Rải tiền tỷ hòng thoát tội
Trong chuyên án 611-S, ngoài việc làm rõ hàng loạt các đường dây ma túy lớn nhỏ xung quanh ông trùm ma túy Vũ Ngọc Sơn với các hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, Giết người, Chống người thi hành công vụ…, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn đủ chứng cứ truy tố hành vi lừa đảo, làm môi giới hối lộ, đưa-nhận hối lộ của các đối tượng với số tiền cả chục tỷ đồng.
Với gã trùm Vũ Ngọc Sơn, khi kẻ từng mua bán 36 bánh heroin với y là Hoàng Trọng Quân bị bắt giữ ở Lạng Sơn vào tháng 12/2010, Sơn trốn biệt vào miền Nam rồi sang Campuchia. Trong thời gian bỏ trốn, y gọi điện nhờ anh họ là Nguyễn Văn Tới-Trưởng công an xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang dò nắm thông tin vụ án, đồng thời chỉ đạo chị gái ở quê nhà lo lót tiền.
Gã trùm Vũ Ngọc Sơn tại tòa
Để không dính án, lần đó, Sơn phải chi hơn nửa tỷ đồng để thoát thân. Sự việc được giải quyết êm xuôi, Sơn tiếp tục quay lại con đường cũ. Hơn nửa năm sau, y bị bắt tại Hòa Bình, còn Nguyễn Văn Tới cũng lãnh án 6 năm tù giam về tội môi giới hối lộ 550 triệu đồng.
Nguyễn Văn Tới lãnh án 6 năm tù
Nguyễn Xuân Hòa vốn là con buôn ma túy “cha truyền con nối” cũng mất trắng hơn 30.000 USD và 50 triệu đồng vào tay một kẻ giả danh Công an vì muốn chạy tội cho bố mẹ mình.
Tháng 4/2004, bố mẹ Hòa bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, Hòa cùng 2 người chú ruột là Nguyễn Xuân Hạnh, Nguyễn Xuân Giang đưa hơn 2 tỷ đồng cho một người làm trong ngành Công an tên là Quý ở Cầu Giấy, Hà Nội để chạy tội cho bố mẹ. Kết quả, mẹ Hòa là Đào Thị Huế cùng cậu là Đào Hồng Mừng bị TAND tối cao tuyên phạt tử hình, bố Hòa lãnh án nặng.
Ngót chục năm sau, Nguyễn Xuân Hòa mới có cơ hội tố cáo hành vi của đám lừa đảo khi bản thân Hòa cũng bị bắt về tội mua bán gần 11 kg heroin. Tiến hành cho Hòa vẽ sơ đồ nhà của Quý, ĐTV trực tiếp bí mật xác minh, lấy ảnh, lý lịch của Quý cho Hòa nhận dạng, CQĐT đã xác định đây là hành vi giả danh cán bộ Công an để lừa đảo và các đối tượng liên quan, bao gồm cả gã Công an dỏm tên là Nguyễn Ngọc Quý đã bị bắt.
Còn Trần Văn Hưng, sau khi bán “hàng đểu” nên bị đám bạn hàng dùng dao, tuýp sắt chặn đánh, y đã dùng súng bắn bị thương đối thủ và bị khởi tố về tội “Giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Mặc dù liên tục thay đổi nơi lẩn trốn khắp Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình để tránh bị truy bắt, trong thời gian trốn nã vẫn tiếp tục buôn bán ma túy với số lượng lớn để kiếm tiền và “lận lưng” 1 khẩu AK cùng 2 băng đạn 38 viên phòng thân, nhưng Hưng luôn tìm “cửa” để chạy tội.
Trần Văn Hưng 3 lần "chạy án" vẫn bị phạt chung thân theo đúng tội danh
Cũng bởi tin rằng “cái gì không giải quyết được bằng tiền, sẽ giải quyết được bằng rất nhiều tiền”, nên Hưng liên tiếp “sụp hố”. Lần đầu Hưng mất 700 triệu vào tay một chủ thầu xây dựng là Hoàng Văn Luân khi tên này vừa nhận được tiền từ em trai Hưng liền mang đi làm công trình, quên luôn lời hứa "chạy tội" cho kẻ giết người. Sau một thời gian chờ nhưng kẻ lừa đảo lặn mất tăm, Trần Văn Hưng về TP Ninh Bình sống với cô bồ mới quen.
Chưa được bao lâu, Hưng bị Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện. Khoảng 21h ngày 15/3/2012, Hưng bị bắt tại nhà cô bồ Đinh Thị Thanh Loan (ở phường Bích Đào, TP Ninh Bình) nên ngay lập tức ngỏ ý biếu tổ công tác chiếc cặp số đựng 2,5 tỷ đồng để đổi lấy tự do. Gặp đúng một cán bộ Công an biến chất, Hưng nhận được lời hứa sẽ làm cho nhẹ tội và không ảnh hưởng đến Loan bằng cách lập biên bản cho Hưng ra đầu thú và bắt Hưng tại cầu vượt chứ không phải tại nhà Loan. Đổi lại, Hưng đã đưa cho Nguyễn Viết Hòa, cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Thái Nguyên chiếc cặp số chứa 2 tỷ đồng.
Thấy “xuôi chèo, mát mái”, khi bị bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên thụ lý điều tra về tội giết người, tàng trữ vũ khí, Hưng cũng nhanh chóng đặt vấn đề biếu 500 triệu đồng cho điều tra viên thụ lý chính vụ án là Ma Khánh Linh để giúp y thoát tội. Vậy nhưng, lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát, những cán bộ Công an biến chất lần lượt bị đưa ra ánh sáng. “Của thiên, trả địa”, Trần Văn Hưng không những mất sạch số tiền vài tỷ đồng tích cóp được sau bao năm liều chết buôn ma túy, mà hình phạt dành cho y vẫn là tù chung thân về cả 3 tội.
