán lại giữa cái nắng hanh khô hừng hực tại giao lộ Mai Chí Thọ và lối rẽ dẫn vào gần đường cao tốc ở TP.Thủ Đức, để lén nhìn các em nhỏ bon chen giữa dòng đời. Khi đèn đỏ phía đường Mai Chí Thọ bật lên, có khoảng 5 em nhỏ (cả gái lẫn trai) lại lao ra đường, ngửa mũ, đưa tay xin tiền. Trong dòng xe cộ ấy, một vài người động lòng, rút vội tờ tiền lẻ cho các em. Các em cúi đầu cảm tạ như cái máy, rồi lại láo liên tìm sự giúp đỡ khác. Tiếng động cơ, còi xe và câu chuyện xin ăn của trẻ em nơi ấy cứ lẩn quẩn trong đầu chúng tôi.

Ca hát và xin 2 ngàn đồng trên đường Phạm Văn Đồng

Để xe bên lề đường, tiến lại gần một bé gái đen nhẻm, phóng viên hỏi: "Sao em không vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để học nghề và được nuôi dưỡng?". Nhìn ngó xung quanh như đề phòng, cô bé lắc đầu, im lặng bỏ đi nơi khác. Chúng tôi quyết định đến sát giao lộ, cố tiếp cận một bé gái có vẻ người lớn, cũng tham gia ngửa nón xin ăn trước mặt người đi đường, nhưng bé gái này đã lảng tránh rất nhanh (!?).

…Đến cần phải vận động, thuyết phục

Clip được lan truyền trên mạng xã hội gần đây ghi lại cảnh em nhỏ tham gia phun lửa ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q1) được anh cán bộ công an đến đưa về trụ sở, nhưng bị nhiều người dân bao quanh như muốn "giải vây". Nhưng khi nghe chính anh cán bộ công an giải thích rằng đứa trẻ vô tội này đã bị các đối tượng "chăn dắt" lợi dụng nên cần điều tra, làm rõ thì mọi người như tỉnh ngộ. Điều đó cho thấy tình trạng trẻ em bị kẻ xấu lợi dụng, "chăn dắt" để kiếm lợi bất chính cần phải trừng trị thích đáng. Không chỉ các trẻ em xin ăn lập tức lảng tránh khi chúng tôi tiếp cận, hỏi han, nhiều người lớn tuổi, khuyết tật xin ăn cũng đều tỏ ra ái ngại, dò xét rồi chung cách ứng xử là... tránh xa chúng tôi.

Hành vi lợi dụng người già, khuyết tật, trẻ em xin ăn để trục lợi là vi phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016. Theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP, việc lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền và buộc nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, nếu ngược đãi, đánh đập, gây thương tích cho người già, trẻ em để buộc họ phải đi xin ăn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chiều muộn tháng 4-2023, chạy xe dọc tuyến đường sầm uất Cách Mạng Tháng Tám (từ Q1 sang Q3) rồi vòng ra đường Ba Tháng Hai (Q10), vào các đường Cao Thắng, Điện Biên Phủ..., nhiều lắm cảnh người cao tuổi, khuyết tật, trẻ nhỏ xin ăn dọc đường. Mỗi người mỗi kiểu, nhưng cái kiểu chung vẫn là ăn mặc rách rưới, nhếch nhác. "Thương quá..., thương thật. Nhưng mà nhiều khi lòng tốt đặt sai chỗ và cũng không nên tạo điều kiện cho tình rạng này. Thấy thì đau lòng lắm chứ, muốn trao cho những người xin ăn ít gì đó, nhưng nghĩ lại làm như vậy liệu có nên không? Các đoàn thể, cơ quan chức năng cần vào cuộc, đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập và nên đưa người xin ăn vào những chỗ mà họ nương tựa được" - Anh Chí Hải (ngụ Q3) băn khoăn, chia sẻ.

Lái xe qua giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) hay chạy dọc Đại lộ Phạm Văn Đồng phía các quận Gò Vấp, Bình Thạnh hướng sang TP.Thủ Đức, chúng tôi không khỏi mủi lòng trước nhiều hoàn cảnh xin ăn. Có người đàn ông đi xe đạp điện, chở loa thùng, vừa ra sức hát cho người đi đường nghe những giai điệu u buồn đến não ruột, trên xe dán tờ giấy ghi dòng chữ "Cho tôi xin 2.000đ”. Cũng như nhiều nơi có đông xe cộ qua lại thường thấy cảnh xin ăn, nhưng khi người đi đường tiếp cận họ để hỏi thăm thì hầu hết đều có biểu hiện tránh xa người hỏi. Do đó, cần có sự tiếp cận, hỏi thăm, trao đổi của các cơ quan chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương để động viên, thuyết phục trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật tập trung vào cơ sở bảo trợ xã hội để được học nghề, tạo việc làm.

Khu vực xe cộ đông đúc là nơi nhiều em nhỏ len lỏi để xin ăn

Xử lý nghiêm việc giả bệnh, khuyết tật… để xin ăn

Cũng cần nói rõ là có sự lẫn lộn trong tình cảnh xin ăn do hoàn cảnh éo le thật sự, cần hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng với những trường hợp lợi dụng việc xin ăn để giả bệnh, giả người khuyết tật, thậm chí "chăn dắt" những người bị bệnh hoặc khuyết tật thật sự và trẻ em xin ăn để khiến người đi đường động lòng cho tiền.

Theo Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), trong 2 tháng đầu năm 2023, các đơn vị trực thuộc Sở đã tiếp nhận 148 trường hợp lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã tiếp nhận 101 trường hợp, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần tiếp nhận 47 trường hợp.

Theo định kỳ, trước các dịp lễ, tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản đôn đốc các địa phương tăng cường công tác tập trung người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn; tăng cường truyền thông, giáo dục, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc xin ăn xảy ra. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội phối hợp với các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, TP.Thủ Đức kiểm tra, rà soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, giải quyết những trường hợp người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế tình trạng xin ăn, sống lang thang, "chăn dắt" hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế để trục lợi. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Sở sẽ đề nghị các đơn vị xử lý hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Những năm gần đây, tình trạng xin ăn, sống lang thang nơi công cộng tại TPHCM có giảm, nhưng chưa đáng kể. Năm 2022, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên tình trạng người xin ăn, người sống lang thang nơi công cộng xuất hiện nhiều hơn. Mặt khác, tình trạng xin ăn biến tướng ra nhiều hình thức như: giả bị bệnh nan y, bán vé số, tăm bông, lợi dụng trẻ em, giả thầy tu đi khất thực... gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý. Một nguyên nhân khác là vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt trong thực hiện công tác tập trung tại các đơn vị quận, huyện, TP.Thủ Đức. Công tác phối hợp của các quận, huyện, TP.Thủ Đức khi nhận thông tin từ Sở cũng chưa hiệu quả, kết quả xử lý chưa được phản hồi.

Người xin ăn khi vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ dạy văn hóa, dạy nghề và giới thiệu việc làm, nhất là trẻ em, người trong độ tuổi lao động, người khuyết tật còn khả năng lao động. Tuy nhiên, do quy định thời gian tiếp nhận, quản lý đối tượng không quá 90 ngày nên việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn, đây cũng là vấn đề rất cần sự quan tâm, khắc phục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang