LẶN LỘI TẬN ĐÊM KHUYA
Thời gian gần đây, tại khu vực chợ Tân Định (đoạn giao lộ giữa Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu) liên tục xuất hiện nhiều đứa trẻ đến để ăn xin vào mỗi buổi tối. Theo đó, cứ đến khoảng 18 giờ hàng ngày, nhóm trẻ này không biết từ đâu tới, dẫn nhau đi bộ dập dìu hướng cầu Kiệu về ngã tư chợ Tân Định. Khi đến khi vực có đèn tín hiệu giao thông, 6-7 đứa bé bắt đầu dừng lại, đùa giỡn một lúc trước khi tỏa ra khắp các ngóc ngách của chợ để bán vé số và kiêm luôn xin tiền người đến ăn uống tại các hàng quán trong khu vực. Theo quan sát của chúng tôi, đứa lớn nhất trong nhóm chỉ khoảng 10 tuổi, nhỏ nhất tầm 4 tuổi, đều đội nón, mang túi xách và cầm trên tay một xấp vé số dày cộm.
Ông Nguyễn Nghĩa (54 tuổi, nhân viên bảo vệ của một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng) cho biết: "Cứ đến khoảng chiều tối là mấy đứa nhỏ này xuất hiện ở ngã tư. Tụi nó vào mấy quán ăn ven đường xin bìa các-tông của người dân rồi trải ra ngồi ở vỉa hè đường Hai Bà Trưng để bán vé số, níu áo người ta xin tiền. Những đứa không đứng ở ngã tư thì đi lòng vòng khắp các hàng quán để tìm khách bán vé số, bánh kẹo".
Ăn xin trên đường Mai Chí Thọ
Đi quanh các hàng quán tại khu chợ Tân Định, chúng tôi gặp Út Nghĩa (8 tuổi) với một rổ kẹo cao su trên tay. Khi được hỏi, Út Nghĩa vô tư trả lời đã có "thâm niên" đi xin tiền được 6 năm rồi. Nước da đen nhẻm nhưng đôi mắt sáng, Nghĩa khá có duyên khi hầu hết mời khách nào cũng được họ chấp nhận mua hàng. "Nhà con ở gần cầu Kiệu, có 5 chị em (3 gái, 2 trai), ai cũng đi bán vé số và bán kẹo, chị với mẹ con đang bán vé số ở ngoài kia (ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng). Thường thì cả nhà bán tới 12 giờ đêm ba mẹ mới dắt con về", cậu bé hồn nhiên kể.
Khi chúng tôi cố hỏi thêm, Nghĩa tiết lộ mỗi ngày nếu may mắn có thể bán được phân nửa số kẹo cao su trong rổ và xin được vài trăm ngàn đồng. Số tiền bán được Nghĩa cất vào túi cho đến khi về nhà thì đưa hết cho mẹ. Chúng tôi phát hiện khi Nghĩa đi xin tiền ở các hàng quán trên đoạn đường Nguyễn Hữu Cầu (Q1), có một người đàn ông lớn tuổi luôn theo sau em. Thấy chúng tôi bắt chuyện với em thì người này đến mời vé số, sau đó di chuyển qua vỉa hè bên đường đứng quan sát. Thấy chúng tôi chụp ảnh Út Nghĩa, người này liền lấy điện thoại để gọi, một lúc sau thì thấy các em đã ngừng đi xin tiền. Nhiều người tại khu vực cho hay, người đàn ông bán vé số là cha của Nghĩa.
Một "cái bang" giữa dòng xe cộ
KHI LÒNG TỐT BỊ LỢI DỤNG
Gần nửa đêm, không khí đã trở lạnh nhưng các em vẫn miệt mài đi mời khách ở các quán ăn mua vé số, xin tiền và thức ăn. "Chú kia mới cho con 50 nghìn đồng", bé Gòn khoe. Năm nay Gòn vừa tròn 5 tuổi, lanh lợi và cười nhiều, là em gái của Út Nghĩa. Hôm nay ham chơi nên em nghỉ sớm, đang chơi đùa cùng 3 đứa trẻ khác nhưng tất cả đều là em họ của Gòn. "Mẹ của 3 đứa con là em của mẹ Gòn, nên tụi con là em họ của nó”, Chôm Chôm giải thích.
Trong 4 đứa trẻ đang chơi với nhau thì Chôm Chôm là lớn nhất, năm nay 11 tuổi. Nhà em cũng giống như nhà của bé Gòn và Út Nghĩa, đều có 5 chị em (3 gái, 2 trai), em là chị cả trong nhà. Điểm chung của cả hai gia đình này ngoài việc đều có 5 đứa con, cả 2 người mẹ là chị em của nhau, thì tất cả 10 đứa trẻ đều phải đi bán vé số và xin ăn, không có đứa nào được đi học và đều là "phương tiện" để ba mẹ chúng kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác. Dãi nắng dầm mưa từ 11 giờ trưa đến tận khuya, nhưng các em luôn miệng nói không mệt vì "tụi con quen rồi".
Quá nửa đêm, vì theo "lệnh" cha mẹ giao, các em vẫn miệt mài xin tiền
"Dạ không có đứa nào đi học hết", Chôm Chôm trả lời khi chúng tôi hỏi các em có được cha mẹ cho đi học không. Sau câu hỏi về việc đi học, Beo, Bòn Bon (lần lượt 6 - 8 tuổi) và Gòn (5 tuổi) vẫn vui cười với nhau, duy chỉ có Chôm Chôm, bỗng nhiên khuôn mặt em trầm ngâm, nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn: "Con muốn đi học, con 11 tuổi rồi nhưng suốt ngày phải đi bán, nhìn các bạn được cha mẹ đưa đi học, con ước gì mình cũng được như vậy". Tưởng chừng việc đi học chính là quyền lợi của trẻ thì với em đó lại là ước mơ quá xa vời.
