Tuổi thơ bị rao bán
Tại ngã tư 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong (Q10) vào một tối đầu tháng 12-2021 vẫn tấp nập người và xe. Ở một góc vỉa hè, đứa bé gái tuổi chưa quá 10 ăn vận xộc xệch. Đôi mắt nhắm nghiền, em nằm vất vưởng bên chiếc bảng cầu xin lòng thương hại của người qua lại. Trời Sài Gòn đêm về se lạnh, gió rít từng cơn khiến cô bé rúm người lại... Ai trông thấy cũng không khỏi chạnh lòng!
"Trời gió lớn vậy mà nỡ lòng cho con bé nằm tơ hơ vậy hả trời. Người lớn biết lạnh bộ trẻ con thì không sao?" - người phụ nữ dừng đèn đỏ cạnh đó trông thấy, bức xúc nói to. Lời than vãn khiến nhiều ánh mắt hướng tới đứa bé đang nằm co ro vì lạnh. Xót cho hoàn cảnh đứa nhỏ, một vài người ghé bỏ vào chiếc rổ những tờ tiền lẻ rồi rời đi.
Suốt hơn 15 phút dõi theo nhưng chưa một lần chúng tôi thấy sự hiện diện của mẹ hoặc cha của đứa bé. "Con ơi! lấy bánh bao với sữa ăn tối nè!" - tôi cố đánh thức song không nhận được bất kỳ phản ứng nào từ đứa nhỏ. Thấy có người lạ cầm theo máy ảnh, từ trong góc tối, một người phụ nữ ngoài 30 tuổi tiến lại. Đôi mắt lộ rõ sự khó chịu, miễn cưỡng tiếp chuyện.
"Có gì không anh? Để cho nó ngủ, đánh thức chi vậy?" - người này nói. "Tôi mua sữa với bánh cho bé. Thấy nó nằm tơ hơ tội quá” - tôi đáp. Người phụ nữ không nói gì mà chỉ đưa tay nhận lấy gói đồ, định quay đi. "Chị ơi! Thế chị là mẹ của đứa nhỏ hả. Hai mẹ con có chuyện gì khó khăn, kể tôi nghe xem có giúp được gì không?" - chờ có thế, cô này vội quay lại.
Bà mẹ trẻ cho biết, mùa dịch vừa qua chị ta không có tiền trả nhà trọ nên bị đuổi ra đường. "Đứa nhỏ nằm đây là con lớn, chị còn một đứa nữa đang nằm ngủ cách đó không xa" - người phụ nữ chỉ tay nói. "Sao không kiếm việc gì làm để có tiền nuôi con. Mang hai đứa nhỏ ra đường xin tiền kiểu này tội chúng quá?" - tôi hỏi. Mẹ của đứa bé đổ cho sức khỏe yếu nên dù muốn nhưng buộc phải mang hai con ra đường, tranh thủ lòng thương của xã hội để sống qua ngày.
Hai đứa trẻ nằm xin tiền phía trước khu nhà cao tầng trên đường Đồng Khởi (Q1)
Bà mẹ vừa dứt lời, tôi nhanh chóng giới thiệu công việc của mình và ngỏ ý sẽ gọi điện thoại cho chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ. Vừa nghe tới việc gọi cho Ủy ban phường, người này lộ rõ sự khó chịu, thẳng thừng cự tuyệt. "Thôi cảm ơn! Tôi không cần ai giúp hết, tự mẹ con tôi kiếm tiền được rồi" - vừa nói, bà mẹ trẻ nhanh chóng thu dọn đồ đạc rời đi.
Nhiều ngày âm thầm theo dõi hoạt động của người phụ nữ trên, chúng tôi ghi nhận được, cứ khoảng 16 giờ mỗi ngày, bà mẹ cùng hai con nhỏ lại xuất hiện tại đây, án ngữ một góc trên vỉa hè. Sau khi sắp xếp chỗ nằm xong xuôi, người này lánh mặt vào một góc tối gần đó quan sát. Cứ thế, người này thản nhiên để hai đứa nhỏ phơi mình giữa sương đêm, "buôn" lòng thương hại. Chỉ đến khi phát hiện có người tiếp cận có ý quay phim, chụp hình, người mẹ này nhanh chóng ló mặt để can thiệp.
Nhiều người kinh doanh gần đó cho biết, ba mẹ con này tới đây xin tiền cũng đã lâu nhưng chưa thấy ai tới nhắc nhở. "Họ xin tiền từ chiều tới khuya. Đúng 12 giờ đêm là có người tới đón về. Tụi tôi thấy mấy đứa nhỏ nằm phơi sương, phơi gió tội quá chừng mà đến hỏi thăm, mua đồ ăn thì mẹ đứa bé lại tỏ vẻ khó chịu" - một người bán nước cách đó không xa cho biết.
