Công an tỉnh
Đồng Tháp sơ kết 5 năm thực hiện mô hình.
Trao cơ hội cho người từng lầm lỗi
Qua điều tra và thống kê của Công an tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2002 – 2012 toàn tỉnh có có 6.791 đối tượng tù tha về cư trú trên địa bàn, tỉ lệ tái phạm là trên 19%. Nguyên nhân tái phạm là thiếu rèn luyện, chưa chấp hành sự quản lý và giáo dục của gia đình, địa phương, không có việc làm. Đa số đối tượng chấp hành xong án phạt tù đều là lứa tuổi lao động, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi đó chưa được xóa án tích vì vậy không thể tiếp cận được nguồn vay vốn từ các chính sách xã hội. Sau khi khảo sát 3.963 trường hợp thì có 2.665 người có nhu cầu vay, với tổng số vốn gần 37,5 tỷ đồng.
Năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp ký quyết định cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng. Với nguồn kinh phí 3 tỷ đồng ban đầu được trích từ ngân sách và qua 2 lần bổ sung, tổng vốn tăng lên 15 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ủng hộ thêm hơn 400 triệu đồng. Đến nay, Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng đã giải ngân cho 667 trường hợp vay vốn, tổng số tiền đã thu hồi hơn 9,1 tỷ đồng và tiền lãi thu được hơn 1,1 tỷ đồng.
Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở địa phương đều trong tuổi lao động, trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, bản thân không có việc làm nên rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Vì vậy, nguồn vốn từ Quỹ Phát triển tái hoà nhập cộng đồng rất thiết thực.
Đến nay, qua kiểm tra xác minh của công an các cấp, hầu hết các trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, triển khai kinh doanh, sản xuất có hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng thời gian quy định. Đặc biệt chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện vi phạm pháp luật, đa số đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương.
Theo ông Lê Minh Hoan (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp), sự khởi đầu cho cuộc sống mới của một con người là hết sức quan trọng, có tính chất quyết định con đường tiếp theo mà họ sẽ đi. Khi chúng ta đưa một người trở về với cuộc sống xã hội thì cần có trách nhiệm hỗ trợ họ về vật chất và tinh thần. Phải bằng mọi giá giúp họ có được những điều kiện cần thiết để tự tồn tại và hòa mình vào trong cộng đồng, nhanh chóng tạo ra các mối quan hệ gần gũi trong cộng đồng xã hội.
Có thể những người hoàn lương thành công chưa thật sự nhiều, nhưng mỗi tấm gương những người như vậy càng cho thấy giá trị cần được nâng niu. Hãy nhìn vào ý chí, nỗ lực phục thiện, sự cam chịu của những con người trót một lần lầm lỡ để thấy những xúc cảm, sự cảm thông và yêu thương, để giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, giúp họ trở thành những con người hữu ích cho xã hội.
Một trong hàng trăm trường hợp được hỗ trợ vốn để sản xuất.
Họ đã làm lại cuộc đời
Những năm qua, việc triển khai Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng tác động tích cực đến các mặt đời sống xã hội, nhận thức các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội về công tác tái hòa nhập cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có quá khứ lầm lỡ cơ bản không còn. Bản thân và gia đình người chấp hành xong án phạt tù ngày càng tin tưởng vào vào đường lối, chính sách của Đảng và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Thông qua Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ giúp đỡ cho người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp tác động kéo giảm tình hình tội phạm. Từ đó tạo sự gắn kết giữa chính quyền với những người có quá khứ lầm lỗi.
Anh Nguyễn Văn Thái (31 tuổi, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) khi còn là sinh viên năm cuối, trong một lần điều khiển phương tiện giao thông đã gây tai nạn chết người. Với mức án 3 năm tù, trong thời gian chấp hành án, được cán bộ quản giáo quan tâm động viên, anh Thái chấp hành tốt các quy định trại giam và được tha tù trước thời hạn 12 tháng.
Trở về địa phương, với kiến thức chuyên ngành thú y cùng vốn 30 triệu đồng của Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng, anh Thái đầu tư nuôi gà và cuộc sống dần thay đổi từ đó. Hiện gia đình anh có đàn gà thả vườn hơn 2.000 con và tiếp tục mở rộng sản xuất chăn nuôi thêm heo. Sản xuất giỏi, vững chuyên môn, anh Thái được nhận vào làm nhân viên thú y của xã, dùng kiến thức của mình giúp ích cho bà con.
Còn anh Nguyễn Minh Thinh (ngụ xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) vốn là một thanh niên có nghề nghiệp ổn định nhưng chỉ vì một phút bốc đồng cùng đám bạn xấu uống rượu, quậy phá làm người khác bị thương nặng. Sau đó, anh Thinh vào Trại giam Cao Lãnh vì tội danh cố ý gây thương tích, với bản án 2 năm 6 tháng tù. Cải tạo tốt, anh được trở về địa phương trước 16 tháng. Biết gia đình anh thuộc diện nghèo, tháng 11-2016, Công an huyện Cao Lãnh tạo điều kiện cho anh vay 20 triệu đồng từ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng. Có vốn, anh Thinh thuê 0,5ha đất và mua giống, phân, thuốc để trồng ớt. Nhờ biết học hỏi kinh nghiệm và tinh thần quyết tâm đã giúp cho cho gia đình có cuộc sống ổn định.
Gia đình sống trong khu vực làng nghề truyền thống dệt chiếu thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, anh Phan Văn Tấn (31 tuổi) đã bắt đầu gắn bó với công việc này khi vừa chấp hành xong án phạt tù. Được vay vốn nguồn Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng, anh Tấn mua máy dệt chiếu, thuê công nhân để sản xuất. Với 4 máy dệt, mỗi tháng anh xuất ra thị trường hơn 1.000 chiếc chiếu.
Hiện tại, trong các khâu sản xuất từ chuốt lát, nhuộm màu, đóng viền cho đến dệt anh đều có người lao động thực hiện. Anh và vợ có nhiều thời gian trong quản lý và tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, trừ tất cả chi phí mỗi tháng gia đình có nguồn lợi nhuận từ 6-7 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp, để đảm bảo nguồn quỹ được bảo tồn và phát triển cũng như giúp người phạm lỗi tái hòa nhập cộng đồng bền vững, đơn vị và Công an các xã, phường thường xuyên đến thăm, động viên, khích lệ gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hoà nhập cộng đồng, những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn tiến bộ, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, chấp hành chính sách pháp luật, nhiều người trở thành những tuyên truyền viên tích cực…
Kết quả này đã góp phần kéo giảm tỉ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù từ 19% (giai đoạn từ năm 2002 – 2012) giảm xuống dưới 10% (từ năm 2013 đến đầu năm 2016).
(Còn tiếp...)