Chân dung những kẻ “chạy án tử hình”
Trong đường dây này, kẻ bị tịch biên tài sản nhiều nhất phải kể đến Nguyễn Thị Thịnh (SN 1979, trú thôn Làng Sai, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Bị kết luận mua bán trái phép hơn 19,2 kg heroin, bà trùm bị tịch thu 2 chiếc xe ôtô và 5,7 tỷ đồng.
Xác định đây là đầu mối mua bán ma túy lớn và có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình bắt giữ Thịnh, ĐTV đã tập trung đấu tranh, làm rõ. Thịnh đã khai ra nhiều đồng bọn khác, trong đó có cả Triệu Văn Đời (SN 1982, ở khu 10, thị trấn Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) - “phi công trẻ” của cô ta. Khi bắt khẩn cấp Triệu Văn Đời, CQĐT thu giữ trong nhà tên này nhiều tài sản và sổ tiết kiệm gần 3 tỷ đồng.
Trên đường dẫn Đời về trại, anh ta tìm cách mua chuộc ĐTV, hứa rằng nếu thả Đời ra thì sẽ cho ĐTV 10 kg vàng. Thấy thái độ của Đời, ĐTV đã “tương kế, tựu kế”, tập trung làm rõ những “điểm mờ” trong vụ án. Đời tâm sự, khi cô bồ Nguyễn Thị Thịnh bị bắt, anh ta cũng ở đó, nhưng Đời không bị bắt. Sau đó, Đời đưa cho mẹ đẻ của Thịnh tiền, vàng để chạy tội cho Thịnh.
Biết con gái chắc chắn sẽ phải lãnh án tử hình vì buôn bán lượng ma túy quá lớn, bỏ lại hai đứa con thơ, đứa nhỏ chỉ mới vài tuổi đầu, trong khi dù có tới hai đời chồng vẫn đi cặp bồ, mẹ Thịnh là Bùi Thị Giang cuống cuồng tìm đến nhóm của Dương Ngô Sơn (SN 1966, cùng ở thôn Đồng Cờ, xã Ngọc Vân) nhờ "chạy án" và xin lại tài sản với giá 3,5 tỷ đồng và Dương Thị Khang (SN 1958, ở thôn Đồng Cờ, xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang) với giá 530 triệu đồng.
Kiểm tra tang vật vụ án
Đáng nói, kẻ nhận lời chạy án tử hình cho bà trùm ma túy này, thì người là chủ thầu xây dựng đang làm thuê cho Thịnh (Dương Ngô Sơn), người lại bán hàng nước ngay trong làng (Dương Thị Khang). Tay chủ thầu xây dựng kiêm chạy án khai đã bàn bạc với Trần Quang Nho, đưa 1,6 tỷ cho Nguyễn Thế Quyền-khi đó là PGS.TS luật học, giảng dạy tại Trường ĐH Thương Mại Hà Nội lo việc, số còn lại thì yên tâm dằn túi, đem đi gửi tiết kiệm và cất kĩ trong két sắt.
Sau khi bàn bạc, Quyền thống nhất- trước mắt phải xin được hai xe và tiền bị thu giữ, tiếp đó mới lo đến việc xin cho Thịnh được giảm án. Trao đổi xong, Quyền gọi điện cho một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang, đặt vấn đề nhờ ông này giúp xin lại tài sản cho Thịnh.
Theo lời khai của Quyền, sau khi nhận tiền từ người nhà can phạm, đã đưa cho lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang tên là Hoàng Văn K. Ông K. nhận tiền, rồi sai cấp dưới là Hoàng Văn Phái "giải quyết công việc". Phái hứa giúp Quyền, trước mắt là xin lại 2 ô tô bị tịch thu…
Tuy nhiên, dù đã mất thêm hơn 4 tỷ đồng chạy án, gia đình bà trùm Nguyễn Thị Thịnh không những không giúp Thịnh thoát án tử hình, còn không đòi lại được số tài sản khoảng 8 tỷ đồng bị thu giữ. Chồng hờ của Thịnh là Triệu Văn Đời lãnh án chung thân.
Trong khi đó, gã chủ thầu xây dựng Dương Ngô Sơn bị phạt 13 năm tù về tội môi giới hối lộ. Với Dương Thị Khang, CQĐT còn làm rõ năm 2012, Khang lừa đảo, chiếm đoạt 3 tỷ đồng tiền chạy án của Hà Văn Bập là anh trai Hà Văn Nhạy (ở Bắc Giang, bị xử tử hình tội Mua bán trái phép chất ma túy).
Chỉ là người bán hàng nước nhưng với tài khoa môi múa mép, Dương Thị Khang tham gia buôn bán 10 bánh heroin, lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 6,6 tỷ đồng và hình phạt cho bà ta là mức án 30 năm tù giam. Bị đề nghị truy tố về tội Môi giới hối lộ, tuy nhiên do đã khắc phục hậu quả, vị PGS.TS luật học Nguyễn Thế Quyền và Hoàng Văn Phái được Viện KSND tối cao miễn truy cứu.
(Còn tiếp...)
(CATP) Giữa thời bình, vẫn có một mặt trận chưa bao giờ ngơi tiếng súng, máu vẫn đổ: đó là cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Biết rằng sẽ phải lãnh án rất nặng, thậm chí đến tử hình nếu bị bắt nên không chỉ điên cuồng chống trả bằng đủ loại vũ khí, các đối tượng còn sử dụng trăm phương ngàn kế để dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí đe dọa, vu khống... đối với lực lượng phòng, chống ma túy.