Đứa trẻ nằm co ro tại ngã tư 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong (Q10)
Cũng trên tuyến đường 3 Tháng 2 (Q10), thời gian gần đây tình trạng trẻ "cái bang" tái xuất khá nhiều. Các em đa phần đều không đeo khẩu trang kỹ lưỡng, không đảm bảo các quy định an toàn phòng chống dịch khiến nhiều người chứng kiến lo lắng. Trong tối 5-12, ngoài trường hợp đã nêu, chúng tôi còn phát hiện khoảng hơn 6 trường hợp khác đang tụ hội ở đây để bán vé số hoặc xin tiền. Chỉ cần thấy người đi đường dừng đèn đỏ, số trẻ này sẽ tự tỏa ra nhằm chèo kéo, xin tiền.
"Chú ơi đừng quay phim con"
Trong những ngày TPHCM phải thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách nhằm phòng chống dịch Covid-19, tình trạng trẻ lang thang, cơ nhỡ phải ra đường xin ăn, bán vé số gần như không xuất hiện. Chính quyền địa phương phối hợp cùng lực lượng Công an (CA) phường, xã tích cực tìm và đưa số trẻ này về chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, khi TP vừa quay trở lại với nhịp sống thường nhật, trẻ ăn xin bằng cách nào đó lại "tìm đường" quay lại các khu trung tâm kiếm sống. Thậm chí khi quay lại "hành nghề", các em còn được người lớn "bày chiêu" để né sự chú ý của phóng viên và lực lượng chức năng.
Trời đã bắt đầu đêm (9-12), phía trước dãy nhà cao tầng trên đường Đồng Khởi (Q1) xuất hiện bóng dáng của hai đứa nhỏ. Thằng anh trạc 10 tuổi còn đứa nhỏ chừng 6 tuổi. Cả hai đứa bé đều trông bộ dạng lem luốc, đến cả chiếc khẩu trang y tế cũng không còn nguyên vẹn, bạc thếch, giãn rộng, cứ trồi lên sụt xuống. Mỗi lần đèn đỏ sáng lên, cả hai đứa nhóc lại ôm theo chiếc lon, lò dò chạy ra giữa đường xin tiền. Dù còn khá nhỏ song bé trai lại tỏ ra lanh lợi, chỉ cần phát hiện sự xuất hiện của lực lượng CA hay quản lý trật tự đô thị, hai anh em nhanh chóng đưa nhau đi mất.
Trời chuyển tối muộn, cả hai dù buồn ngủ ríu mắt nhưng vẫn cố gượng, để ý từng đoàn xe đi qua để xin tiền. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, cậu anh tiến lại năn nỉ: "Chú đừng chụp hình con nha, người ta biết la con dữ lắm". "Ai la tụi con?" - tôi hỏi lại. Cậu bé không nói, chỉ đáp lại bằng khuôn mặt ngượng ngùng. Tâm sự thêm với phóng viên, cậu nhóc cho biết, đứa bé đi cùng là em gái ruột của mình. Cả hai theo chân một người tên là chú Tám ra đây xin tiền mưu sinh. Tiền cả hai xin được cuối ngày sẽ "được" chú Tám lấy lại.
Cậu nhóc cũng "bật mí”, trẻ hành nghề xin ăn tại các tuyến đường trung tâm đều rất lo ngại bị người khác chụp hình. Chỉ cần bị đăng hình lên báo mạng hay Facebook, các em sẽ bị ba mẹ la rầy vì sợ CA đẩy đuổi, không còn được đứng tại đó kiếm tiền.
Nhóm "cái bang" chia nhau chèo kéo người đi đường tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong (Q10)
Lo ngại trẻ ăn xin dương tính với Covid-19
Theo tìm hiểu, đa phần các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ hành nghề xin ăn tại TPHCM đều đến từ các tỉnh miền Tây, thậm chí có cả các em nhỏ người Khmer gốc Campuchia. Trong đợt TPHCM thực hiện giãn cách, các em theo thân nhân về lại quê cũ đến khi TP mở cửa lại. Đa phần số trẻ này khi được hỏi đều chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Điều này tạo ra những nỗi lo không hề nhỏ về sức khỏe cho những đối tượng đặc biệt này, nhất là trong giai đoạn dịch còn đang diễn biến phức tạp.
Thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bung mạnh trở lại tại TPHCM (đợt bùng lần thứ 4) và các tỉnh phía Nam, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ký văn bản gửi Sở LĐTB&XH các địa phương về tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, đơn vị đã đề nghị Sở LĐTB&XH các địa phương cần phối hợp các ngành, các đơn vị chức năng tại địa phương để tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Trước đó, Sở LĐTB&XH TPHCM cũng có văn bản gửi Phòng LĐTB&XH các quận, huyện yêu cầu chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các đối tượng, ngăn chặn tình trạng "chăn dắt", lợi dụng các đối tượng yếu thế đi ăn xin để trục lợi, yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các đối tượng, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế đi ăn xin để trục lợi.
Tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng lợi dụng, ép buộc, dụ dỗ lang thang ăn xin; kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng, đặc biệt là nhóm cao tuổi nhằm bảo vệ tốt tính mạng, sức khỏe cho người dân.