Tổng đài 111 là tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em. Người dân khi phát hiện, thấy các biểu hiện trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bỏ rơi, lang thang trên phố thì lập tức báo ngay cho tổng đài 111 để có hành động can thiệp và xử lý kip thời. Đây là đường dây nóng hoạt động 24/24, mọi cuộc gọi đến 111 đều miễn phí.
Bà Tr. (52 tuổi) đẩy xe bán thức ăn trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng chia sẻ, mỗi lần có người mua đồ ăn, thức uống cho thì các em đều xin thêm. Người ta mua cháo cho thì tụi nhỏ xin thêm chút thịt, mua sữa đậu nành cho thì thêm xin ly một ly nữa. Tôi có hỏi tụi nhỏ chưa no hay sao mà xin thêm thì tụi nhỏ trả lời "dạ con thèm". Là người ngoài như tôi còn thấy thương tụi nhỏ, cha mẹ nào lại nỡ để con mình như vậy.
Tuy nhiên, tại khu vực chợ Tân Định vẫn còn nhiều trường hợp lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em, "chăn dắt" con cái đi ăn xin. Chị Thanh Bình, người dân khu vực tiết lộ với chúng tôi, xung quanh khu chợ này không chỉ có 10 đứa trẻ từ 2 gia đình trên, mà còn rất nhiều người làm cha mẹ lợi dụng con cái để lừa gạt lòng thương hại của người khác. "Xung quanh chợ này có rất nhiều người lớn trên tay bế trẻ nhỏ đi ăn xin, bán vé số, đánh vào lòng trắc ẩn của người khác. Ngay góc giao lộ đối diện chợ có một quán cháo, người phụ nữ phụ bán cháo ở đó dắt theo 3 con, đứa nhỏ nhất chưa đến 1 tuổi, lớn nhất khoảng 6 tuổi. Người này chỉ con mình đẩy theo em bé để xin tiền người đến ăn cháo, người đi đường và khách ở hàng quán xung quanh.
"Từng ngày, họ - những người làm cha mẹ thu về số tiền không nhỏ trên thân xác và sức lao động của những đứa con của mình và số tiền này sẽ được dùng cho mục đích gì? Khi không đứa trẻ nào được chăm sóc chu đáo, không đứa trẻ nào được đi học, suốt ngày phải lang thang để xin tiền về cho cha mẹ. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý, giúp các em có cuộc sống tốt hơn" - chị Thanh Bình bức xúc.
Út Nghĩa (bên phải) cùng các em đi xin ăn
CẦN QUYẾT LIỆT XỬ LÝ
Gần đây, nhiều đường dây chăn dắt ăn xin đã được triệt phá, có trường hợp cha mẹ ruột, người thân "chăn dắt", bạo hành chính con của mình, chúng ta mới thấu hiểu được một phần nỗi đau mà các em phải chịu. Ẩn sau hiện tượng "chăn dắt" trẻ em ăn xin vẫn còn đó trên địa bàn TPHCM, không thể biết còn bao nhiêu đứa trẻ phải khổ sở sống trong cảnh bạo hành, bóc lột sức lao động.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, hành vi "chăn dắt" trẻ em ăn xin trên đường phố, cho dù là người ngoài chăn dắt hay là cha mẹ các em cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Luật trẻ em đã quy định, hành vi bóc lột trẻ, bắt trẻ ăn xin bị nghiêm cấm. Từ trước đến nay, cũng có rất nhiều vụ việc chăn dắt trẻ ăn xin được phát hiện, nhưng chúng ta chủ yếu xử lý bằng cách đưa các em trở về nhà, sau đó yêu cầu cơ quan pháp luật vào cuộc. Những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi nhiều lần để trẻ lang thang, ăn xin có tổ chức.
Tại nhiều tuyến đường lớn ở Q2 và Q9 (nay là TP.Thủ Đức), từ lâu đã tồn tại hiện tượng "chăn dắt" trẻ em và người khuyết tật đi ăn xin. Điển hình, tại đường Mai Chí Thọ (phường An Phú) là điểm nhức nhối của nạn chăn dắt trẻ em xin ăn. Theo lời của ông Dương (56 tuổi), làm nghề sửa xe trên đường Mai Chí Thọ, mỗi sáng khi ông dọn đồ nghề ra đều thấy một nhóm hơn 10 người - ông gọi là người Campuchia, nhóm người này có trẻ em và người lớn, nhiều đứa trẻ còn rất nhỏ cũng bị bế đi xin ăn.
Họ túc trực ở các trụ đèn giao thông, đèn đỏ vừa hiện là họ lao ra đường để xin tiền, bất kể làn ôtô hay xe máy. Việc này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mà số tiền những người ăn xin phải vất vả xin được có thể sẽ chảy vào túi của các tay chăn dắt, đầu nậu ăn xin. "Lực lượng chức năng đã nhiều lần truy quét, xử lý nhưng cứ sau một khoảng thời gian thì tình trạng này lại tiếp diễn. Nhiều lần thấy xe của lực lượng chức năng, họ liền bỏ chạy theo hướng ngược chiều xe hơi, rất nguy hiểm" - ông Dương cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành chính cho các hành vi ngược đãi, bóc lột trẻ em hiện này là chưa đủ sức răn đe, cụ thể theo các quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Khoản 3, Điều 27 của Nghị định này quy định: người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Bởi số tiền bị phạt và lợi nhuận thu được từ hành vi chăn dắt trẻ em ăn xin có chênh lệch quá lớn.